Ngày 25-3, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh đã trả lời báo chí một số nội dung liên quan đến việc xuất khẩu gạo. Đây là vấn đề được dư luận rất quan tâm sau khi Tổng cục Hải quan có văn bản yêu cầu tạm dừng đăng ký, tiếp nhận và thông quan đối với các lô hàng các loại gạo xuất khẩu dưới mọi hình thức kể từ 0 giờ ngày 24-3.
Tham mưu theo số liệu "vênh"
Sau văn bản của Tổng cục Hải quan, Bộ Công Thương lập tức có kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ về việc vẫn thực hiện xuất khẩu gạo. Trả lời báo chí về kiến nghị tiếp tục xuất khẩu gạo, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh giải thích dịch Covid-19 diễn biến đã và đang gây ra những ảnh hưởng hết sức nghiêm trọng không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn thế giới. Do đó, nhu cầu với một số mặt hàng thiết yếu, trong đó có gạo, đang tăng rất nhanh và đã bắt đầu xuất hiện nhu cầu tăng dự trữ lương thực để bảo đảm cuộc sống cho người dân. Bên cạnh đó, trong 2 tháng đầu năm 2020, xuất khẩu gạo đã đạt 930.000 tấn, tăng 32% so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, một số thị trường có mức tăng tương đối mạnh.
Thu hoạch vụ đông xuân ở ĐBSCL Ảnh: NGỌC TRINH
Do vậy, Bộ Công Thương đã nhận định, nếu như việc xuất khẩu gạo vẫn diễn tiến như 2 tháng đầu năm thì Việt Nam có thể đối diện với rủi ro là thiếu gạo cho tiêu dùng trong nước. "Vì vậy, chúng tôi đề xuất với Thủ tướng Chính phủ cân nhắc một số phương án, trong đó có phương án tạm giãn tiến độ xuất khẩu gạo, phương án nữa là xem xét cấp giấy phép xuất khẩu gạo" - ông Trần Quốc Khánh nói. Ông cũng cho biết sau khi xem xét, lắng nghe ý kiến của các bộ ngành, Thủ tướng quyết định tạm giãn tiến độ xuất khẩu gạo đến cuối tháng 5. Trên tình hình đó, Tổng cục Hải quan có chỉ đạo hải quan địa phương.
"Sau khi Tổng cục Hải quan chỉ đạo, chúng tôi nhận được ý kiến một số doanh nghiệp (DN), địa phương về việc có thể có độ vênh nhất định giữa số liệu Bộ Công Thương có được với số liệu các địa phương, DN, đặc biệt là sản lượng vụ đông xuân tại ĐBSCL" - ông Khánh nói. Lý giải thêm về việc vênh số liệu, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh nhìn nhận sau khi có Nghị định 107/2018/NĐ-CP thì đã tự do hóa thị trường gạo. Do đó, DN không phải đăng ký hợp đồng, thông báo về số lượng đã ký hợp đồng, đã xuất khẩu, số liệu tồn kho cho nên xuất hiện độ vênh số liệu. Từ việc vênh số liệu, Bộ Công Thương đã báo cáo lại Thủ tướng cho phép kiểm tra lại số lượng tồn kho trong dân, số lượng tồn kho ở các DN, lượng hợp đồng xuất khẩu. Sau khi báo cáo lại Thủ tướng Chính phủ sẽ xem xét, quyết định.
Làm rõ thêm, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cho rằng trước đây, lượng gạo sản xuất, lượng gạo ký hợp đồng hay gạo tồn kho Bộ Công Thương nắm rất chắc. Tuy nhiên, sau khi có Nghị định 107, Bộ Công Thương không còn công cụ quản lý số liệu này nữa, tự do hóa hoàn toàn. DN không phải đăng ký hợp đồng, thông báo số liệu tồn kho, nên xuất hiện độ vênh số liệu.
Trước bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh giải thích việc đầu tiên sau khi báo cáo lại Thủ tướng là kiểm tra độ vênh của số liệu về gạo để có các phương án hợp lý.
Thủ tướng yêu cầu nghiêm túc rút kinh nghiệm
Chiều 25-3, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về việc xuất khẩu gạo. Theo đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), Tài chính và các cơ quan liên quan thành lập đoàn kiểm tra liên ngành để làm việc với các địa phương và DN xuất khẩu gạo chủ chốt. Qua đó, rà soát, kiểm tra, đánh giá về nguồn cung lúa gạo, tình hình xuất khẩu gạo và thực hiện dự trữ lưu thông, tình hình thực hiện hợp đồng xuất khẩu gạo.
Trên cơ sở đó, Thủ tướng yêu cầu báo cáo để xem xét, quyết định việc điều chỉnh hoạt động xuất khẩu gạo theo đúng quy định của Luật Quản lý ngoại thương, Nghị định số 107 của Chính phủ về kinh doanh xuất khẩu gạo và các quy định pháp luật khác có liên quan, báo cáo trước ngày 28-3. Trong khi chờ báo cáo đánh giá của đoàn kiểm tra liên ngành, Thủ tướng yêu cầu tạm dừng ký hợp đồng xuất khẩu gạo mới. Đối với hợp đồng xuất khẩu gạo đã được ký kết theo đúng quy định của pháp luật sẽ được xử lý cụ thể sau khi nghe đoàn kiểm tra liên ngành của Bộ trưởng Bộ Công Thương báo cáo.
Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương và các bộ, ngành cần nghiêm túc rút kinh nghiệm trong công tác tham mưu vừa qua. Yêu cầu bộ NN-PTNT, Tài chính, Công Thương chịu trách nhiệm bảo đảm cung ứng gạo cho nhân dân trong nước trong bối cảnh biến đổi khí hậu và dịch bệnh hiện nay.
Sản xuất cao hơn nhu cầu
Mới đây, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường đã có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ về kế hoạch sản xuất và nhu cầu tiêu thụ lúa gạo năm 2020.
Trong báo cáo, Bộ NN-PTNT cho biết dự kiến kế hoạch sản xuất năm 2020 đạt 43,5 triệu tấn lúa. Trong đó, vụ đông xuân sản lượng ước đạt 20,2 triệu tấn lúa, dự kiến kết thúc thu hoạch trước 30-6-2020. Vụ hè thu sản lượng ước đạt 11 triệu tấn lúa, dự kiến tập trung thu hoạch từ ngày 15-6 đến 30-9. Vụ thu đông tại ĐBSCL, sản lượng ước đạt 4,2 triệu tấn lúa, diện tích gieo cấy khoảng 750.000 ha, dự kiến sẽ tập trung thu hoạch từ 15-9 đến 15-11. Vụ mùa sản lượng ước đạt 8,2 triệu tấn lúa, dự kiến sẽ tập trung thu hoạch từ 15-9 đến 31-12.
Về tình hình xuất khẩu gạo và nhu cầu tiêu dùng trong nước, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết tính đến ngày 15-3, sản lượng gạo xuất khẩu đạt 1,298 triệu tấn - tăng 26,5% và giá trị đạt 602 triệu USD, tăng 34,6% so với cùng kỳ năm 2019. Dự báo, sản lượng gạo xuất khẩu năm 2020 từ 6,5 - 6,7 triệu tấn gạo (tương đương 13 - 13,4 triệu tấn lúa).
Về nhu cầu tiêu dùng và dự trữ cả nước, theo dự báo, nhu cầu tiêu thụ trong nước là 29,96 triệu tấn lúa, trong đó tiêu thụ của người dân là 14,26 triệu tấn; phục vụ chế biến 7,5 triệu tấn; phục vụ chăn nuôi 3,4 triệu tấn; dùng làm giống, giống dự phòng 1 triệu tấn và dự trữ trong nước 3,8 triệu tấn.
V.Duẩn
Bình luận (0)