Theo Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Vifores), xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ những tháng đầu năm 2023 gặp rất nhiều khó khăn, hầu như tháng nào cũng sụt giảm về lượng lẫn giá trị. Tuy nhiên, bước sang tháng 6, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đã tăng trở lại, khi đạt 1,1 tỉ USD, cao hơn 3,7% so với tháng 5. Đây là tín hiệu đáng mừng cho những tháng cuối năm của ngành gỗ.
Khó khăn chỉ là tạm thời
Thống kê của Cục Lâm nghiệp - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy giá trị xuất khẩu lâm sản 6 tháng đầu năm 2023 đạt 6,42 tỉ USD, giảm 28,8% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, gỗ và sản phẩm gỗ đạt 5,96 tỉ USD, giảm 29%; lâm sản ngoài gỗ 455,7 triệu USD, giảm 26,2%.
Nhà máy chế biến gỗ xuất khẩu đã có đơn hàng
Chuyên gia kinh tế Phạm Phú Ngọc Trai nhìn nhận tình trạng sụt giảm đơn hàng xuất khẩu ngành gỗ trong nửa đầu năm chỉ là tạm thời và tin rằng ngành nội thất Việt Nam vẫn còn dư địa để phát triển trong 5 đến 10 năm tới.
"So với mức phát triển GDP trung bình của toàn cầu ở mức 3%, tốc độ tăng trưởng kép của ngành nội thất thế giới là 4,5%, ngành chế biến gỗ Việt Nam phát triển trung bình 15,4%/năm, chứng tỏ vị thế và tiềm năng của ngành rất lớn" - ông Trai nêu cơ sở nhận định.
Thực tế, xuất khẩu gỗ 6 tháng đầu năm vẫn có những nhóm hàng tăng trưởng đáng kể như: mặt hàng ván sợi có kim ngạch xuất khẩu sang Ấn Độ tăng 3 lần so với cùng kỳ, đạt hơn 31,7 triệu USD; sản phẩm dăm gỗ đạt kim ngạch xuất khẩu hơn 1 tỉ USD, tăng 3%. Trung Quốc và Nhật Bản vẫn là 2 thị trường chính tiêu thụ dăm gỗ xuất khẩu từ Việt Nam, trong đó xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm trên 70%.
Thị trường châu Âu đã dần ổn định sau cơn sốt các nguồn cung ứng năng lượng, bao gồm cả nhiên liệu sinh khối. Đặc biệt, với những cam kết giảm mạnh phát thải và tăng cường sử dụng năng lượng sinh học, xuất khẩu viên nén sang châu Âu sẽ phục hồi cả về giá và khối lượng từ những tháng cuối năm. Đây là tín hiệu đáng mừng.
Theo ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Vifores, người dân châu Âu đang rất ưa chuộng đồ gỗ trang trí, đây được xem là thị trường ngách cho các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu gỗ, với mức tăng trưởng dự kiến khoảng 4,27%/năm cho giai đoạn 2023-2026 và đến năm 2026 có thể đạt 7,05 tỉ USD. Ngoài ra, nhiều DN gỗ đang tập trung khai phá các thị trường mới.
Đơn hàng tăng 50%
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, một số DN gỗ cho biết xuất khẩu gỗ những tháng cuối năm có nhiều tín hiệu tích cực, không ít DN đã có đơn hàng trở lại. Theo ông Lê Mạnh, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH SX-TM-DV Leglor, gần đây khách hàng, hầu hết là Mỹ, liên tục tìm đến công ty để tìm hiểu và ký đơn hàng. Trước mắt, chủ yếu là những đơn hàng nhỏ, với doanh số thấp hơn trước đây từ 20%-30%.
Ông Đặng Minh Lành, Giám đốc Công ty TNHH Nội thất New GBI, cũng xác nhận tình hình xuất khẩu đồ gỗ của công ty hiện tăng 50% so với đầu năm, đơn hàng tập trung nhiều vào những tháng cuối năm.
Theo ông Lành, nguyên do là khách hàng Mỹ, châu Âu gặp khó ở thị trường Trung Quốc nên tìm kiếm thị trường khác, tìm nhà cung cấp mới để thay thế, trong đó chủ yếu là các DN Việt Nam. Những khách hàng này đến tận nhà máy khảo sát trực tiếp, xem xét giá cả, quy trình làm việc, tính chuyên môn, chuyên nghiệp...
Kết quả khảo sát sơ bộ các DN do Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP HCM (HAWA) thực hiện cho thấy trong tháng 7-2023, DN trong ngành đã bắt đầu đón những đơn hàng trở lại, phục vụ cho mùa mua sắm nội thất cuối năm của thị trường thế giới. Nhiều DN gỗ đang mở rộng biên độ kinh doanh, tìm giải pháp thâm nhập trực tiếp thị trường quốc tế.
Ông Nguyễn Quốc Khanh, Chủ tịch HAWA, thông tin: Các thương hiệu nội thất lớn của Việt Nam đang mở rộng sự hiện diện ở những thị trường xuất khẩu tiềm năng, đặc biệt là Ả Rập Saudi, Dubai để tiếp cận cơ hội cung ứng đồ gỗ cao cấp cho các siêu dự án bất động sản mới. Với nội lực của ngành, ông Khanh tin mục tiêu xuất khẩu của năm 2023 hoàn toàn có thể đạt được bởi đơn hàng đã bắt đầu trở lại trong thời gian gần đây.
Trong khi đó, ông Đỗ Xuân Lập cho rằng phân khúc đồ gỗ cao cấp hiện nay vẫn chưa được các DN chú trọng nhiều, nếu tham gia thị trường này sẽ mang lại giá trị xuất khẩu rất lớn. Để tham gia được thị trường này, DN phải có thương hiệu, đạt tiêu chuẩn thiết kế, giải pháp công nghệ, có năng lực về thiết kế sản phẩm mới…
"Đặc biệt, ngành gỗ cần kiểm soát vấn đề lẩn tránh xuất xứ để bảo vệ hàng hóa Việt Nam, nếu không sẽ rất dễ bị kiện, bị áp thuế. Vấn đề nữa là tạo ra sự phát triển bền vững như: nguồn gốc nguyên liệu bền vững, xây dựng hệ thống trồng rừng theo quy trình có kiểm soát, không thể để mạnh ai nấy trồng hay chặt phá vô tội vạ…" - Chủ tịch Vifores chia sẻ.
Định vị lại mục tiêu
Các chuyên gia chỉ ra rằng ngoài những quy định bắt buộc hiện hành, DN gỗ của Việt Nam sẽ đối diện với những đòi hỏi mới như Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) do Ủy ban châu Âu đề xuất, có hiệu lực từ tháng 10-2023. Hàng hóa nhập khẩu thị trường châu Âu sẽ phải chịu thêm chi phí, nếu không chuyển đổi mô hình sản xuất ít phát thải hơn để có tín chỉ carbon.
Vì vậy, theo ông Phạm Phú Ngọc Trai, chuyển đổi xanh ngay từ bây giờ chính là con đường để có cơ hội nâng cao năng lực cạnh tranh. "Nếu thiết lập lại và tổ chức kết nối tốt, thị trường tín chỉ carbon chính là cơ hội để DN ngành nội thất Việt Nam gia tăng lợi thế. Ngành chế biến gỗ Việt Nam cần định vị lại mục tiêu, tầm nhìn trở thành trung tâm đồ nội thất thế giới xanh và bền vững" - ông Trai tư vấn.
Bình luận (0)