Nhìn chung, kim ngạch xuất khẩu hầu hết các mặt hàng trong nhóm đều tăng trưởng cao hơn so với cùng kỳ năm trước, như phân bón các loại tăng 46,9% về lượng nhưng tăng tới 192,6% về giá trị do giá xuất khẩu tăng cao.
Về thị trường trong nước, do ảnh hưởng của xu hướng tăng giá trên thị trường thế giới nên giá phân bón tăng so với tháng trước. Bên cạnh đó, nguy cơ về gián đoạn chuỗi cung ứng do căng thẳng thương mại, địa - chính trị leo thang; giá cước vận tải ở mức cao, những bất ổn từ xung đột Nga - Ukraine tác động đến ngành phân bón.
Thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ chỉ đạo các đơn vị thuộc bộ rà soát, đánh giá nhu cầu trong nước đối với mặt hàng chiến lược này để có biện pháp điều hành phù hợp hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, vừa tận dụng được cơ hội về giá để xuất khẩu và bảo đảm nguồn cung đủ cho nhu cầu tiêu dùng, sản xuất trong nước đặc biệt trong trường hợp giá cả nguyên vật liệu tăng quá cao.
Sản xuất phân bón tại nhà máy của Công ty CP Phân bón Bình Điền Ảnh: PHƯƠNG AN
Mới đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có văn bản đề nghị Bộ Tài chính kiến nghị Chính phủ báo cáo Quốc hội sửa đổi Luật số 71/2014/QH13 theo hướng chuyển phân bón từ đối tượng không chịu thuế sang đối tượng chịu thuế với mức thuế suất hợp lý để tạo điều kiện hỗ trợ ngành sản xuất phân bón trong nước và giảm bớt khó khăn cho nông dân trong điều kiện giá phân bón tăng cao và khan hiếm như hiện nay. Cùng với đó, nghiên cứu xem xét chính sách thuế xuất khẩu đối với các mặt hàng phân bón urê, DAP, MAP và phối hợp với các bộ, ngành các biện pháp kiểm soát xuất khẩu đối với các mặt hàng này.
Bình luận (0)