xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Xuất nhập khẩu 500 tỉ USD, điện mặt trời lọt vào 10 sự kiện nổi bật ngành Công Thương năm 2019

Minh Chiến

(NLĐO)- Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2019 vượt mốc 500 tỉ USD, thương mại điện tử có tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ hay chỉ số tiếp cận điện năng được cải thiện là những sự kiện nổi bật nhất năm 2019 của ngành công thương.

Ngày 27-12, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị tổng kết công tác toàn ngành năm 2019 với nhiều kết quả tích cực. Bộ Công Thương đã công bố 10 sự kiến nổi bật của ngành trong năm qua, trong đó điểm tên nhiều lĩnh vực như điện, xuất nhập khẩu, thương mại điện tử...

1. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu vượt mốc 500 tỉ USD

Đây là lần đầu tiên tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam vượt mốc 500 tỉ USD. Con số hơn 500 tỉ đô đạt được trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế và thương mại toàn cầu giảm thấp do tác động của xung đột thương mại, cạnh tranh chiến lược giữa các nền kinh tế lớn, đặc biệt là căng thẳng thương mại giữa Hoa Kỳ với Trung Quốc; xu hướng bảo hộ mậu dịch và việc các nước đang ngày càng gia tăng các biện pháp hạn chế thương mại.

Xuất nhập khẩu 500 tỉ USD, điện mặt trời lọt vào 10 sự kiện nổi bật ngành Công Thương năm 2019 - Ảnh 1.

Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam lần đầu vượt mốc 500 tỉ USD - Ảnh: Minh Chiến

Kỷ lục mới về tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cũng phản ánh sự nỗ lực của Chính phủ và các Bộ, ngành, địa phương, trong đó có Bộ Công Thương trong việc giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, cải thiện môi trường kinh doanh, mở rộng tìm kiếm, phát triển thêm nhiều thị trường mới từ việc tận dụng các Hiệp định thương mại tự do đã có hiệu lực.

2. Việt Nam hội nhập mạnh mẽ với Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA)

CPTPP đi vào thực thi và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu chính thức được ký kết thể hiện cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong việc chủ động, tích cực hội nhập sâu rộng với khu vực và thế giới. 

Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường các thành viên đã thực thi Hiệp định này có tốc độ tăng trưởng cao trên hai con số, tập trung vào các mặt hàng mà Việt Nam có thế mạnh xuất khẩu như điện thoại các loại và linh kiện; máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác; hàng thủy sản; và hàng dệt, may...

3. Quyết liệt chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại, gian lận thương mại, xuất xứ 

Năm 2019, trong bối cảnh diễn biến phức tạp của thương mại toàn cầu, đặc biệt là dưới áp lực của xung đột thương mại Mỹ - Trung, các hành vi gian lận xuất xứ, gian lận thương mại, lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại có xu hướng gia tăng với các hình thức ngày càng tinh vi, phức tạp. 

Trước thực tế này, Bộ Công Thương đã tích cực phối hợp với các Bộ, ngành liên quan triển khai quyết liệt công tác chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại, quản lý thị trường, phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, xuất xứ, ngăn chặn hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của các ngành sản xuất và người tiêu dùng trong nước.

4. Cải cách hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp

Bộ Công Thương là Bộ đầu tiên thực hiện kết nối với Cổng dịch vụ công Quốc gia. Bộ đã lựa chọn những dịch vụ công có số lượng hồ sơ lớn, có tác động trực tiếp đến người dân, doanh nghiệp đưa lên Cổng dịch vụ công quốc gia như Cấp giấy chứng nhận xuất xứ ưu đãi và Đăng ký hoạt động khuyến mại. 

Xuất nhập khẩu 500 tỉ USD, điện mặt trời lọt vào 10 sự kiện nổi bật ngành Công Thương năm 2019 - Ảnh 2.

Việc kết nối lên Cổng dịch vụ công quốc gia đã tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong việc giải quyết thủ tục hành chính - Ảnh: Minh Chiến

Việc kết nối thành công với Cổng dịch vụ công quốc gia thể hiện cam kết của Bộ Công Thương luôn đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp trong công tác hiện đại hóa, cải cách hành chính, tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp khi thực hiện các thủ tục hành chính.

5. 10 năm thực hiện Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" 

Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" đã đóng góp không nhỏ trong việc đảm bảo cho thị trường trong nước giữ vững được đà tăng trưởng cao, ổn định với tốc độ tăng của tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và dịch vụ xã hội đạt xấp xỉ 17,5% trong 10 năm qua.

Cuộc vận động góp phần đưa Việt Nam trở thành một trong những thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất toàn cầu (đứng vị trí thứ 6 trong nhóm 30 quốc gia có tiềm năng và mức độ hấp dẫn đầu tư trong lĩnh vực bán lẻ toàn cầu). Cuộc vận động đã tạo được niềm tin và sự quan tâm mua sắm, tiêu dùng trong phần lớn người tiêu dùng Việt Nam đối với hàng hóa thương hiệu Việt. Đồng thời, khơi dậy được tiềm năng dồi dào về nguồn lực và năng lực kinh doanh, phân phối của mọi thành phần kinh tế. 

6. Thương mại điện tử là thị trường tiềm năng nhất khu vực ASEAN

Việt Nam hiện được đánh giá là một trong những thị trường thương mại điện tử phát triển nhanh nhất ở Đông Nam Á với tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm là hơn 25% trong giai đoạn hiện nay và được dự báo quy mô thị trường có khả năng lên tới 13 tỉ USD vào năm 2020. 

Doanh thu hoạt động thương mại điện tử ngày càng chiếm tỉ trọng cao trong tổng doanh thu bán lẻ và dịch vụ tiêu dùng (xấp xỉ 4% và đang gia tăng nhanh). Tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử của Việt Nam giai đoạn 2015 - 2025 được dự báo ở mức 43%, đưa Việt Nam trở thành nước có nền Thương mại điện tử tăng trưởng nhanh nhất khu vực.

Bộ Công Thương đã và đang đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, ứng dụng thương mại điện tử xuyên biên giới với việc tìm hiểu và kết nối với Amazon Global Selling bằng chương trình bán hàng toàn cầu của Amazon nhằm gia tăng xúc tiến thương mại và xuất khẩu qua nền tảng thương mại điện tử, qua đó, nhiều doanh nghiệp đã được hỗ trợ để xuất khẩu hàng hoá qua sàn thương mại điện tử của Amazon. 

7. Chỉ số tiếp cận điện năng tiếp tục được cải thiện


Xuất nhập khẩu 500 tỉ USD, điện mặt trời lọt vào 10 sự kiện nổi bật ngành Công Thương năm 2019 - Ảnh 3.

Chỉ số tiếp cận điện năng tiếp tục được cải thiện - Ảnh: Minh Chiến

Theo kết quả đánh giá của Ngân hàng Thế giới tại báo cáo Doing Business 2019, chỉ số Tiếp cận điện năng của Việt Nam tăng năm thứ 6 liên tiếp với số điểm là 88,2 điểm (tăng 0,26 điểm so với năm 2018 là 87,94 điểm) và tiếp tục đứng thứ 4 trong nhóm ASEAN-4 và nhóm 4 nước tốt nhất của các nước tham gia hiệp định CPTPP, đồng thời duy trì vị trí xếp hạng 27 trên tổng số 190 quốc gia và nền kinh tế; duy trì vị trí thứ 2 trong khu vực ASEAN về số thủ tục và thời gian thực hiện của ngành Điện.

8. Sản xuất thành công máy biến áp nguồn dự phòng 500kV công suất 467 MVA

Sản phẩm Máy biến áp nguồn dự phòng 500kV với công suất 467 MVA được lắp đặt tại nhà máy thủy điện Lai Châu và Sơn La là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ do Bộ Công Thương chủ trì phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ giao Tổng công ty Thiết bị điện Đông Anh chủ trì nghiên cứu và triển khai thực hiện.

Đối với ngành điện, sự kiện này đánh dấu việc doanh nghiệp trong nước hoàn toàn đủ khả năng và chủ động trong việc cung cấp các loại máy biến áp đến cấp điện áp đến 500kV phục vụ phát triển lưới điện quốc gia, góp phần vận hành an toàn lưới điện và đảm bảo an ninh năng lượng của quốc gia. 

9. Tái cơ cấu lực lượng quản lý thị trường (QLTT)

Được tổ chức lại theo mô hình ngành dọc từ Trung ương đến địa phương, hiện Tổng cục QLTT đã lập, phê duyệt quy hoạch cán bộ trong toàn lực lượng; hiệp y với chính quyền địa phương trong công tác quy hoạch, bổ nhiệm lãnh đạo các Cục Quản lý thị trường địa phương.

Đến nay, Tổng cục đã giảm được 235 đội Quản lý thị trường và sẽ tiếp tục giảm 70 Đội vào năm 2020, từng bước kiện toàn công tác bổ nhiệm lãnh đạo các cấp trong Tổng cục và cơ bản hoàn thành Đề án thành lập 19 Cục Quản lý thị trường liên tỉnh để trình Thủ tướng Chính phủ.

Năm 2019, lực lượng QLTT đã tấn công vào nhiều điểm nóng, đường dây, ổ nhóm về hàng giả, hàng lậu lớn, xử lý trên 90.000 vụ vi phạm; thu nộp ngân sách nhà nước gần 500 tỉ đồng.

10. Điện mặt trời bùng nổ

Cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời của Chính phủ đã tạo động lực mạnh mẽ, thu hút các nhà đầu tư tham gia sản xuất điện mặt trời. Tính đến hết năm 2019, đã có khoảng gần 5.000 MW điện đã được sản xuất từ các nhà máy sản xuất điện mặt trời. 

Xuất nhập khẩu 500 tỉ USD, điện mặt trời lọt vào 10 sự kiện nổi bật ngành Công Thương năm 2019 - Ảnh 4.

Tính đến hết năm 2019, đã có khoảng gần 5.000 MW điện đã được sản xuất từ các nhà máy sản xuất điện mặt trời - Ảnh: Minh Chiến

Kết quả này có ý nghĩa quan trọng về mặt đảm bảo cung cấp điện, mỗi năm bổ sung khoảng 7-9 tỷ kWh góp phần giảm nguy cơ thiếu điện, giảm công suất điện chạy dầu giá cao, hướng phát triển ngành năng lượng Việt Nam theo hướng bền vững, giảm phát thải khí nhà kính.


Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo