Nhiều năm qua, dù tình hình kinh tế có khó khăn, xuất khẩu vẫn luôn là điểm sáng với mức tăng hằng năm trên 10%. Tuy nhiên, nếu nhìn vào thực tế các ngành hàng xuất khẩu và từng doanh nghiệp (DN) cụ thể sẽ thấy kim ngạch tăng nhưng giá trị xuất khẩu lại giảm.
Báo cáo của Bộ Công Thương cho thấy quý I/2014, nhóm hàng nông - lâm - thủy sản xuất khẩu đạt 4,9 tỉ USD nhưng so với bình quân cùng kỳ, giá xuất khẩu cà phê, cao su, sắn và sản phẩm từ sắn giảm đáng kể (giá cà phê giảm đến 24,8%). Ở nhóm hàng nhiên liệu và khoáng sản, xuất khẩu hơn 2,3 tỉ USD nhưng giá xuất khẩu cũng giảm, trong đó than đá giảm 26,9%, quặng và khoáng sản khác giảm hơn 66%.
Ở lĩnh vực công nghiệp chế biến (chiếm tỉ trọng 70,6% trong tổng kim ngạch xuất khẩu), xuất khẩu quý I đạt hơn 23,5 tỉ USD. Nhiều mặt hàng như gỗ, sản phẩm gỗ có kim ngạch tăng 23,3%, hàng dệt và may mặc tăng 21,9%, giày dép các loại tăng 25,9%... Cảnh ăn đong đơn hàng như vài năm trước không còn, DN có đơn hàng ổn định đến hết quý III, thậm chí cả năm. Tuy nhiên trên thực tế, các DN chủ yếu hoạt động cầm cự, chờ thời vì giá xuất khẩu không tăng.
Các DN ngành da giày cũng cho biết đơn hàng nhiều nhưng giá xuất khẩu không tăng; còn chi phí đầu vào như điện, xăng dầu… luôn rình rập tăng.
Ngay với mặt hàng xuất khẩu hàng đầu thế giới là gạo, nông dân cũng luôn chịu thiệt thòi vì giá xuất khẩu giảm. Vụ lúa đông xuân ở ĐBSCL, nông dân tiếp tục rơi vào cảnh “được mùa, mất giá”. Đến gần cuối tháng 3, xuất khẩu gạo theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam đạt khoảng 0,86 triệu tấn nhưng giá trị chỉ khoảng 371 triệu USD (theo giá FOB). Giá xuất khẩu giảm nên mục tiêu để người nông dân có lãi 30% sẽ khó thành hiện thực.
“Chất lượng” xuất khẩu luôn được cộng đồng DN quan tâm. Tuy nhiên, nhiều mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu hàng tỉ USD/năm nhưng giá trị gia tăng đem lại không đáng kể. Nói như ông Điền Quang Hiệp, Giám đốc Công ty Gỗ xuất khẩu Mifaco: “Xuất khẩu nhiều nhưng hưởng lợi chẳng bao nhiêu!”.
Bình luận (0)