Đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành ngân hàng trong năm 2022 được đưa ra tại Chỉ thị số 01 do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước vừa ban hành.
Theo đó, các tổ chức tín dụng được yêu cầu tiếp tục triển khai hiệu quả các giải pháp hỗ trợ người dân và doanh nghiệp. Ưu tiên hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp thuộc các ngành, lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng bởi dịch Covid-19 và doanh nghiệp có hệ thống quản trị tốt, có khả năng phục hồi sản xuất, kinh doanh tốt.
Các ngân hàng cần cân đối nguồn vốn, hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ. Cho vay phục vụ nhu cầu đời sống, tín dụng tiêu dùng với mức lãi suất hợp lý, không nới lỏng các điều kiện cấp tín dụng. Phát triển đa dạng sản phẩm tín dụng ngân hàng đáp ứng nhu cầu vốn hợp pháp của người dân, doanh nghiệp, góp phần hạn chế tín dụng đen.
Các ngân hàng sẽ tiếp tục giảm chỉ tiêu lợi nhuận, không chia cổ tức bằng tiền mặt để phấn đấu giảm lãi suất cho vay. Ảnh: Bình An
Vốn ngân hàng sẽ tiếp tục được kiểm soát chặt vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như đầu tư, kinh doanh bất động sản, chứng khoán, các dự án BOT, BT giao thông, hoạt động đầu tư trái phiếu doanh nghiệp...
Cùng với việc kiểm soát để tránh phát sinh nợ xấu, các ngân hàng phải tiếp tục cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu. Tuân thủ quy định của pháp luật về phân loại, trích lập và sử dụng dự phòng rủi ro đối với các khoản nợ; hạn chế nợ xấu mới phát sinh trong bối cảnh nền kinh tế tiếp tục bị tác động tiêu cực bởi dịch.
Kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn vay đúng mục đích của khách hàng, đánh giá khả năng trả nợ của khách hàng, nhất là khách hàng thuộc lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, khách hàng có dư nợ lớn và kịp thời có giải pháp phù hợp nhằm đảm bảo an toàn vốn vay, hạn chế nợ xấu phát sinh…
Đặc biệt, tổ chức tín dụng có hoạt động đại lý bảo hiểm, cần phải chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về kinh doanh bảo hiểm; tăng cường kiểm tra, kiểm soát nội bộ đối với hoạt động đại lý bảo hiểm trên toàn hệ thống và xử lý nghiêm những trường hợp yêu cầu khách hàng phải mua các loại bảo hiểm khi cấp tín dụng cho khách hàng.
Với các công ty tài chính tiêu dùng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước yêu cầu cần tiếp tục tập trung chấn chỉnh lại hoạt động cho vay, bảo đảm chính sách lãi suất phù hợp và chính sách thu nợ minh bạch, đúng quy định pháp luật.
Như vậy, 2022 là năm tiếp theo các ngân hàng sẽ không được chia cổ tức bằng tiền mặt. Năm ngoái, hàng loạt ngân hàng đã chuyển sang chia cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn điều lệ, trong đó một vài ngân hàng có mức chia cổ tức bằng cổ phiếu khá cao từ 20-35% như MSB, MBB, ACB, Vietinbank, OCB…
Trước đó, tại họp báo thông tin kết quả hoạt động ngân hàng năm 2021 và triển khai nhiệm vụ năm 2022, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú đã thông tin về các chính sách tài khoá, tiền tệ để hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đã được Quốc hội thông qua, trong đó có gói hỗ trợ lãi suất 40.000 tỉ đồng. Theo đó, ngành ngân hàng sẽ triển khai gói hỗ trợ lãi suất 2%/năm dự kiến triển khai trong hai năm 2022-2023, tương đương với quy mô dư nợ tín dụng khoảng 1 triệu tỉ đồng.
Các trường hợp được hỗ trợ bao gồm: doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh có khả năng trả nợ, có khả năng phục hồi và các trường hợp vay cải tạo chung cư cũ, xây dựng nhà ở xã hội, nhà cho công nhân thuê và thuê mua.
Bình luận (0)