Hải Phòng đầu những năm 90 của thế kỷ 20, có những diễn biến khá phức tạp, nổi cộm là nạn cướp tài sản với những thủ đoạn hết sức nguy hiểm, trắng trợn, thậm chí tàn bạo. Có thời điểm ngắn, thành phố ghi nhận 12 vụ cướp táo tợn.
Những tên cướp cực kỳ manh động
Hung thủ dùng hung khí nóng không chỉ uy hiếp người lương thiện ngoài đường phố mà chúng còn xông vào tận nhà để “trấn” xe máy và nhiều tài sản có giá trị, gây hoang mang cho người dân. Trước tình hình đó, tháng 9 năm 1990, Giám đốc CATP đã xác lập Chuyên án mang bí số 990K, giao cho Công an quận Ngô Quyền là đơn vị chủ công phá án…
Qua nắm tình hình từ những vụ cướp xảy ra trên địa bàn, Ban chuyên án 990K nhận định, thủ đoạn của bọn tội phạm hết sức manh động và trắng trợn. Bọn chúng câu kết chặt chẽ với nhau thành băng nhóm, sử dụng súng, lựu đạn và các hung khí như kiếm, dao lê, mã tấu… để uy hiếp cướp tài sản của người dân (chủ yếu là xe máy).
Nếu chủ xe có ý chống cự, bọn cướp sẵn sàng nhả đạn, cướp xe rồi nhanh chóng tẩu thoát. Đã có những nạn nhân bị trọng thương trong những vụ cướp như vậy. Đáng nói, địa bàn bọn cướp hoạt động rất rộng, trải dài khắp các quận nội thành, chủ yếu là các tuyến đường Lương Khánh Thiện, Lê Lợi, Cát Bi... rồi cả ở khu đền Nghè (quận Lê Chân), khu Lý Thường Kiệt (quận Hồng Bàng).
Ban chuyên án xác định, chỉ tính từ ngày 25-4 đến 25-9-1990, riêng địa bàn quận Ngô Quyền xảy ra 3 vụ đối tượng dùng súng cướp xe máy trên các tuyến đường Lạch Tray, Lương Khánh Thiện, Cát Bi. Cả 3 nạn nhân trong các vụ cướp đều bị sát thương, tài sản bị cướp trị giá hàng trăm triệu đồng (thời điểm năm 1990).
Có vụ, chúng chặn xe máy của nạn nhân, rút súng bắn thị uy để nạn nhân bỏ chạy rồi cướp xe; có vụ chúng cướp xe xong, nạn nhân đuổi theo liền bị chúng bắn trọng thương; đặc biệt có lần, cả bọn còn xông vào tiệm vàng, dùng súng, lựu đạn uy hiếp, trói nghiến và nhét giẻ vào miệng cả gia đình nạn nhân cướp hết tài sản.
Không thể để bọn tội phạm mặc sức hoành hành, được sự chỉ đạo chặt chẽ của Giám đốc CATP, Ban chuyên án 990K của Công an quận Ngô Quyền khi ấy là Đại úy Bùi Văn Tẳng, Trưởng CAQ chỉ huy đã tập trung toàn bộ lực lượng, trinh sát hình sự xác minh, rà soát đối tượng, đồng thời vận động quần chúng tố giác tội phạm kết hợp với các biện pháp nghiệp vụ để lần tìm tung tích bọn cướp. Chỉ trong thời gian ngắn, lực lượng phá án đã “dựng” được chân dung của cả 1 băng cướp khét tiếng.
Tất cả gồm 21 tên, hầu hết có “tiền án tiền sự nhiều hơn tiền mặt”, từng ra tù vào tội như đi chợ. Nổi bật trong số này là các tên: Trần Thanh Tùng (Tùng “lập”), Nguyễn Quốc Toàn (Toàn “vổ”), Lưu Mạnh Tuấn (Tuấn “cưng”), Đỗ Mạnh Hùng (Hùng “muôn”), Trần Quang Trung (Trung “ký”)…
Ngoài các vụ cướp trắng trợn thì băng nhóm tội phạm này còn gây ra nhiều vụ lừa đảo, trộm cắp tài sản khác với những thủ đoạn cực kỳ tinh vi, xảo quyệt. Bọn chúng thường mò đến những bãi giữ xe đạp, xe máy lớn của thành phố như chợ Sắt, Bệnh viện hữu nghị Việt Tiệp, “tăm tia” trước rồi phân công nhau, đứa cảnh giới, đứa vào bãi xe, sử dụng vé giả (đã chuẩn bị từ trước) xóa số ghi trên xe, điền số giả để lấy trộm xe đem về tháo BKS chính, thay biển giả để bán lấy tiền tiêu xài.
Tất cả những vụ việc manh động nêu trên của bọn “lâu la” đều đặt dưới tay của một “thủ lĩnh” cướp bóc khét tiếng có tên là Nguyễn Hồng Kỳ (tức Kỳ “híp”). Và không chậm trễ, một kế hoạch giăng lưới cất vó Kỳ “híp” và đồng bọn đã được dàn dựng công phu…
Những vụ cướp “vô tiền khoáng hậu”
Nguyễn Hồng Kỳ, sinh năm 1969, tạm trú ở số nhà 63 phố Chu Văn An, phường Lê Lợi, quận Ngô Quyền. Hắn nổi tiếng trong giới tội phạm với biệt danh là Kỳ "híp". Tuy nhiên có một điều hơi lạ là Nguyễn Hồng Kỳ được sinh ra trong một gia đình làm ăn lương thiện, bản thân Kỳ cũng được bố mẹ cho ăn học tử tế. Nhưng rồi khi lớn lên, với bản tính ngỗ ngược, ăn chơi đua đòi, Kỳ "híp" dần lún sâu và rủ thêm nhiều "chiến hữu" khác cùng lao vào con đường tội ác.
Sau này, khi bị bắt, Nguyễn Hồng Kỳ từng khai nhận về nguyên nhân gây ra các vụ cướp táo tợn: "Cháu chỉ nghĩ đơn giản, muốn có tiền thì phải đi… cướp!".
Để có hung khí gây án đồng thời cũng là gây thanh thế, phi vụ đầu tiên mà Nguyễn Hồng Kỳ ra tay để "lấy số" với đàn em là vụ trộm cắp súng của Sở Thể dục - Thể thao thành phố ngày đó. Nguyên do vì nhà Kỳ gần với sân vận động Lạch Tray và hắn biết được tại đây có nhiều súng dành cho vận động viên tập luyện, thi đấu.
Đêm 12-3-1990, Kỳ "híp" rủ thêm một số đồng bọn trèo tường, lẻn vào dãy nhà kho của Sở này, dùng cưa sắt phá khoá, cuỗm liền một lúc 4 khẩu súng thể thao (gồm 2 khẩu súng ngắn, 2 khẩu súng dài).
Lấy được súng, Kỳ "híp" cùng đồng bọn đem cưa ngắn nòng cho gọn (sau này Kỳ còn tìm mua thêm súng ngắn quân dụng, lựu đạn…) phân phát cho nhau để làm hung khí gây án. Và cũng từ đây, băng Kỳ "híp" bắt đầu hoành hành tại các khu vực nội thành Hải Phòng, gây ra nhiều vụ cướp hết sức manh động.
Điển hình là vào tối 26-4-1990, Nguyễn Hồng Kỳ, Trần Thanh Tùng mang theo 2 súng ngắn lân la ở khu tập thể Đồng Tâm trên đường Lạch Tray. Tại đây chúng phát hiện anh Phạm Văn Trịnh đi xe máy Honda Cub 50, đời 82, đèo bạn gái phía sau. Không chần chừ, Kỳ áp sát cùng đồng bọn nổ súng thị uy khiến anh Trịnh và bạn gái hoảng hồn vứt xe bỏ chạy. Bọn cướp lấy được chiếc xe máy mang về nhà Lưu Mạnh Tuấn (Tuấn "cưng") cất giấu, sau đó bán lấy tiền tiêu xài.
Quen mui, chỉ một tháng sau, vào 20h ngày 26-5-1990, Kỳ "híp", Toàn "vổ" và Tuấn "cưng" bàn bạc, mang theo 2 súng ngắn, cả gan tới trước số nhà 252 phố Lý Thường Kiệt (Hồng Bàng), tổ chức cướp chiếc xe máy Honda 90 đời 82 của gia chủ dựng trước cửa. Khi phát hiện vụ cướp xe, một số người dân truy đuổi đã bị Kỳ "híp" quay lại, rút súng nã thẳng khiến anh Nguyễn Bá Hỷ bị trọng thương.
Chưa hết, vào 20h ngày 7-1-1991, Kỳ "híp" dẫn theo đàn em là Hùng "muôn", Hùng "vổ", Trung "ký", Chính, Tự… dàn trận cướp ngay tại nhà anh Đào Trung Hội, ở số 22 (gác 2) phố Lê Chân. Qua thăm dò từ trước, bọn Kỳ "híp" biết anh Hội là người buôn vàng, nhà có nhiều tiền của. Cả bọn đã xông vào nhà anh, dùng súng, lựu đạn khống chế, lấy dây trói và nhét giẻ vào miệng cả 5 người trong gia đình, lấy đi 2 thỏi vàng (tương đương 20 cây vàng), 1 dây chuyền 2 cây vàng, 1 vòng ngọc, 1 xe đạp mini Nhật cùng 1 đầu máy video… Toàn bộ số tài sản cướp được, chúng mang về cất giấu tại nhà người yêu của Kỳ "híp" là P.T.H.G trên phố Lạch Tray, sau đó đem bán lấy tiền chia nhau tiêu xài hết…
Theo tài liệu của Ban chuyên án 990K, chỉ trong vòng chưa đầy 1 năm, băng Kỳ "híp" đã gây ra 15 vụ cướp, trộm cắp, lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên địa bàn nội thành Hải Phòng. Trong số đó có 10 vụ Kỳ "híp" trực tiếp dẫn đầu, ra tay cùng đàn em. Khi hành sự, bao giờ Kỳ "híp" cũng mang trong người 2 khẩu súng và thường là kẻ nổ súng trước tiên…
Lưới trời lồng lộng, thưa mà khó lọt. Sau khi nắm được hành tung cũng như tội lỗi mà băng Kỳ "híp" gây ra tội với nhân dân, Ban chuyên án quyết định tung các trinh sát hình sự giỏi nhất vào cuộc, cất những mẻ vó lớn, tóm gọn toàn bộ băng cướp trước khi chúng gây thêm tội ác…
Tướng cướp và những khẩu súng định mệnh
Bóng đen tội ác của băng cướp Nguyễn Hồng Kỳ không chỉ gây bất bình, hoang mang lo sợ cho người dân thành phố ở thời điểm đó, mà nó còn như là một "món nợ" canh cánh trong lòng Ban chuyên án 990K và CBCS Công an quận Ngô Quyền. Mục tiêu Ban chuyên án đề ra là phải bắt toàn bộ băng cướp một cách nhanh chóng và an toàn nhất, để chặn lại sớm nhất bàn tay tội ác của Kỳ "híp" và đồng bọn…
Có dịp tiếp xúc với phóng viên Báo An ninh Hải Phòng, khi kể về Chuyên án Kỳ "híp", Đại tá Bùi Văn Tẳng, nguyên Trưởng Công an quận Ngô Quyền nhớ lại: "Khó khăn lớn nhất của chúng tôi khi tổ chức truy bắt Nguyễn Hồng Kỳ và đồng bọn là băng cướp này hoạt động theo kiểu "thoắt ẩn thoắt hiện", di chuyển gây án địa bàn liên tục.
Cũng có khi "đánh quả" xong một phi vụ nào đó thì chúng lại nằm im một thời gian, vừa để lẩn tránh sự truy lùng của công an, đồng thời cũng có dịp ăn chơi phè phỡn từ số tài sản vừa cướp được".
Đại tá Tẳng còn nhấn mạnh thêm, hầu hết các đối tượng trong băng Kỳ "híp" đều được trang bị vũ khí nóng như súng ngắn, súng dài, lựu đạn, các loại dao lê, kiếm, mã tấu… Nếu không có phương án chặt chẽ, cẩn trọng và hiệu quả sẽ dễ gây mất an toàn cho người dân và lực lượng truy bắt.
Tuy nhiên, không nản trước khó khăn, với quyết tâm cao nhất và được sự chỉ đạo sâu sát của Ban chuyên án 990K, lực lượng Cảnh sát hình sự - Công an quận Ngô Quyền hoàn toàn tin tưởng sẽ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chủ công truy bắt băng cướp.
Các trinh sát đã triển khai một loạt biện pháp nghiệp vụ, vừa vận động quần chúng tố giác tội phạm, tổ chức mật phục dài ngày ở các khu vực, địa bàn trọng điểm bọn cướp có thể gây án; vừa rà soát, xác minh từng nguồn tin, từng đối tượng nghi vấn, không bỏ qua bất cứ chi tiết liên quan nào.
Cuối cùng, manh mối đầu tiên của vụ án được hé mở khi vào tối 31-8-1990, Công an phường Lạch Tray trong lúc làm nhiệm vụ ở khu vực đường Lạch Tray đã kiểm tra và tạm giữ 4 thanh niên đi 1 xe máy 82-70 màu xanh rêu không có giấy tờ, chở quá số người quy định.
Tại trụ sở Công an phường, 4 thanh niên lấy lý do xin về nhà mang giấy tờ xe lên trình, đã bấm nhau lẳng lặng… chuồn mất, bỏ lại chiếc xe máy. Vài ngày sau, bỗng có một phụ nữ trung tuổi lân la đến trụ sở công an phường, ngỏ ý hối lộ 3 chỉ vàng để… "chuộc" xe ra. Lập tức, người phụ nữ được triệu tập để khai thác.
Lúc đó, chị ta mới nói thật, chiếc xe máy trên Nguyễn Hồng Kỳ mới "trấn" được trong vụ cướp diễn ra tối hôm ấy, tại trước cửa nhà số 3, phố Trần Bình Trọng, phường Lương Khánh Thiện, Ngô Quyền.
Cùng lúc đó, nguồn tin quần chúng cung cấp thêm, tối 12-9-1990, bọn Kỳ "híp" gồm 4 tên tụ tập tại nhà Trần Thanh Tùng, sinh năm 1961, ở khu tập thể Đồng Tâm rồi kéo nhau đi đâu không rõ. Một lúc sau, cả bọn lại tụ về nhà Tùng ăn uống đập phá suốt đêm. Đầu mối này đã giúp Ban chuyên án củng cố thêm tài liệu chứng cứ để phá án.
Đêm 17-10-1990, Nguyễn Quốc Toàn, tên đầu tiên trong băng Kỳ "híp" đã sa lưới công an. Qua thẩm vấn, Toàn vanh vách khai tội lỗi của Kỳ "híp" trong các phi vụ đình đám đã xảy ra thời gian trước. Đến lúc này, Giám đốc CATP và lãnh đạo Ban chuyên án 990K đã quyết định ra lệnh bắt khẩn cấp đối với Nguyễn Hồng Kỳ và đồng bọn của hắn.
Điều làm Ban chuyên án đau đầu là, băng Kỳ "híp" kể cả khi gây án lẫn khi lẩn trốn đều tụ tập thành nhóm, sinh hoạt trong nhà một tên nào đó, xung quanh là dân cư đông đúc. Chúng cũng lại được trang bị vũ khí đến "tận răng", chỉ cần một sơ xuất nhỏ, hậu quả sẽ khôn lường.
Chính vì vậy, Cảnh sát hình sự - Công an quận Ngô Quyền đã đề xuất phương án "xé lẻ" băng cướp, rồi tìm cách "tỉa" dần từng tên. Bằng cách này, trong tháng 10-1990, lực lượng truy bắt đã dần tóm gọn Trần Thanh Tùng và một số tên khác.
Sau khi Tùng và nhiều tên đàn em bị công an tóm, Kỳ "híp", Tuấn Anh, Tuấn "cưng" co cụm lại với nhau, bàn bạc gây ra các vụ cướp khác manh động, liều lĩnh hơn, điển hình như vụ cướp tại nhà anh Đào Trung Hội, ở số 22 (gác 2) phố Lê Chân.
Trước tình thế đó, Giám đốc CATP quyết định xác lập Chuyên án 191K, bổ sung cho Chuyên án 990K, vừa ngăn chặn khả năng gây án vừa quyết tìm ra hành tung của bọn cướp trong thời gian sớm nhất.
Cuối cùng, giờ G đã điểm. Đến tối ngày 10-1-1991, trinh sát nhận được nguồn tin thông báo Kỳ "híp" và người yêu cùng đàn em Trung "ký" đang trốn tại nhà của Trịnh Ngọc Tâm, ở số B127, khu A, phường Cát Bi. Nhận được tin cấp báo, Đại tá Bùi Văn Tẳng trực tiếp chỉ huy các mũi trinh sát ém quân ở khu vực đường Cát Bi (đoạn gần Trường THPT Lê Quý Đôn ngày nay).
20h, Kỳ "híp" chở người yêu và Trung "ký" rời nhà Trịnh Ngọc Tâm trên 2 chiếc xe đạp. Lập tức mũi trinh sát do các đồng chí: Trịnh Hựu, Nguyễn Huy Tuấn nhanh chóng áp sát, đạp đổ xe, quật ngã, khống chế bắt gọn Kỳ "híp", thu trong người hắn 1 súng ngắn K59, 14 viên đạn, trong đó 1 viên đã lên nòng.
Trinh sát Nguyễn Huy Tuấn (sau này là Trưởng CAP Cầu Đất) kể lại: Khi đưa Kỳ "híp" về trụ sở Công an phường Cát Bi, câu đầu tiên Kỳ "híp" nói là: "Cháu xin thua. Hôm nay các chú nhanh quá, nếu không chú cháu mình cùng chết!".
Nguyễn Hồng Kỳ bị bắt gọn, các tên đàn em sau đó cũng lần lượt sa lưới pháp luật. Trong các ngày từ 11 đến 16-7-1991, TAND TP Hải Phòng đã mở phiên tòa đưa Kỳ "híp" và đồng bọn ra xét xử. Tòa tuyên phạt Nguyễn Hồng Kỳ tử hình, Nguyễn Quốc Toàn, Trần Thanh Tùng tù chung thân. Các bị cáo còn lại bị phạt từ 1 năm tù treo đến 18 năm tù giam.
Nhà báo Đặng Huyền (Báo Công an nhân dân) nhớ lại, khi vào Trại tạm giam CATP lấy tài liệu về băng Kỳ "híp", chị đã nghe các cán bộ quản giáo kể lại rằng, những ngày nằm biệt giam chờ ra pháp trường, với bản chất hung hãn và "sở thích" mê súng đến kỳ lạ, Kỳ "híp" còn để dành phần cơm tù, nặn thành hình một khẩu súng, rồi suốt ngày cầm vung vẩy "pằng pằng" trong phòng giam (!?).
Cuối cùng, vào một ngày cuối tháng 8 năm 1992, bản án tử hình đối với Nguyễn Hồng Kỳ đã được thi hành, loại bỏ cái ác ra khỏi cuộc sống. Chuyên án 990K kết thúc thắng lợi là một trong những chiến công đặc biệt xuất sắc, góp phần vào thành tích chung của Công an quận Ngô Quyền sau đó đã được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND thời kỳ đổi mới.
Bình luận (0)