TAND tỉnh Đồng Nai ngày 20-11 sẽ mở lại phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ anh Nguyễn Trường Sơn bị truy tố về tội công nhiên chiếm đoạt tài sản.
Anh Sơn bị TAND huyện Định Quán xử sơ thẩm, tuyên phạt 2 năm tù vì hành vi bắt nhốt đàn dê của một phụ nữ vào kho bãi của công ty để nhằm đòi lại con dấu và giấy tờ cho công ty. Tội danh này theo các chuyên gia là chưa ổn về mặt cấu thành tội phạm.
Nhốt đàn dê để đòi lại con dấu cho công ty
Theo hồ sơ, anh Nguyễn Trường Sơn là người làm thuê cho một công ty ở Đồng Nai.
Ông Hồ Xuân Xanh (nhân viên công ty) là người đã chiếm giữ con dấu, giấy tờ công ty và tự ý cho chị Nguyễn Thị Phượng nuôi dê trên phần đất của công ty.
Cho rằng ông Xanh có quan hệ tình cảm với chị Phượng và đàn dê chị Phượng đang nuôi là của ông Xanh nên anh Sơn có ý định bắt nhốt dê để buộc ông Xanh trả lại giấy tờ cho công ty.
Trưa 27-4-2016, anh Sơn thuê xe tải và một người nữa đến lùa bắt đàn dê thì chị Phượng ngăn cản, đòi đập xe và hỏi: “Dê của tôi sao bắt đi?”. Anh Sơn nói: “Chị tránh ra cho tôi làm, có gì thì gọi cho ông Kính (giám đốc công ty)”. Chị muốn gì thì ra công ty giải quyết”.
Nghe anh Sơn nói vậy chị Phượng không ngăn cản nữa mà gọi điện thoại báo cho công an xã. Còn anh Sơn mang đàn dê về nhốt tại bãi kho công ty.
Chiều hôm sau, công an tiến hành thu giữ tại kho gồm 25 con dê, trị giá 54 triệu đồng. Sau đó anh Sơn bị bắt tạm giam 6 tháng. Cuối năm 2016, anh Sơn bị truy tố về tội công nhiên chiếm đoạt tài sản theo điểm b khoản 2 Điều 137 BLHS.
Kho của công ty, nơi anh Nguyễn Trường Sơn nhốt đàn dê. Ảnh: CTV
Tội công nhiên chiếm đoạt tài sản
Tại phiên tòa sơ thẩm (vào cuối tháng 7), anh Sơn cho rằng ngoài lý do bắt đàn dê để buộc ông Xanh phải trả lại giấy tờ cho công ty thì bị cáo còn có mục đích là làm cho bõ tức. Lý do, trước đó ông Xanh đã lấy bộ cột nhà bằng cây xoan của anh Sơn về làm chuồng dê cho chị Phượng.
Chị Phượng cũng thừa nhận giữa chị và ông Xanh có quan hệ tình cảm. Do anh rể của chị là bạn thân của giám đốc công ty nên khi nghe anh Sơn nói: “Chị muốn gì thì ra công ty giải quyết” thì chị đã không ngăn cản anh Sơn bắt dê.
TAND huyện Định Quán nhận định: “Do khi thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản, bị cáo Sơn không hề có hành vi dùng vũ lực, đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn uy hiếp tinh thần đối với chị Phượng. Ngược lại, sau khi nghe bị cáo Sơn nói “Chị muốn gì thì ra công ty giải quyết” chị Phượng đã không can ngăn việc chiếm giữ tài sản của bị cáo Sơn nên tòa không có căn cứ để quy kết bị cáo tội cướp tài sản hoặc tội cưỡng đoạt tài sản”. Từ đó, tòa sơ thẩm căn cứ vào điểm b khoản 2 Điều 137 BLHS phạt anh Sơn hai năm tù về tội công nhiên chiếm đoạt tài sản.
Sau đó anh Sơn kháng cáo. Ngày 2-10, TAND tỉnh Đồng Nai mở phiên tòa phúc thẩm nhưng đã phải hoãn đến ngày 20-11 mới tiếp tục mở lại do luật sư của bị cáo yêu cầu triệu tập nhân chứng và bị hại.
Kết tội không thuyết phục
Chia sẻ với PV, anh Nguyễn Trường Sơn nói: “Ban đầu tôi tưởng ông Xanh bỏ tiền ra mua đàn dê cho chị Phượng nuôi nên mới có ý định chở đàn dê về kho công ty nhốt với mong muốn ông này trả lại con dấu và giấy tờ cho công ty. Nếu ông Xanh vẫn không chịu trả con dấu, tôi cũng phải trả lại đàn dê cho chị Phượng vì tôi đang nuôi ba con nhỏ, vợ tôi không có việc làm ổn định, tôi làm gì có tiền để thuê người mua thức ăn cho đàn dê. Nếu biết đàn dê là của chị Phượng thì tôi đâu có bắt nhốt làm gì. Tôi không ngờ vì việc làm này mà bị công an bắt tạm giam nửa năm trời. Cũng chính trong thời gian tôi bị bắt tạm giam, ông Xanh đã trả lại con dấu cho công ty. Chị Phượng cũng đã đưa đàn dê đi nơi khác, không còn nuôi trên mảnh đất của công ty nữa”.
Trao đổi về nội dung vụ án, một thẩm phán Tòa Hình sự TAND TP.HCM (đề nghị không nêu tên) cho rằng muốn khởi tố anh Sơn tội công nhiên chiếm đoạt tài sản thì phải chứng minh được mục đích bắt đàn dê về là nhằm để chiếm đoạt và bị hại rơi vào tình trạng không có khả năng ngăn cản.
Nhưng ở vụ án này, bị cáo Sơn khai mục đích bắt nhốt đàn dê là để ông Xanh trả lại con dấu, giấy tờ cho công ty và cũng vì tức vụ ông này lấy bộ cột nhà bằng cây xoan của anh Sơn về làm chuồng dê. Ngoài ra, bị hại khi nghe bị cáo nói “Chị muốn gì thì ra công ty giải quyết” thì đã không ngăn cản anh Sơn bắt đàn dê. Với hành vi của anh Sơn, TAND huyện Định Quán phạt 2 năm tù về tội công nhiên chiếm đoạt tài sản là không ổn về mặt cấu thành tội phạm.
Cũng theo vị thẩm phán này, việc TAND huyện Định Quán chỉ căn cứ vào việc định giá đàn dê trị giá 54 triệu đồng và làm phương án loại trừ rằng anh Sơn không phạm tội cướp tài sản hoặc tội cưỡng đoạt tài sản để kết tội công nhiên chiếm đoạt tài sản là không thuyết phục.
Cần hủy án để điều tra lại
Trong vụ việc này có nhiều điểm chưa được làm rõ để khẳng định ý thức, hành vi chiếm đoạt đàn dê của bị cáo Sơn.
Tội công nhiên chiếm đoạt tài sản là việc lợi dụng chủ tài sản không có điều kiện ngăn cản để công nhiên chiếm đoạt tài sản của họ. Ở đây, khi chị Phượng nghe bị cáo nói rõ là đến công ty để giải quyết thì đã không ngăn cản nữa… Vì vậy hành vi của anh Sơn chưa thỏa mãn các dấu hiệu chiếm đoạt, lợi dụng chủ tài sản không có điều kiện ngăn cản việc chiếm đoạt tài sản.
Do bản án sơ thẩm chưa làm rõ được nguyên nhân, động cơ, mục đích của hành vi phạm tội nên tôi cho rằng cấp phúc thẩm cần phải hủy toàn bộ bản án sơ thẩm để điều tra lại.
Luật sư NGUYỄN VĂN HỒNG(Đoàn Luật sư TP.HCM)
Bình luận (0)