Dẫu biết nỗi đau ma túy mang lại là không thể đong đếm, vậy nhưng một số người vẫn bất chấp, dấn thân. Phiên tòa xét xử bị cáo Võ Ngọc Thạch (1979, trú P. Tam Thuận, Q. Thanh Khê, TP Đà Nẵng) sáng 22-3, một lần nữa để lại dư vị mặn chát. Điều day dứt ở đây, dưới sự “chế ngự” của ma túy, mạng sống của con người chẳng khác nào... cỏ rác.
Bị cáo và bị hại Nguyễn Hữu Sang (1981, trú P. Xuân Hà, Q. Thanh Khê) vốn là bạn thân thiết của nhau. Ngày 15-6-2017, Thạch, Sang và Nguyễn Văn Quân (1969, P. Chính Gián, Thanh Khê) cùng nhậu. Sau chầu nhậu, Thạch liên hệ và mua 100 ngàn đồng ma túy dạng “cỏ” để cả ba cùng sử dụng.
Theo bị cáo Thạch khai nhận, sau khi nhậu và sử dụng ma túy xong bị cáo nhớ đến lời bị hại khen vợ mình “nhìn ngon”, nghi ngờ bị hại có tình ý với vợ của mình nên đã nảy sinh ý định giết. Lúc này bị cáo giả vờ mệt để nhờ bị hại chở về nhằm thuận tiện cho việc ra tay thực hiện ý đồ. Khi bị hại chở về, Thạch đã dùng dao giấu sẵn trong người đâm nhiều nhát vào vùng vai, mặt, cổ, ngực, bụng... Trong cơn khát máu, Thạch tiếp tục dùng đá, gậy sắt đánh vào đầu người bị hại gây chấn thương sọ não dẫn đến tử vong.
Biện hộ cho hành vi mất hết tính người của mình, Thạch cho rằng đó không phải do ý chí của bản thân mà do tác động từ việc sử dụng ma túy nên tâm thần không ổn định. Bản thân bị cáo đã sử dụng ma túy trong một thời gian dài nên thường hay có triệu chứng đau đầu, mất ngủ dẫn đến hành vi không tự chủ.
Chính vì vậy, khi phát hiện bị hại ngã gục xuống đất, bị cáo còn lớn giọng: “Anh chị em ơi, xem nó chết chưa để tôi đánh nó chết luôn!”. Trước tòa, Thạch khẳng định giữa mình và bị hại trước đó không hề có bất cứ mâu thuẫn nào. Chỉ vì một lời nói của bị hại về vợ mình, bị cáo nổi lòng ghen và ra tay hết sức tàn độc, giờ bị cáo thấy vô cùng ân hận vì điều đó.
Đại diện người bị hại không đồng ý với nội dung vụ án có dính đến chất kích thích. Theo đó, người nhà bị hại cho rằng hành vi của Thạch mang tính côn đồ, dã man, tước đi mạng sống một con người.
Trước ý kiến của đại diện người bị hại, VKS khẳng định, cáo trạng của VKSND dựa trên kết quả giám định pháp y. Tại Kết quả giám định pháp y số 721/KLGĐTC kết luận trước, trong thời điểm gây án và thời điểm hiện tại bị cáo bị rối loạn tâm thần và hành vi hỗn hợp do sử dụng chất ma túy; hạn chế khả năng nhận thức và hạn chế khả năng điều khiển hành vi.
Phiên tòa rất đông người dự khán. Họ đều là bạn, là người thân của cả bị cáo lẫn bị hại. Màu trắng khăn tang và bức di ảnh của bị hại đặt ngay bàn đầu càng khiến cho không khí trong phòng xử thêm phần nặng nề.
Đầu vấn khăn tang, cha bị hại nghẹn ngào trả lời ngắt quãng những câu hỏi từ HĐXX. Với ông, sự ra đi đột ngột của con trai là một tổn thất lớn không gì bù lấp được. Vợ chồng ông mất đi một người con, cháu ông mất đi người cha và con dâu ông mất đi chỗ dựa từ người chồng, quả thực là nỗi đau quá lớn. Nhìn hai đứa con bị hại đang còn nhỏ ngồi thẫn thờ bên di ảnh của cha, ai cũng khó kìm lòng.
Sự có mặt của những đứa trẻ là con của bị cáo, con bị hại ngày hôm ấy mà nói nó như những dấu chấm buồn trong một bức tranh khuyết mất một phần màu sáng. Những lời bị cáo khai trước tòa chẳng khác nào thước phim quay chậm, tả một cách cận cảnh về nỗi đau, sự mất mát hiện hữu ngày hôm nay. Nỗi đau của những đứa trẻ, của vợ bị cáo, vợ bị hại và những người thân có khác nhau nhưng chung quy với họ đây là điều không dễ để vượt qua.
Đối với cả hai gia đình, hoàn cảnh quá nghèo khó càng khiến họ “khó khăn” hơn khi nhìn mặt nhau. Cha bị hại nói: “Giờ con tôi cũng đã mất, bị cáo cũng sẽ bị pháp luật trừng trị, tất cả những điều này đều không ai muốn. Điều chúng tôi cần là sự gần gũi, động viên nhau để vơi bớt nỗi đau nhưng dường như gia đình bị cáo đã không làm được điều đó... Tôi đã già, con trai tôi là lao động chính, giờ một mình vợ nó nuôi 2 con nhỏ thật sự khó khăn nên tôi đề nghị bị cáo phải có trách nhiệm”.
Trước lời chia sẻ của cha bị hại, bị cáo chỉ biết cúi đầu. Và, người viết tin rằng những người dự khán trong phiên tòa hôm ấy cũng “thấm” được lời ông nói. Cuộc sống không phải lúc nào cũng đổ tội cho cái nghèo, có thể nghèo vật chất nhưng sự chia sẻ kịp thời để làm vơi bớt nỗi đau của nhau đúng lúc cũng chính là điều trân quý. Được nói lời sau cùng, bị cáo Thạch xin gia đình bị hại cho mình một cơ hội sửa sai và hứa sẽ dùng phần đời còn lại của mình để bù đắp cho gia đình bị hại.
Giọt nước mắt bị cáo lăn dài khi nghe HĐXX TAND TP Đà Nẵng tuyên mình mức án 20 năm tù về tội “Giết người”. 20 năm là cái giá Thạch phải trả cho tội lỗi mình đã gây ra và đây cũng là bài học, là hồi chuông cảnh tỉnh cho những ai đang “bán” mình cho ma túy.
Bình luận (0)