Là người học hành giỏi giang, đạt nhiều giải thưởng cao trong lĩnh vực nghiên cứu khoáng sản, Nguyễn Thị Hồng, SN 1971, trú ở Cống Vị, Ba Đình, Hà Nội đã nghỉ làm ở cơ quan nhà nước, lập công ty kinh doanh riêng.
Với kiến thức sâu rộng về lĩnh vực khoáng sản, Công ty của Hồng làm ăn khá phát đạt, mang lại cho cô ta khoản lợi nhuận lớn. Thế nhưng, vì mờ mắt vì tiền, Hồng đã phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, bị bắt, bị kết án. Vào tù, có thời gian suy ngẫm về cuộc đời, Hồng đã có thời gian tỉnh lại, sống tích cực hơn để mong làm lại cuộc đời.
Nữ Tổng giám đốc với phi vụ lừa tiền tỷ
Mấy năm trước, vụ án Tổng giám đốc Nguyễn Thị Hồng từng gây sự chú ý của dư luận với phi vụ lừa đảo trong việc kinh doanh, xuất khẩu khoáng sản. Thời điểm đó (năm 2012), Hồng nguyên là Tổng giám đốc Công ty cổ phần Khoáng sản luyện kim Hà Nội (Công ty Luyện kim Hà Nội). Công ty của Hồng làm ăn khá phát đạt, liên doanh, liên kết với nhiều công ty khác ở nước ngoài.
Tháng 6-2012, Hồng quen biết với ông Hồ Trần Lập (Hà Nội). Quá trình quen biết nhau, Hồng biết ông Lập có nhiều tài sản nên nảy sinh ý định chiếm đoạt. Thực hiện ý định trên, Hồng nói với ông Lập góp vốn hợp tác để thực hiện hợp đồng xuất khẩu kim loại sang bên Liên bang Nga.
Công ty Luyện kim Hà Nội sẽ mua đồng kim loại của Công ty TNHH Đầu tư khai khoáng và Thương mại Thủ Đô (Công ty Thủ đô) do Phan Minh Đức làm giám đốc. Sau khi kinh doanh, sẽ chia lợi nhuận cho ông Lập. Tin tưởng Hồng, ông Lập đã giao cho con trai là Hồ Trần Hưng, Giám đốc Công ty CP Đầu tư Hồ Trần Việt Nam ký hợp đồng với Công ty Khoáng sản về việc hợp tác kinh doanh xuất nhập khẩu đồng kim loại.
Để tạo niềm tin cho ông Lập góp vốn, Hồng đã thực hiện các thủ đoạn gian dối, làm các hợp đồng giả mạo. Hồng đã cho ông Lập xem bản nháp Hợp đồng mua bán sản phẩm đồng giữa Công ty Khoáng sản với Công ty Vulcan - Sigma LLC Company (trụ sở ở Cộng hòa Liên bang Nga do ông Alexander Lazarenko làm đại diện) số lượng 2.300 tấn với tổng giá trị 20,7 triệu USD. Bên cạnh đó, Hồng còn cho ông Lập xem bản nháp tín dụng thư của Ngân hàng SBERBANK OJSC bảo lãnh tổng số tiền trên.
Tin tưởng, ông Lập đã thế chấp sổ đỏ ngôi nhà của mình cho Hồng. Hồng đã thế chấp căn hộ này và một căn hộ khác để vay Ngân hàng 8 tỷ đồng. Số tiền trên được giải ngân vào tài khoản của Công ty Thủ đô của Phan Minh Đức.Do biết Công ty khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) đang có khoảng 3.500 tấn đồng tấm và đồng dây ở kho Yên Viên (Hà Nội) và kho ở Lào Cai nên mặc dù không phải hàng của mình nhưng Hồng đưa ông Lập đến để cho ông Lập tin tưởng có hàng thật.
Nhận được tiền, Phan Minh Đức đã chuyển 5 tỷ đồng vào tài khoản của cháu ruột của Hồng, rồi chuyển thêm cho Hồng 1,3 tỷ đồng. Nhằm hợp thức hóa số tiền hơn 6,3 tỷ đồng nhận của Đức, Hồng đã lập phiếu chi khống và nhiều lần đòi Đức hơn 1,6 tỷ đồng nhưng Đức khất lần. Đến năm 2014, Đức trả Hồng được thêm 300 triệu đồng. Cơ quan điều tra xác định trong vụ án này, Nguyễn Thị Hồng giữ vai trò chủ mưu và với sự giúp sức của Phan Minh Đức.
Kết quả điều tra, cơ quan chức năng đã xác định ông Alexander Lazazenko không phải là đại diện của ngân hàng tại Liên bang Nga. Ông này khẳng định bản nháp Tín dụng thư của ngân hàng và một số giấy tờ khác do Hồng cung cấp là giả mạo. Chính vì vậy, Nguyễn Thị Hồng đã phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Phan Minh Đức có vai trò tham gia, giúp sức.
Trong phiên tòa sơ thẩm, Nguyễn Thị Hồng bị tuyên án 20 năm tù giam. Phiên phúc thẩm của TAND Cấp cao tại Hà Nội đã xử phúc thẩm, tuyên giảm án kỷ lục cho Hồng xuống còn 7 năm tù giam vì đã khắc phục hậu quả, bị hại có đơn xin giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo.
Nguyễn Thị Hồng sắp xếp, kiểm tra lại tủ sách trong buồng giam của Trại giam Ngọc Lý.
Sách cứu rỗi cuộc đời
Sau phiên tòa phúc thẩm, Nguyễn Thị Hồng thi hành án ở Trại giam Ngọc Lý. Ngày đầu vào trại, Hồng khóc đến mờ mắt, nhưng rồi chính nhờ những cuốn sách trong thư viện của Trại, chị ta đã tìm thấy chân lý của cuộc đời mình.
Vốn là người học hành cao, từng là kỹ sư chuyên ngành khai thác khoáng sản có tiếng ở Hà Nội nên rất hiểu biết về lĩnh vực này. "Tôi từng có những công trình nghiên cứu cấp Nhà nước về khai thác khoáng sản, được những người trong ngành biết đến", Nguyễn Thị Hồng nói.
Theo lời của phạm nhân này thì với vốn kiến thức khá sâu rộng về khai thác khoáng sản, biết nhiều cơ hội làm ăn nên Hồng đã bỏ việc ở cơ quan Nhà nước ra ngoài thành lập công ty riêng. "Tôi làm ăn khá phát đạt, kinh doanh đạt hiệu quả cao. Nhưng rồi việc làm ăn trục trặc nên dẫn đến bị phạm tội".
Nguyễn Thị Hồng cho biết mình có sở thích đọc sách từ khi còn là học sinh. Tuy nhiên, lúc lớn lên, đi làm ăn nên công việc cuốn vào, không có thời gian để đọc sách. Chính vì vậy, khi vào Trại, chị ta được tiếp xúc với sách, nhất là sách triết học nên chị đã dành nhiều thời gian để đọc. Chính nhờ những cuốn sách đã cho chị ta cuộc sống hoàn toàn mới, một cuộc sống tư duy sâu sắc, đậm chất nhân văn mà trước kia do quá bận rộn, gấp gáp nên chị không biết đến.
Hồng bảo rằng ai khi mới vào trại cũng đều có tâm lý sợ hãi. Nhưng nhờ có những cán bộ quản giáo có tâm đã giúp chị ta vượt qua những khó khăn và sợ hãi ban đầu. Có những đêm chị bị ốm, cán bộ quản giáo mang thuốc, mang cơm đến tận nơi. Chính nhờ tấm lòng ấm áp đó, chị ta đã có nghị lực để vươn lên, vượt qua hết mặc cảm để làm lại từ đầu.
"Thời gian đầu, đang ở đỉnh cao của sự nghiệp, có tiền, có quyền, có mọi thứ trong tay đến khi mất tất cả từ sự nghiệp đến gia đình, rồi nỗi lo về con cái không người chăm sóc đã khiến tôi gục ngã.
Tôi tưởng mình không gượng dậy được, nhưng các cán bộ quản giáo đã động viên, giúp đỡ tôi, phân tích để tôi thấy được giá trị của cuộc sống, để tôi hiểu thêm về trách nhiệm của mình. Vì thế, tôi đã cố gắng hết sức. Hàng ngày, ngoài giờ lao động thì tôi đọc sách, nghiền ngẫm những giá trị, triết lý để tự sửa, tự răn mình".
Người đàn bà nhan sắc, từng dọc ngang một thời, từng là chủ đầu tư nhiều dự án khoáng sản trong và ngoài nước giờ có thời gian thấu hiểu giá trị cuộc sống. Hồng tâm sự, chị ta bị bắt khi hai con gái còn nhỏ cần có người chăm sóc. Các công ty của chị ta đều hoạt động dở dang. Khi đi thi hành án, cô con gái út bị sốc và trầm cảm, chị ta phải nhờ gửi con về quê cho bố mẹ chăm sóc.
Giờ đây, khi đã đi được một nửa chặng đường khắc phục những hậu quả mà mình gây ra, điều khiến Hồng thấy ân hận nhất chính là đã gây ra nỗi buồn cho những đứa con của mình.
"Ngày 27 Tết năm 2017, khi lần đầu tiên được gặp các con sau khi đi thi hành án, ba mẹ con tôi cứ ôm nhau khóc mà không nói được lời nào. Tôi bảo với chúng rằng, hãy nghĩ là mẹ đang đi học xa. Mong các con hãy tự chăm sóc bản thân, nỗ lực cố gắng và chờ ngày mẹ con ta đoàn tụ".
Nghĩ về tương lai khi ra trại, Hồng cho biết sau này khi hết án được về nhà, chị ta sẽ tiếp tục với công việc nghiên cứu và kinh doanh mảng khoáng sản bởi đây là lĩnh vực chị hiểu biết nhất, có kinh nghiệm nhất.
Bình luận (0)