Năm 2011, Công ty X. (trụ sở tại đường Cô Giang, phường 2, quận Phú Nhuận, TP.HCM) vay của ông TKL 200 triệu đồng (có thỏa thuận lãi suất). Do không trả nợ đúng hạn, đại diện Công ty X. đã viết giấy xác nhận và cam kết trả nợ có nội dung đến ngày 1-11-2013, Công ty X. sẽ thanh toán cả tiền gốc và lãi hơn 300 triệu đồng cho ông L. Đồng thời, đại diện Công ty X giao hai giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ông L. để đảm bảo việc trả nợ. Tuy nhiên, sau đó Công ty X. vẫn không thực hiện.
Vì vậy, tháng 12-2013, ông L. làm đơn khởi kiện Công ty X. tại Tòa quận Phú Nhuận. Tòa quận Phú Nhuận thụ lý vụ án vào ngày 14-1-2014 và xác định đây là quan hệ tranh chấp hợp đồng vay tài sản.
Tuy nhiên, trong thời gian tòa thụ lý vụ án, Công ty X. đã liên tục thay đổi địa chỉ trụ sở công ty khiến các tòa một phen “lên ruột”.
Cuộc “rượt đuổi” bị đơn lòng vòng
Sau khi thụ lý vụ án, ngày 7-5-2014, Công ty X. chuyển trụ sở đến đường Điện Biên Phủ, phường 1, quận 3 và nguyên đơn có đơn yêu cầu chuyển vụ án nên TAND quận Phú Nhuận căn cứ điểm a khoản 1 Điều 33, điểm a khoản 1 Điều 35, khoản 1 Điều 37 BLTTDS năm 2004 sửa đổi, bổ sung năm 2011 chuyển hồ sơ đến TAND quận 3.
TAND quận 3 thụ lý hồ sơ. Tuy nhiên, đến ngày 29-7-2014 TAND quận 3 cho rằng tại thời điểm TAND quận Phú Nhuận thụ lý thì Công ty X. vẫn đặt trụ sở tại phường 2, quận Phú Nhuận nên vụ án vẫn thuộc thẩm quyền của TAND quận Phú Nhuận. Vì vậy, cũng căn cứ như trên, TAND quận 3 đã… chuyển toàn bộ hồ sơ về lại cho TAND quận Phú Nhuận.
Sau khi thụ lý lại hồ sơ vụ án, ngày 16-9-2015, TAND quận Phú Nhuận lại chuyển hồ sơ cho… TAND quận 4 vì cho rằng theo Công văn do Sở KH&ĐT TP.HCM cung cấp (ngày 18-8-2015) thì Công ty X. đã chuyển trụ sở đến đường Nguyễn Tất Thành, phường 13, quận 4.
Ngày 21-3-2016, TAND quận 4 thụ lý hồ sơ. Đến ngày 16-2-2017, TAND quận 4 nhận định tương tự TAND quận 3 rằng tại thời điểm TAND quận Phú Nhuận thụ lý thì Công ty X. vẫn đặt trụ sở tại đường Cô Giang, phường 2, quận Phú Nhuận nên vụ án vẫn thuộc thẩm quyền của TAND quận Phú Nhuận. Từ đó, TAND quận 4 căn cứ vào các điều 26, 35, 41 BLTTDS 2015 chuyển hồ sơ về cho TAND quận Phú Nhuận giải quyết.
Tiếp tục thụ lý lại vụ án nhưng đến ngày 24-10-2017, TAND quận Phú Nhuận lại tiếp tục chuyển hồ sơ cho TAND quận 4 vì cho rằng theo công văn của Sở KH&ĐT TP.HCM cung cấp ngày 28-9-2016 thì Công ty X. hiện đặt trụ sở tại… đường Nguyễn Tất Thành, phường 13, quận 4.
Mới đây, theo như phiếu cung cấp thông tin doanh nghiệp của Sở KH&ĐT TP.HCM cung cấp cho ông L. vào ngày 1-11-2017 thì Công ty X. vẫn đặt trụ sở tại đường Nguyễn Tất Thành, phường 13, quận 4 và đang… tạm ngưng hoạt động.
Tòa nào giải quyết?
Trao đổi với PV, ông L. bức xúc: “Tôi khởi kiện Công ty X. đã gần 4 năm, tòa án cứ chuyển hồ sơ qua lại như vậy làm tôi đi lại rất nhiều lần, tốn nhiều thời gian, công sức. Việc các tòa liên tục chuyển hồ sơ khiến vụ án của tôi cứ dậm chân tại chỗ, tôi thật sự rất mệt mỏi.
Tôi không hiểu pháp luật quy định như thế nào, chỉ hy vọng tòa giải quyết theo đúng thẩm quyền, vụ án sớm được giải quyết, đừng để người dân phải đi lại nhiều lần, xin đừng hành dân”.
Theo luật sư (LS) Bùi Quốc Tuấn (Đoàn LS TP.HCM), thẩm quyền giải quyết vụ án dân sự của tòa án theo lãnh thổ được xác định theo nơi bị đơn cư trú, làm việc nếu bị đơn là cá nhân hoặc nơi bị đơn có trụ sở nếu bị đơn là cơ quan, tổ chức (Điều 39 BLTTDS 2015). Nếu không biết nơi cư trú, làm việc, trụ sở của bị đơn thì nguyên đơn có thể yêu cầu tòa nơi bị đơn cư trú, làm việc, có trụ sở cuối cùng hoặc nơi bị đơn có tài sản giải quyết (điểm a khoản 1 Điều 40 BLTTDS 2015).
Vì vậy, theo LS Tuấn, trong trường hợp này, ông L. khởi kiện Công ty X. tại TAND quận Phú Nhuận là đúng vì tại thời điểm khởi kiện Công ty X. đang đặt trụ sở tại quận Phú Nhuận.
Tuy nhiên, sau đó Công ty X. lại chuyển trụ sở đến quận 3 rồi quận 4 khiến TAND quận Phú Nhuận liên tục chuyển hồ sơ vụ án đến nơi công ty này đặt trụ sở. Việc chuyển hồ sơ như vậy là đúng vì theo LS Tuấn, nơi bị đơn đang đặt trụ sở mới có thẩm quyền giải quyết vụ án. Thế nhưng TAND quận 3, quận 4 lại chuyển hồ sơ vụ án lại cho TAND quận Phú Nhuận dựa vào việc tại thời điểm TAND quận Phú Nhuận thụ lý (ngày 14-1-2014) Công ty X. vẫn đặt trụ sở tại đường Cô Giang, phường 2, quận Phú Nhuận là trái luật.
Theo như thông tin của Sở KH&ĐT TP.HCM cung cấp cho ông L. ngày 1-11-2017 thì Công ty X. vẫn đang đặt trụ sở tại đường Nguyễn Tất Thành, phường 13, quận 4 nên LS Tuấn cho rằng trong trường hợp này, TAND quận 4 phải thụ lý, giải quyết theo đúng thẩm quyền.
Trong quá trình giải quyết vụ án, nếu bị đơn thay đổi trụ sở thì tòa đang thụ lý phải chuyển hồ sơ vụ án đến tòa nơi bị đơn đang đặt trụ sở (khoản 1 Điều 41 BLTTDS 2015). Quy định này dẫn đến hạn chế là bị đơn chạy lòng vòng từ chỗ này đến chỗ khác khiến các tòa liên tục chuyển hồ sơ, kéo theo việc nguyên đơn cũng lòng vòng chạy từ tòa này đến tòa khác, gây rất nhiều khó khăn cho nguyên đơn. Có những bị đơn nhằm trốn tránh trách nhiệm đã lợi dụng quy định nêu trên chuyển đến nơi thật xa khiến nguyên đơn mệt mỏi, ngán theo đuổi vụ kiện mà phải từ bỏ.
Khoản 2 Điều 41 BLTTDS 2015 có quy định: "Tranh chấp về thẩm quyền giữa các TAND cấp huyện trong cùng một tỉnh, TP trực thuộc trung ương do chánh án TAND cấp tỉnh giải quyết". Vì vậy, trong vụ án nêu trên, nếu các tòa vẫn tranh chấp về thẩm quyền giải quyết, để đảm bảo quyền lợi cho mình, ông L. có thể làm đơn khiếu nại lên chánh án TAND TP.HCM.
TS NGUYỄN VĂN TIẾN, Phó khoa Luật dân sự,
Trường ĐH Luật TP.HCM
Bình luận (0)