Trải qua 75 ngày với 31 phiên họp, Hiệp định Geneva ký kết ngày 21-7-1954 trước sự chứng kiến của đại diện các cường quốc thế giới, trở thành văn kiện quốc tế đầu tiên tuyên bố tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam.
Nguyện vọng hòa bình tha thiết
Với phương châm tiến hành cuộc chiến tranh toàn dân, toàn diện chống thực dân Pháp xâm lược, từ cuối năm 1953, Trung ương Đảng Lao động Việt Nam quyết định mở mặt trận ngoại giao, phối hợp với cuộc tiến công chiến lược Đông Xuân 1953 - 1954 để đi tới chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam và toàn Đông Dương.
Vào thời gian đó, "Chiến tranh lạnh" đang diễn ra rất quyết liệt. Từ giữa năm 1953, khi Hiệp định đình chiến tại bán đảo Triều Tiên được ký kết, xu thế hòa hoãn trên thế giới phát triển mạnh mẽ, các nước lớn muốn giải quyết các xung đột và chiến tranh bằng thương lượng.
Theo PGS-TS Trần Đức Cường, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, ở Liên Xô, sau khi ông Stalin qua đời, ban lãnh đạo mới đã điều chỉnh chiến lược đối ngoại, coi trọng hòa hoãn quốc tế nhằm tập trung xây dựng đất nước. Còn Trung Quốc vừa trải qua cuộc "kháng Mỹ, viện Triều" với nhiều tổn thất về người và của cũng có nhu cầu kiến thiết đất nước, cải thiện đời sống nhân dân. Chính vì vậy, dù cùng một "phe" trong "Chiến tranh lạnh", Liên Xô và Trung Quốc đã ủng hộ và giúp đỡ cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam trong khi vẫn có những tính toán về chiến lược và lợi ích.
Ngày 4-8-1953, Liên Xô gửi công hàm cho các nước lớn gợi ý triệu tập một hội nghị gồm 5 nước: Liên Xô, Trung Quốc, Anh, Pháp, Mỹ để nghiên cứu các biện pháp giảm căng thẳng ở Đông Dương. Trong khi đó, bước vào năm 1953, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và can thiệp Mỹ của nhân dân 3 nước Đông Dương - Việt Nam, Lào, Campuchia - đã giành được những thắng lợi to lớn. Còn ở Pháp, phong trào đấu tranh đòi chấm dứt cuộc "chiến tranh bẩn thỉu", tránh quá lệ thuộc vào viện trợ Mỹ… lên cao.
Cuối tháng 10-1953, Quốc hội Pháp thảo luận về chiến tranh Đông Dương. Nhiều nghị sĩ Pháp đòi chính phủ đàm phán ngay với Chính phủ của ông Hồ Chí Minh. Thủ tướng Pháp Joseph Laniel phải tuyên bố: "Nếu một giải pháp danh dự xuất hiện trong khung cảnh địa phương hoặc quốc tế, Pháp sẽ vui lòng chấp nhận một giải pháp ngoại giao".
Kịp thời nắm bắt những chuyển động trên thế giới và để tác động vào dư luận Pháp, trong bài trả lời phỏng vấn Báo Expressen của Thụy Điển, ngày 26-11-1953, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ lập trường và chủ trương của Việt Nam: "Nếu Chính phủ Pháp đã rút được bài học trong cuộc chiến mấy năm nay, muốn đi đến đình chiến ở Việt Nam bằng cách thương lượng và giải quyết vấn đề Việt Nam theo lối hòa bình thì nhân dân và Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sẵn sàng tiếp ý muốn đó".
Ngay sau bài trả lời phỏng vấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Ban Bí thư Trung ương Đảng Lao động Việt Nam ra thông tư nêu rõ: Tuyên bố của Chủ tịch Hồ Chí Minh xuất phát từ nguyện vọng hòa bình tha thiết của nhân dân ta, của nhân dân Pháp và nhân dân thế giới.
Bước lên "vũ đài" đàm phán
Tuy nhiên, dù phải chấp nhận giải pháp ngoại giao, Chính phủ Pháp tiếp tục "tìm kiếm một lối thoát danh dự" với việc cử viên tướng bốn sao H. Navarre sang làm tổng chỉ huy quân viễn chinh Pháp ở Đông Dương từ tháng 5-1953.
Theo đại tá, PGS-TS Trần Ngọc Long, nguyên Phó Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, kế hoạch quân sự Navarre được Hội đồng Quốc phòng Pháp phê duyệt ngày 24-7-1953 được coi là nỗ lực cao nhất cuối cùng của Pháp và Mỹ trong cuộc chiến tranh Đông Dương. Thực hiện kế hoạch này, ngày 20-11-1953, Pháp cho quân nhảy dù xuống Điện Biên Phủ để giữ Tây Bắc và địa bàn chiến lược Thượng Lào. Pháp đã biến Điện Biên Phủ thành một "tập đoàn cứ điểm" mạnh, tập trung khoảng 16.000 quân, chiếm 7/10 tổng số binh lính đồn trú ở Đông Dương.
Ngày 26-4-1954, Hội nghị Geneva bắt đầu họp, tập trung bàn giải pháp chính trị cho vấn đề Triều Tiên. Cùng thời gian này, ở lòng chảo Điện Biên Phủ, quân viễn chinh Pháp đang ở tình thế khốn đốn trước sức tiến công mạnh mẽ của các đơn vị Quân đội nhân dân Việt Nam.
Dù vậy, do chiến sự ở Điện Biên Phủ chưa ngã ngũ, Pháp vẫn nuôi hy vọng giành thắng lợi về quân sự, tạo ưu thế trên bàn đàm phán để kết thúc chiến tranh tại Việt Nam trong danh dự nên các nước phương Tây còn chưa chấp nhận sự tham gia hội nghị của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Ngày 1-5-1954, các đơn vị tinh nhuệ của Quân đội nhân dân Việt Nam mở những đợt tấn công cuối cùng vào cứ điểm Điện Biên Phủ. Trước thất bại không thể cứu vãn, ngày 2-5-1954, các nước Mỹ, Pháp vội vàng thông báo qua Liên Xô, chấp thuận sự có mặt chính thức của Đoàn Đại biểu Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại hội nghị.
Chiều 7-5-1954, Bộ Chỉ huy quân đội viễn chinh Pháp ở tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ đầu hàng. Quân và dân Việt Nam đã làm nên một chiến thắng Điện Biên Phủ "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu".
Chỉ một ngày sau, ngày 8-5-1954, Hội nghị Geneva bàn về chấm dứt chiến tranh và lập lại hòa bình ở Đông Dương khai mạc. Tham gia hội nghị có các đoàn đại biểu của 9 bên: Liên Xô, Trung Quốc, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Mỹ, Anh, Pháp, Quốc gia Việt Nam, Vương quốc Lào, Vương quốc Campuchia. Đoàn Đại biểu Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do Phó Thủ tướng Phạm Văn Đồng làm trưởng đoàn tham dự hội nghị với tư thế của một dân tộc vừa chiến thắng.
Như vậy, phải sau "sự kiện Điện Biên Phủ" thì cơ hội cho một diễn đàn quốc tế về vấn đề chấm dứt chiến tranh ở Đông Dương mới thật sự đến. Đây cũng là lần đầu tiên ngoại giao Việt Nam bước lên vũ đài đàm phán đa phương để bàn về các vấn đề liên quan tới quyền cơ bản của chính dân tộc mình.
Thượng tướng, PGS-TS Hoàng Xuân Chiến, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, khẳng định thắng lợi của cuộc tiến công chiến lược Đông Xuân 1953-1954, mà đỉnh cao là chiến thắng Điện Biên Phủ, đã làm thay đổi cục diện chiến tranh, đồng thời tạo thế để ta đấu tranh cho một giải pháp toàn diện về mặt chính trị và quân sự cho vấn đề Việt Nam trên bàn đàm phán Hội nghị Geneva.
Kỳ tới: Ván cờ nước lớn và hành động của Việt Nam
Bình luận (0)