Năm lớp Nhất (lớp 5) những bài Luận văn của tôi thường được điểm cao nhất, thường được lời phê của cô giáo là có ý tưởng hay. Vậy mà trong kỳ thi lên lớp Đệ thất (lớp 6) vừa đọc đề bài: “Viết về một chương trình của Đài truyền hình mà em yêu thích nhất” tôi đã cảm thấy mình như từ ngọn cây mận trước nhà rớt xuống sân xi măng một cái đau điếng.
Nhà tôi ở trong xóm lao động nghèo, 16 căn nhà đối diện không có được một cái vô tuyến trắng đen. Thỉnh thoảng vào buổi tối cuối tuần rảnh rang việc nhà, việc học tôi mới được mẹ cho phép sang nhà bạn ở xóm kế bên coi ké cải lương nhưng ít khi nào xem được trọn tuồng. Làm sao tôi biết được trên ti vi có những chương trình như thế nào để chọn lựa so sánh. Bài luận văn chỉ có vài câu viết ngắn gọn khiến tôi không thể nào đủ điểm đậu vào trường công lập.
Trong khi chờ đợi kỳ thi năm sau, tôi xin vào học lớp Đệ Thất tại trường tư thục nhỏ gần nhà. Lớp Nhất toàn đứng hạng nhất và hạng nhì lại bị thi rớt, tinh thần sa sút nên mấy tháng đầu thứ hạng của tôi luôn lớn hơn số 10. Thầy Giám Học là chủ của trường và cũng dạy hai môn ở lớp tôi. Giữa năm học thầy đưa ra giải thưởng, mỗi tháng từ hạng nhất đến hạng ba ngoài Bảng Danh Dự như thường lệ sẽ được thêm một quyển truyện cổ tích bằng chữ.
Đó là những quyển truyện mỏng, nhỏ hơn quyển tập có bán trong tiệm sách gần trường. Trước kia tôi hay để dành tiền bánh mua những quyển truyện tranh. Truyện chữ tuy hơi mới lạ với tôi nhưng cũng không quá khả năng để tôi mua nó. Dù vậy, nó cũng là động lực giúp tôi lấy lại tinh thần học tập. Tôi cố gắng học những môn còn yếu để được lãnh quyển truyện. Số hạng thu nhỏ dần, đến tháng cuối năm mới đạt được hạng ba, tôi mừng lắm, tin chắc tháng này mình cầm được quyển truyện trong tay.
Thầy thường phát truyện riêng cho từng người chớ không phát trước lớp. Sau kết quả xếp hạng hai ngày, tình cờ tôi gặp thầy đang cầm quyển truyện tại văn phòng vào giờ ra chơi. Tôi đứng lại nhìn chăm chú vào quyển truyện trên tay thầy. Như hiểu ý tôi thầy hỏi: “Hạng ba hả?”. Tôi vừa gật đầu vừa “dạ”. Bỗng câu nói lạnh lùng của thầy làm tôi cảm thấy hụt hẫng như khi đọc đề thi chuyển cấp năm rồi “Tháng này hạng nhì mới được truyện, hạng ba không được”. Đứng im lặng một chút rồi tôi lặng lẽ quay đi. Chắc thầy không ngờ nỗi buồn trong tôi lớn đến thế. Tôi không hiểu tại sao thầy lại ác cảm với tôi như vậy, trong khi tôi đâu phải là đứa học trò ngỗ nghịch. Tôi về hỏi má có thiếu tiền học phí tháng nào không. Má trả lời là lo đầy đủ và thắc mắc tại sao tôi hỏi như thế. Tôi lại im lặng không muốn chia sẻ nỗi buồn này cùng ai.
Tuy thầy không dạy nhưng hành động của thầy đã cho tôi bài học ảnh hưởng đến suốt cuộc đời “Cái gì cầm được trong tay mới là của mình”. Thầy đã góp phần tạo tôi thành người an phận khi bước vào đời. Có vài cô bạn đồng nghiệp cứ nghe tin đồn thưởng cao, lương tăng nên hốt hụi, mượn tiền xài trước cho đổ nợ. Còn tôi cứ nhớ bài học của thầy, cầm được tiền trong tay mới dám tiêu dùng. Trong tình yêu thấy có khó khăn là tôi rút lui trước, không muốn tranh giành, chiếm đoạt với ai.
Tôi không thương thầy cũng không ghét thầy. Nhưng tôi cảm ơn thầy vì nhờ thầy mà đến ngày về hưu tôi không vướng nợ tiền. Tôi thấy lòng thanh thản khi nghĩ mình đã sống bằng sức lao động của chính mình chớ không lấn lướt, giẫm đạp lên ai, dù cuộc sống có nhiều điều không được như lòng mong ước.
Bình luận (0)