Còn nhớ những ngày tháng đầu tiên của năm học lớp mười, tôi học với một tâm trạng chán nản. Thậm chí, tôi muốn bỏ học vì hồi ấy tôi cảm thấy mình không hòa nhập với bạn bè, trường lớp mới. Hơn thế nữa, điều kiện đi lại để học quá khó khăn, bạn bè cùng trang lứa trong làng hầu như bỏ học gần hết, điều đó đã làm tôi nản chí. Biết được ý nghĩ của tôi, cô Nguyễn Thị Đông đã thường xuyên gần gũi và tâm sự và khuyên răn tôi hết lời.
Thỉnh thoảng, trưa thứ ba và thứ sáu, biết tôi ở lại để học thể dục là cô là gọi tôi cùng cô bạn thân của tôi vào nhà cô cơm nước, nghỉ trưa. Những buổi trưa ở nhà cô, tôi học được rất nhiều điều. Cô kể về thời sinh viên của mình rất cực nhưng rất vui. Cô bảo thời ấy cô rất thích đọc sách, báo nhưng không đủ tiền để mua. Cô thường xin báo cũ của ông chủ nhà trọ để đọc. Lâu dần, ông chủ nhà trọ thấy cô ham đọc sách báo, thỉnh thoảng lại mang cho cô vài cuốn. Nhờ đống sách báo ấy đã làm cho vốn từ của cô ngày một phong phú.
Cô khuyên chúng tôi: “Để học văn tốt, ngoài năng khiếu thì chúng em phải thường xuyên đọc sách báo để có vốn từ mà dùng. Mỗi ngày các em phải cố gắng đọc từ 30 phút đến một tiếng đồng hồ. Những điều gì hay mà các em đọc được, nên viết vào cuốn sổ tay để làm vốn riêng cho mình. Văn chương không đến với những người lười biếng. Ta phải đọc nhiều và viết nhiều các em ạ!”.
Chúng tôi rất thích những giờ giảng văn của cô. Giọng cô lúc thì nhẹ nhàng, ngọt ngào đến da diết; lúc thì ngậm ngùi đến nao lòng; cũng có lúc hùng hồn đầy khí thế. Khi cô dạy đến bài Cáo Bình Ngô của Nguyễn Trãi, giọng cô hùng hồn làm sống dậy cả một thời.
Tôi còn nhớ như in giọng cô khi đọc bài thơ Quê Hương của nhà thơ Giang Nam. Đoạn đầu cô đọc giọng chậm rãi như đang nhấm nháp từng kỷ niệm tuổi thơ: Ai bảo chăn trâu là khổ?/ Tôi mơ màng nghe chim hót trên cao... Bất ngờ cô chuyển giọng bàng hoàng, đau đớn đến xót xa khi nghe tin người con gái mất: Hôm nay nhận được tin em/ Không tin được dù đó là sự thật… Đau xé lòng anh chết nửa con người…
Cả lớp như nghẹn ngào theo từng câu chữ cô đang thể hiện trên bục giảng. Có lẽ, lời giảng cô truyền đến chúng tôi không chỉ bằng kiến thức sách vở đơn thuần mà bằng cả tình yêu nghề, yêu người, bằng cả sự đam mê trong nghiệp của mình. Hay hơn nữa là những lời bình của cô trong mỗi bài thơ. Đặc biệt, khi dạy đến bài “Sóng” của Xuân Quỳnh, lời bình của cô về tình yêu khiến chúng tôi quên cả giờ ra chơi. Và ngọn lửa của tình yêu văn chương của tôi được nhen nhúm từ đó. Kể từ đó trở đi, tôi lao vào văn chương bằng cả lòng đam mê của mình.
Năm học 12 sắp kết thúc, ngưỡng cửa đại học đang ngấp nghé. Tôi chẳng đăng ký thi vào trường nào. Cô ngỡ ngàng bảo tôi:
- Em không thi đại học à?
- Thưa cô em không có điều kiện.Vả lại em chẳng biết thi ngành nào.
Cô nhỏ nhẹ khuyên tôi: “Em ạ, trong cuộc sống ta không nên bỏ lỡ cơ hội. Trước mắt, cô cho em mượn tiền nộp lệ phí thi. Theo cô, em yêu thích môn văn thì nên thi vào ngành sư phạm văn. Khi ta làm việc gì xuất phát từ lòng đam mê thì mang lại hiệu quả cao hơn”.
Nghe lời cô, tôi đăng ký thi vào sư phạm văn và rất may là đỗ. Giờ đây, khi trở thành cô giáo dạy văn tôi luôn truyền đạt cho học sinh kiến thức bằng tất cả lòng đam mê của mình. Tôi nghĩ có lẽ ngọn lửa đam mê văn chương của cô luôn cháy mãi trong tôi. Cảm ơn cô! Gửi đến cô lời tri ân sâu sắc.
Bình luận (0)