Ngày ấy nhà tôi nghèo lắm. Nghèo đến mức có mỗi chiếc mâm gỗ là tài sản quý giá nhất mẹ tôi cũng mang đi đổi gạo để nuôi 4 đứa con nhỏ dại. Tôi là anh cả, đang học lớp 8, mấy lần bỏ học nhưng mẹ bảo: “Ngày nào mẹ còn sức đủ để làm thuê lấy tiền mua sắn, mua khoai cho các con ăn thì con cứ học. Không có chữ, sau này con cũng khổ như mẹ thôi”. Mặc dù còn nhỏ nhưng tôi cũng thấu hiểu được cái nghèo nên quyết định bỏ học đi làm thuê. Làng nghèo, mới nổi lên nghề đốt gạch, tôi xin được “một chân” đóng than thuê.
Ảnh từ internet (chỉ có tính minh họa)
Hằng ngày, từ sớm tinh mơ đến mù mịt tối, tôi vật lộn trong đống than, đen nhẻm. Song cũng từ ngày ấy, đến bữa, thi thoảng nồi sắn đã lưa thưa có những hạt cơm. Mấy lần cô giáo và bạn bè vào tìm tôi đến lớp nhưng rất ít gặp bởi lúc ấy tôi đang ngoài bãi than. Cô chủ nhiệm nhìn mẹ tôi trong dáng gầy teo tóp: “Chị cố động viên cho cháu tới lớp nhé. Các bạn trong lớp ai cũng mong em trở lại đấy. Vừa qua, nhà trường đã quyết định may tặng em một bộ quần áo mới”. Mắt mẹ nhạt nhòa.
Tuần nào cũng thế, sau giờ tan lớp, cô và các bạn lại tìm đến nhà tôi động viên, không gặp, mọi người vẫn đến. Nhưng cũng chẳng còn cách nào khác, nếu tôi không nghỉ học đi làm thuê kiếm miếng cơm thì những đứa em của tôi cũng sẽ chết đói. Trước khi ra về, cô chủ nhiệm nói với mẹ tôi: “Đây là bộ quần áo các bạn trong lớp góp tiền mua tặng em, mong chị nhận giúp và cố gắng động viên cháu tới lớp…”. Tôi chạy vụt ra ngoài còn mẹ thì ra vườn đào một khóm sắn, củ thật to biếu mọi người. Lát sau, tất cả ra về, tôi hỏi bộ quần áo đâu. Mẹ chỉ cúi mặt và nhìn vào xa xăm…
Thời gian cứ lặng lẽ trôi đi, gần hết học kỳ một nhưng nhà trường vẫn cử cô giáo đến gia đình động viên tôi đi học. Nhìn cử chỉ cô giáo chủ nhiệm hiền từ mà âu yếm, giọng cô trầm ấm, đúng như lời mẹ vẫn thường ru tôi ngày bé. Bạn bè có lẽ chưa thể thấu hiểu được cuộc đời nên vẫn cứ tung tăng, nô đùa. Chỉ có tôi là sự già nua hằn sâu tận khóe mắt. Nghe cô phân tích, chỉ bảo, tôi lặng lẽ nuốt từng lời mà thấy hay quá. Có lần trong một bài giảng cô nói: “Con người phải có chữ, không có chữ như người mù lội sông. Lội mãi cũng chẳng tới bờ”…
Hôm ấy trời mưa rả rích. Trên tay tôi là một cái cuốc vẫn đang cào đống than. Đời làm thuê, cuốc mướn là thế, người ta vẫn bảo ráo mồ hôi là hết tiền vì vậy mưa tôi vẫn phải làm. Làm để trưa nay nhà có thêm đấu gạo. Tôi đang mải miết với đống việc vất vả, bất chợt một giọng nói nhè nhẹ, thân quen từ phía sau làm tôi hơi giật mình: “Chẳng lẽ cuộc đời em chỉ là cái cuốc này thôi sao?”. Tôi quay lại và giật thót mình: Tại sao lại là cô? Cô chủ nhiệm, sao cô lại ở đây?”. Ý nghĩ đó tôi không thể phát thành lời.
Trong bộ quần áo mưa, trên tay cầm một chiếc ô, có lẽ cô đã đứng nhìn tôi từ rất lâu nên mới cảm nhận để nói được những lời đầm ấm đến thế. Cô gỡ nhẹ tay tôi, cầm lấy cái cuốc và đem ra bờ suối thả cho nó trôi theo dòng nước rồi lặng lẽ quay đầu xe đi về để lại trong tôi một nỗi trống vắng đến cháy lòng. Sau đó ba ngày tôi quyết định đến trường. Lần này mẹ lại khóc và cô cũng khóc…
Bình luận (0)