Ngày đó, Diệp được làm lớp trưởng. Oai lắm, vì nó được kiểm tra tay các bạn và sẵn sàng “tố” với cô giáo nếu phát hiện tay bạn nào bẩn. Có lần, nhìn thấy tay tôi bẩn nhưng Diệp im lặng, bao che cho bạn. Nhưng sau đó, cô giáo phát hiện ra, hai đứa tôi bị phạt quét lớp ngay ngày hôm sau.
Hồi xưa, bố mẹ suốt ngày lo việc ruộng đồng. Lũ trẻ con cứ vậy tự rủ nhau đi học rồi tự dắt nhau đi về. Đó là cơ hội để tôi và Diệp suốt ngày la cà, rúc bờ rúc bụi hái trái mâm xôi, bắt chuồn chuồn… Chốn quê vui nhất là ngày mùa. Rơm rạ phơi ngập hết cả đường làng, ngõ xóm. Nghịch rơm là cả một thú vui của bọn trẻ. Có lần đi học về, tôi và Diệp rủ nhau tấp rơm lên đầu bé Hà, con nhà chú Nghịnh ở đầu làng. Mãi đến khi có tiếng mẹ Hà đi tìm, chúng tôi mới cắm đầu bỏ chạy về nhà. Bố mẹ biết chuyện, hôm sau, hai đứa tôi phải xin lỗi bạn Hà.
Ở mảnh đất miền Trung, những ngày hè trời nắng nóng như đổ lửa. Lũ trẻ đi học được bố mẹ trang bị thêm một cái mũ cói rộng vành và một chai nước. Ngày cuối năm học ấy, tôi và Diệp dắt nhau đội nắng hè đi học. Đi được một quãng, hai đứa rủ nhau ngồi nghỉ dưới gốc mít trước cổng nhà bà Đông, lấy chai nước ra so sánh ai còn nhiều nước hơn. Hai đứa đang bàn luận thì có mấy giọt nước từ trên cây rơi xuống mặt. Nhìn mãi, thì ra một chú ve đang say sưa vừa “réo” vừa đi “vệ sinh”. Tôi đứng dậy, tìm cái cây bên bờ rào ra sức khều cho con ve rơi xuống. Vừa rơi xuống, ve ta đã bị Diệp chờ sẵn chụp ngay trong lòng bàn tay. Nhưng cũng vì cú chụp đó mà không may, Diệp làm vỡ chai nước đang đặt bên cạnh. Tôi lo lắng gần như muốn khóc. Hai đứa không nghĩ đến chuyện đi học nữa mà nhặt những mảnh vỡ đem về nhà thú tội. Về đến cổng thì mẹ đang vừa kéo gàu nước bên giếng vừa hỏi: “Hôm nay đi học về sớm rứa con?”. Tôi òa lên khóc, còn Diệp mếu máo theo. Khi hiểu ra mọi chuyện, mẹ chỉ cười âu yếm: “Chai vỡ thì thôi, có chi mô mà khóc hả con”.
Tuổi thơ tôi cứ vậy trôi qua trong êm đềm. Mỗi ngày, cuộc sống của tôi và Diệp một khác đi nhiều, duy chỉ có tình bạn thì vẫn đong đầy theo năm tháng.
Bình luận (0)