Người người từ bé đến già bỗng có việc làm thêm, thu nhập tương đối khá. Đến mỗi đầu tháng nhận được khoản tiền công kha khá và những bao gạo lớn, nhà nhà phấn khởi hát vang:
“Gió đưa cành trúc la đà
Hồng Bàng là chị em là Tân Hưng”
Minh họa từ internet
Bạn bè hàng xóm đồng loạt nghỉ học để “đầu quân” cho hai hợp tác xã Hồng Bàng và Tân Hưng. Trang là đứa bạn thông minh học giỏi nhất xóm, nhất khối nhưng ba mẹ bạn ấy cũng động viên “Con gái mà học làm chi cho lắm”. Nó cũng đành ngậm ngùi xếp bút nghiên. Trang nghỉ một tuần thì thầy giáo chủ nhiệm đạp xe tìm lên nhà nó. Nó nấp đằng sau cánh cửa. Mẹ nó hứa với thầy sẽ cho nó học tiếp. Nó mừng quýnh. Nhưng khi thầy vừa ra khỏi nhà, mẹ nó và các cô hàng xóm xôn xao. Người thì bảo ông thầy thật tốt. Kẻ lại nói chẳng qua là ổng sợ bị thất nghiệp vì chẳng còn trò để dạy!
Mình nhân cơ hội đó qua xin với bố mẹ Trang cho Trang vừa tiếp tục đi học vừa làm mành trúc như mình. Bố của bạn nổi giận: “Để tao coi mày học có ra gạo bỏ vô nồi nấu không. Cả làng này có ai học mà thành ông to bà lớn nào đâu? Mày không thấy cả xã đều cho con nghỉ học đi làm đó sao?”.
Thế là mình chiều chiều lẻ loi cắp sách đến trường. Lạc bầy khi lủi thủi đi nhận trúc, nhận kẽm từ hợp tác xã. Còn lũ bạn hàng xóm đã trở thành những người thợ chuyên nghiệp.
Chuyện học đối với mình tương đối dễ dàng nhưng việc làm mành trúc của mình lại là cả một vấn đề khó khăn. Nếu chị gái mình không bị liệt chân, nếu bà nội mình mắt còn tinh thì mình đỡ nhọc nhằn biết mấy. Mình thường phải cuốc bộ xuống xưởng hơn 2 cây số đi về, lại không biết chen lấn, tranh giành phần. Có nhiều hôm đứng đợi mãi đến trưa thì hết trúc. Đem được trúc được kẽm về nhà, bà nội mình cứ hăng hái tiên phong xâu mành. Nếu may mắn không nhầm màu thì cũng khó có thể nhỏ dần đều từ trên xuống dưới nên chị em mình phải tốn nhiều thời gian vừa khuyên mành vừa chỉnh sửa, nhiều khi không hiệu quả bằng tháo ra làm lại từ đầu nhưng chị em mình không nỡ làm Nội phật lòng.
“Gió đưa cành trúc la đà/Tay trầy lưng trặt sao mà Nội ham?” là câu chị mình trại ra để xoa dịu mình trong một lần phát bực, nổi cáu vì Nội làm không tốt. Công đoạn cuối cùng đi giao hàng là nỗi ám ảnh mình lớn nhất. Mình tuổi 13, 14 thấp bé nhẹ cân nên phải “đánh vật” với tấm mành cao 2 m, rộng 1 m. Mình phải bắt ghế trèo lên rồi ra sức đưa mành treo lên giá cho người KCS săm soi. Cô ấy mặt khó đăm đăm, lẳng lặng ngắm qua và đưa kềm vào những chỗ chưa đạt. Có một lần mình ứa nước mắt đứng trước 2 tấm mành vừa bị bấm loang lổ. Mình biết sẽ không tài nào có thể hoàn tất chỉnh sửa, đóng gói nộp chúng rồi lội bộ về nhà ăn cơm để kịp đi học.
Những lần ấy Nội là người lo buồn nhất và đã mếu máo khóc. Mình ngậm ngùi tức cảnh làm thơ: “Gió đưa cành trúc la đà/Chiều mình nghỉ học chắc là Nội lo”. Bỗng mình nghe có tiếng trẻ nhỏ khóc thét lên ở phòng ngoài và chị Tư - một người bà con của mình - bước vào. Thì ra Nội đã nhờ chị Tư mới sinh con, đang nghỉ làm mành đến trợ giúp mình cho kịp giao hàng và kịp giờ mình đi học. Mọi người hiểu ra và nhìn hai bà cháu mình đầy ái ngại và thương cảm. Mình thở phào nhẹ nhõm bước ra khỏi cổng hợp tác xã.
Hơn hai mươi năm rồi kể từ buổi sáng đầy kỉ niệm ấy, mình về thắp nén nhang lòng bâng khuâng nhớ thương Nội vô bờ. Mình thấy sau làn khói mỏng Nội cười tươi hơn vì biết chị em mình đã có gia đình ổn định.
Các bạn và Trang giờ vẫn bươn chãi kiếm sống. Trang mới gọi điện khoe với mình vừa may mắn xin được chân làm tạp vụ cho một công ty thuốc trừ sâu tại địa phương sau nhiều năm bôn ba làm thợ may ở miền Nam. Mình nhắc nó chú ý động viên con học hành. Nó nói: “Ừ, biết rồi. Đời mình không học khổ lắm rồi, nhất định phải lo cho con học hành”.
“Gió đưa cành trúc la đà
Nhờ Nội giúp sức cháu bà thành công” là câu thơ mới nhất Trang nhắn gửi tặng mình. Nhất định mình sẽ đọc câu thơ này cho Nội nghe.
Bình luận (0)