Ngày tôi đến trường, má không thể đi cùng tôi, chỉ dặn dò: “Bé Thy lớn rồi, phải tập làm mọi việc một mình”. Tới sân trường, tôi mới thật sự bỡ ngỡ. Ngôi trường thì rộng mà ai cũng lạ lẫm. Phía xa, các học sinh đã bắt đầu vào lớp. Chỉ còn mình tôi ngồi trơ trọi ngoài hành lang phòng giám thị để chờ phân vào học lớp nào. Lúc tôi ngồi ở đó, có một thầy giáo dong dỏng cao và khuôn mặt rất nghiêm nghị, bước đến gần hỏi: “Sao con chưa vào lớp học?”. Không biết có phải vì tủi thân hay vì sợ hãi mà tôi đã bật khóc. Thấy vậy, thầy vào hỏi cô giám thị rồi dẫn tôi vào lớp. Cũng năm ấy, trường phân công thầy phụ trách dạy lớp tôi. Tên thầy là Phan Minh Châu, dạy môn toán.
Nếu thầy dạy môn văn, hoặc ít ra là các môn xã hội thì có lẽ tôi đã cảm thấy nhẹ nhõm hơn rằng mình không phụ công ơn của thầy. Đằng này thầy lại dạy ngay môn mà tôi dốt nhất. Khổ nhất là tôi không thể tập trung với môn học này. Thầy nói câu sau, tôi đã quên câu trước. Dường như những con số và các phép tính không có khả năng bám trụ được trong bộ não của tôi.
Có lần, phát bài kiểm tra, tôi bị điểm dưới trung bình. Thầy không la mắng mà chỉ nói nhẹ nhàng: “Dù chỉ dùng một chiếc thước mủ để cưa cây cổ thụ, nếu ngày nào ta cũng chăm chỉ làm thì chắc chắn sẽ cưa đổ cây cổ thụ đó. Học tập cũng như làm việc, cần có sự chăm chỉ và nhẫn nại thì chuyện gì cũng làm được”. Tôi nhớ mỗi lần nhận được bài kiểm tra, ngoài phần cho điểm, bao giờ cũng có lời động viên của thầy: “Có tiến bộ, cần cố gắng hơn nữa!”. Cũng từ đó, dù tôi không giỏi môn toán hơn nhưng lúc nào tôi cũng cố gắng học thật tốt.
Dù rằng đến nay, tôi vẫn là kẻ không thể học giỏi toán nhưng tôi luôn biết cố gắng khắc phục điểm yếu của bản thân chứ không hề bỏ cuộc, bởi hình ảnh cây thước có thể cưa đổ một cây cổ thụ mà thầy dạy tôi ngày xưa vẫn còn sáng rõ lắm. Mãi mãi trong cuộc đời, tôi không bao giờ quên được hình ảnh của người thầy xưa.
Bình luận (0)