Tôi đã nằm thừ trên giường không thiết ăn uống gì trong vòng ba ngày trời. Đối với tôi lúc ấy, thực sự là một trong những thất bại cay đắng nhất trong đời học sinh – rớt Đại học Quốc gia Hà Nội! Thoạt tiên, tôi nghĩ rằng mình phải ôn thi để thi lại vào trường đại học đó cho đến khi đậu thì thôi! Trong lúc ấy, kinh tế gia đình tôi chẳng lấy gì làm khá giả, cho nên ý định ôn thi lại là không thể thực hiện, và cha mẹ tôi thì bảo tôi nộp đơn đăng ký học nguyện vọng hai.
Cuối cùng, tôi đành miễn cưỡng đăng ký nguyện vọng hai, theo học trường Đại học Trà Vinh – một ngôi trường mới thành lập được năm năm, ở một tỉnh đồng bằng sông Cửu Long xa tít. Trong khi đó, hầu hết những người bạn tôi ở quê – Hà Tĩnh, lại đậu và theo học những trường đại học lớn tại Hà Nội. Tôi cảm thấy tự ti trước họ. Thể xác tôi bước chân vào trường Đại học Trà Vinh mà tâm hồn tôi thất tha thất thểu vì sự bất mãn không ai sớt chia và thấu hiểu.
Sau buổi học giáo dục quốc phòng, tôi trở về và tự giam mình trong căn phòng trọ mười mấy mét vuông nóng hừng hực. Chiếc kim đồng hồ nặng nề, khó nhọc nhấc từng milimet, thời gian như ngưng đọng lại không buồn trôi và sự chán chường như muốn kéo dài mãi ra! Tôi trượt dài trên sườn dốc của sự tuyệt vọng! Cho đến một ngày kia.
Tiếng chuông đồng hồ báo thức vang lên inh ỏi, phải cố gắng lắm tôi mới có thể nhấc nổi thân mình và lê từng bước nặng nhọc vào nhà tắm. Trở ra với một bộ dạng trông thật thảm hại. Than ôi! Thực trạng hiện thời mới khác xa quá khứ một cách phũ phàng làm sao! Rồi tôi bật khóc như một đứa trẻ lên ba. Vứt hết! Tôi bê cả chồng sách ném vào tường. Đột nhiên “xoảng”. Nắp hộp bằng kim loại bật ra, một cục gôm còn mới tinh văng ra theo. Rồi bỗng nhiên biết bao nhiêu kỷ niệm của ngày xưa ùa về.
Trong giờ học mỹ thuật.
- Các em ạ! Trong môn mỹ thuật, cứ mỗi lần các em vẽ sai, thì các em có thể dùng cục gôm để xóa đi nét vẽ sai đó và vẽ lại từ đầu. Thế nhưng, trong cuộc sống, sẽ không hề có những cục gôm để xóa sạch đi những sai lầm và cả những lỗi lầm mà các em gây ra cho người khác. Vì vậy cho nên, cô muốn các em phải cố gắng hết sức đừng bao giờ làm điều gì có lỗi và gây tổn thương người khác!
Cô còn nhẹ nhàng căn dặn tôi – cậu học trò xuất sắc nhất khối nhưng lại luôn cảm thấy tự ti vì cái nghèo của mình.
- Em hãy nhớ câu này: “Bạn đã ở đâu, bạn đang ở đâu không quan trọng. Điều quan trọng là bạn sẽ đi đến đâu”.
Sau buổi học cuối cùng đó, chúng tôi được nghỉ hè và cũng là lúc cô chuyển công tác tới trường khác. Ngày tạm biệt cô, là con trai nhưng tôi là người khóc nhiều nhất. Và hôm đó cô tặng tôi một chiếc hộp bằng kim loại được bọc bằng giấy kim tuyến óng ánh trong đó là một cục gôm và một cuốn sách với câu danh ngôn nói trên nằm ngay trang đầu.
Đã hơn sáu năm trôi qua, dường như lời giảng của cô vẫn còn vang vọng đâu đây. Dạ! Em nhớ rồi cô ạ! Bằng cách xuất phát tại ngôi trường này, em cũng có thể đi đến bất cứ nơi nào, thực hiện bằng được những ước mơ mà em hằng ấp ủ!
Tôi ngước nhìn lên và lúc này nước mắt tôi lại tiếp tục trào ra. Nhưng lần này là những giọt nước mắt của niềm hạnh phúc. Tôi lại nhớ về cô, gọi thầm tên cô trong miên man vô thức cùng lời hứa thầm với cô bằng tất cả danh dự: Em sẽ sống xứng đáng với tất cả những niềm tin và tình cảm đặc biệt mà cô đã dành cho em! Một lần và mãi mãi! Cô Quế à!
Bình luận (0)