xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Nhớ cô Ưng Sơn Ca

Ngô Thị Huệ (Long Thạnh Mỹ, quận 9 – TPHCM)

Gần ba năm ngày mất của cô, hôm nay đọc lại lời thầy Phan Văn Tú viết về cô, nước mắt em chảy ròng và cổ nghẹn chặt lại. Nhớ cô da diết!

Năm thứ nhất.
 
Tôi thuộc lứa đầu tiên của Khoa Báo chí và Truyền thông Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM. Ngày đầu nhập học, vì thầy cô còn ít nên tôi biết mặt được từng người. Trong đó có cô, một người lúc nào cũng đăm đăm, ít cười, có vẻ rất nghiêm nghị.
 
img
Ảnh Ánh Nguyệt- NLĐO
 
Kỳ hai năm thứ nhất, tôi được học môn “Lịch sử báo chí Việt Nam” do cô đảm trách. Không giống với tôi tưởng tượng, cô dễ gần, lúc nào cũng nhỏ nhẹ. Đặc biệt, cô luôn đúng giờ, chu đáo trong từng lời giảng.
Thuở đó, tôi quý cô lắm! Ngồi ngay bàn đầu, tôi say sưa nghe cô giảng về “Gia Định báo”- đề tài tốt nghiệp của cô, công trình đầu tiên đạt điểm 10 của khoa Ngữ văn- Báo chí trước kia. Cô giảng về nó tường tận, háo hức giống như nói về người con đẻ của mình. Cô kể về chuyện cô từng trúng tuyển vào báo Tuổi Trẻ hồi mới ra trường, truyền cho chúng tôi bao nhiêu cảm hứng tuyệt vời về nghề báo.
 
Tôi còn nhớ hồi đó còn đang làm trưởng khoa, thầy Nguyễn Văn Hà dạy tôi môn “Cơ sở lý luận báo chí”. Thấy tôi ghi chép đẹp, rõ ràng, cô mượn của tôi để tham khảo thêm. Mấy hôm sau trả lại tôi, cô hẹn: “Lát ra chơi, đi uống cà phê với cô nhé!” Tôi mừng rơn, cả buổi, tôi cứ mân mê cuốn tập vì thấy hãnh diện. Vậy nhưng lúc ra chơi, cô có việc lên Khoa ngay, quên luôn chầu cà phê với tôi!
 
Năm thứ hai.
 
Đó là năm rộ lên chủ nghĩa “thoát ly”, trong đó có tôi. Mỗi giờ học, lớp tôi vắng vẻ ghê lắm, ai cũng muốn “xông pha” ra ngoài viết lách. Nhiều người nghĩ rằng muốn trưởng thành thì phải thích nghi sớm ngoài thực tế, chứ không phải ôm một mớ lý thuyết suông. Tôi cũng bắt đầu cộng tác. Ỷ vào điều đó, tôi cho phép mình đi sớm, về muộn, thầm chí bỏ giờ, bỏ tiết. Năm đó, tôi khổ sở vì môn “Phỏng vấn” do cô phụ trách.
 
Cô bắt đầu nghiêm khắc thực sự: điểm danh đầu giờ, giữa giờ, ai đi muộn hoặc nghỉ quá 2 buổi bị đình chỉ thi môn của cô. Ai dè buổi đầu tiên tôi nghỉ, không hề biết có quy tắc mới đó. Một buổi nghỉ, với hai buổi đi trễ, là tôi đã cố gắng lắm so với những môn khác. Tôi vẫn nhớ cái cảm giác bước vào cửa, ánh mắt cô và cả trăm con mắt khác chĩa vào mình. Cô chỉ lẳng lặng ghi vào sổ. Và, đến buổi cuối cùng, cô tuyên bố đình chỉ thi môn “Phỏng vấn” với tôi. Tôi xấu hổ, giá có cái hố nào mở ra dưới chân, tôi sẵn sàng chui ngay xuống.
 
Cuối giờ, tôi năn nỉ cô. Tôi lấy lý do là: em bận đi cộng tác viết bài, sơ ý vào muộn. Ai dè cô nói: “đã là quy định thì không thể làm khác được”. Mấy ngày sau tôi thấp thỏm không yên. Tôi nhắn tin liên tiếp xin xỏ cô. Cuối cùng cô cũng nhắn lại: “Mai em cứ đi thi”.
 
Hôm sau, tôi đến phòng thi, hồi hộp chưa từng thấy. Hôm đó cô trực tiếp phỏng vấn thí sinh. Gần 70 sinh viên lần lượt vào, rồi ra về. Trong danh sách, tôi đứng gần đầu nhưng bị đẩy xuống cuối cùng. Thế cũng là một niềm hạnh phúc với thí sinh suýt bị đình chỉ thi rồi.
 
11 giờ rưỡi, bụng thì vừa đói, vừa thắt lại vì lo lắng. Còn mỗi mình cô và tôi đối diện nhau. Cô vẫn bình thản và nghiêm nghị, còn tôi, người như bị đơ, chỉ có miệng biết cử động và trả lời câu hỏi. “Nếu chọn một nhân vật nữ để phỏng vấn, bạn sẽ chọn ai”? Mặc dù đã được chuẩn bị vô cùng kỹ, nhưng tôi nói ấp úng “Em sẽ chọn cô Hướng Dương, người đầu tiên thành lập thư viện sách nói tại Việt Nam…”.
 
Môn học đó tôi được 5 điểm an ủi. Tôi sợ đến mức không dám học cải thiện môn ấy, và đành giữ nó làm kỷ niệm. Buổi thi hôm đó là lần cuối cùng tôi gặp cô, cho đến khi nghe tin cô mất. Nước mắt tôi trào ra, thương cô quặn thắt. Trong đầu tôi phảng phất nét cười hiền, ánh mắt trìu mến pha chút nghiêm nghị của cô.
 
Khóa Báo chí K07 chúng tôi ra trường đã hai năm. Ngẫm lại, thấy những ngày tháng trên giảng đường quá ngắn ngủi. Vậy mà nhiều người trong chúng tôi lại lỡ bỏ phí, phí thời gian của mình, phí những tấm lòng người thầy tâm huyết như cô! Thèm được ngồi nghe cô điểm danh, nhìn cô chau mày, chống cằm nghe cô lan man về nghề báo!...
Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo