Trưa. Rủi thay. Hôm đó, học đến gần mười hai giờ rưỡi. Từ trường về nhà, đi bộ cũng hơn cây số. Đến nhà, tôi hỏi:
- Có gì ăn chưa, ba?
- Tự đi nhổ củ báng (khoai mì) mà nấu ăn, mầy
Ông cộc cằn nói. Tôi cũng quạo quạo đáp trả:
- Mần cái gì? Cả buổi cũng không nấu được cho. Bây giờ, đã quá một giờ trưa mà cũng chưa có cái ăn…
Chiều. Khi đứa em gái tìm được, lôi tôi về, thì bóng hai đứa ngã dài trên nền đất. Ba lặng thinh. Còn má thì nước mắt vắn, dài. Củ báng thì nguội ngắt.
Tối. Má nói: Nhà mình lâm vào cảnh khốn khó, mà thiên hạ cũng thế. Chiến tranh ở hai đầu đất nước đang hồi nóng bỏng, mình phải biết chịu đựng. Đã nhiều ngày, má biết con không có cơm vô bụng. Nhưng nhà ta quá hạnh phúc vì còn bên nhau. Chứ biên giới Tây Nam, quân Khơ me đỏ tràn đến đâu, nó tàn sát người mình đến đó…
Bây giờ. Hơn ba mươi năm trôi qua. Ký ức trong tôi như mới ngày hôm qua. Đi học thường xuyên với cái bụng đói. Khi về thì bao nhiêu là việc nhà: đang rổ, mót củi, hái rau… Tuổi học trò chúng tôi ngày ấy gắn liền với nụ hoa và cây súng. Cũng như hàng dâm bụt và cây hoa điệp, báo điều hạnh phúc; khẩu súng máy 12,7 li kia, báo hiểm họa chiến tranh đến gần. Là trẻ con, chúng tôi chỉ biết học cho tốt và phụ giúp việc nhà. Những mong làm thế để giúp người lớn đẩy lùi hiểm họa và bảo vệ hạnh phúc.
Bình luận (0)