Tối 28-1, chương trình "Ngân mãi Chuông vàng" vinh danh "Kỳ nữ Kim Cương" do Ban Văn nghệ Đài Truyền hình TP HCM (HTV) thực hiện đã diễn ra tại phim trường Nhà hát HTV và được truyền tiếp trên kênh HTV9, với sự tài trợ của Sài Gòn Công Thương Ngân Hàng - SAIGONBANK. Khán giả đã vỡ òa xúc động trước sự trở lại sàn diễn sau 20 năm của NSND Kim Cương.
Các nghệ sĩ: NSND Lệ Thủy, ca sĩ Elvis Phương, ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng, Nguyễn Phi Hùng, Ánh Ngọc, Lê Thu Uyên, NSƯT Võ Minh Lâm, NSƯT Hồ Ngọc Trinh, NSƯT Ngọc Đợi… đã thể hiện những ca khúc và dâng trào niềm xúc động khi có mặt trong đêm vinh danh "Kỳ nữ Kim Cương".
Điều khiến khán giả xúc động hơn hết là trích đoạn "Lá sầu riêng" do NSND Kim Cương sáng tác, đạo diễn, được bà thể hiện vai cô Diệu bên cạnh NSƯT Hữu Châu, nghệ sĩ Lương Thế Thành, Lê Phương.
Trong Hồi ký "Sống cho đời, sống cho mình" NSND Kim Cương đã viết: "Ở giai đoạn cuối đời không còn đứng trên sân khấu, tôi đã nhận ra với cái nghiệp sân khấu gắn liền từ thuở còn nằm nôi, chảy sâu trong từng thớ thịt dòng tộc, trong từng hơi thở, tôi phải sống cho đời, gửi gắm trọn vẹn những yêu thương, để cô Diệu, cô Bê, Thị Bình, bà mẹ bán chè, cô Trang trong Trà Hoa Nữ… mãi mãi là biểu tượng đẹp của người phụ nữ trong cuộc sống".
Trong đêm vinh danh này, NSND Kim Cương đã tâm nguyện sẽ mãi sống có ích cho đời, đi theo kim chỉ nam của mẹ bà - NSND Bảy Nam, truyền lại.
Khán giả đã cực kỳ mến mộ vai cô Diệu của NSND Kim Cương. Từ một cô gái 18 tuổi ngây thơ yêu đời, trở thành một thiếu phụ hơn 30 tuổi phải tàn tạ vì những vùi dập trong cuộc đời, và cuối cùng là một phụ nữ 60 tuổi mòn mỏi, chịu đựng. Ở phân đoạn nào, NSND Kim Cương cũng phải khiến người xem xúc động.
Và trong đêm diễn này, bà thật sự hạnh phúc khi được sống lại với vai diễn cô Diệu trong trích đoạn "Lá sầu riêng"… hạnh phúc đó được thể hiện với những tràng pháo tay thật lớn, thật dài của khán giả đã dành những tình cảm đặc biệt đối với bà.
Để đánh dấu một đời nghệ sĩ, đêm diễn này được xem là để đời, vì bà đã 87 tuổi, sức khỏe không cho phép tiếp tục gắn bó với sân khấu.
Nhìn lại với hơn 70 tác phẩm thì có hơn 2/3 bà viết về tình mẫu tử, nghĩa vợ chồng. Và tất cả đều được sáng tác những ngày cận tết.
Hơn bao giờ hết, đêm diễn sắp giã từ năm cũ, để đón tết Nguyên Đán Giáp Thìn, đây là thời khắc bà cho rằng người nghệ sĩ dễ tìm kiếm những chất liệu để đưa vào kịch bản.
Chẳng biết có phải tâm hồn nghệ sĩ Kim Cương thường cô đơn trong chuyện tình cảm hay không nhưng bà vẫn thường ví von với bạn bè: "Đời tôi viết kịch, diễn kịch cho chính mình tôi chẳng chịu thua một nhân vật nào hết. Tôi có thể làm mẹ, làm con, làm cháu, làm bà trưởng đoàn, làm người chịu trách nhiệm nghệ thuật, kể cả chuyện quản lý một đoàn hát, thế nhưng có một vai trò mà tôi không làm được, đó là làm vợ".
Nhận thức từ những trắc trở trong chuyện tình cảm, NSND Kim Cương thường đi thẳng vào các vấn đề để nhân vật của bà trả lời những câu hỏi đầy bi kịch từ con tim của chính mình.
Để từ đó, mỗi đêm bà tái tạo niềm vui, nỗi buồn của mình trên sàn diễn. Chính sự hiện hữu của bàn trang điểm trong suốt đêm diễn đã nói lên điều đó, vì ở không gian hậu trường, bàn trang điểm giúp bà hóa thân vào các nhân vật và nhìn rõ mình hơn trước khi bước ra sân khấu.
Và từ đó, khán giả nhớ mãi một cô Diệu trong "Lá sầu riêng", một cô Y Lan trong "Trà hoa nữ", một cô Bích không cam chịu số phận trong "Dưới hai màu áo", một bà Tư bán chè nhưng cuộc đời đắng nghét trong "Bông hồng cài áo"...
Tất cả xâu chuỗi lại sẽ thấy một Kỳ nữ Kim Cương dày dạn kinh nghiệm sống, hiến dâng những rung động chân thật cho sân khấu.
Xem lại "Lá sầu riêng" và phóng sự nhắc lại cuộc đời nghệ thuật của bà, khán giả vẫn thấy ngồn ngộn ngọn lửa yêu nghề từ một nghệ sĩ trải đời mình cho nhiều số phận phụ nữ bi kịch.
Song, ưu thế của kịch Kim Cương chính là không để sự bi lụy lấn át nghị lực vươn lên của người phụ nữ. Người xem nhớ một Tanhia thành công sau khi đã vấp ngã trong cuộc sống. Hoặc hai đứa con gái, một hư, một ngoan hiền trong "Dưới hai màu áo".
Tựu trung vẫn là những bài học giáo dục nghiêm khắc dành cho các bậc làm cha, làm mẹ, ý chí đứng lên làm lại cuộc đời sau một lần thất bại . Chân lý không thay đổi theo thời gian trong kịch Kim Cương còn là lòng chung thủy, mà điển hình là nhân vật Diệu (Lá sầu riêng).
Bà chia sẻ, đêm diễn này thật hạnh phúc vì ngọn lửa đam mê của mình đối với sân khấu kịch vẫn còn đủ sức lan tỏa, hâm nóng thế hệ đàn em nối bước theo bà.
Chương trình vinh danh bà được HTV tổ chức để khẳng định bệ phóng sáng tạo của kịch Kim Cương trong đời sống sân khấu vẫn mãi là điểm tựa bền bỉ.
Bà tự hào được tôn vinh là người đặt viên gạch đầu tiên xây dựng một trường phái kịch miền Nam những năm 50-60 thế kỷ trước tại Sài Gòn - TP HCM. Để từ đó, có một thế hệ tiếp bước đem về vinh quang cho làng kịch phương Nam luôn năng động, sáng tạo và phát triển.
Được khởi đầu từ năm 2014, chương trình "Nghệ sĩ tri âm" ra đời không chỉ mang lại giá trị vật chất, mà còn hướng đến cái người nghệ sĩ rất cần - chính là tình cảm, là cơ hội gặp nhau chia sẻ tâm tình sau một năm dài.
Cùng với đó, quỹ học bổng mang tên NSND Bảy Nam đã góp phần ươm mầm tương lai cho bao thế hệ con em gia đình nghệ sĩ.
Đánh dấu tròn vẹn 10 năm nỗ lực sẻ chia cùng mọi người, trong chương trình vinh danh bà, Quỹ "Chung một tấm lòng" của HTV TP HCM đã đồng hành với công tác thiện nguyện của NSND Kim Cương để trao quà tết cho 120 nghệ sĩ có hoàn cảnh khó khăn đại diện cho các lãnh vực: hát bội, cải lương, kịch nói, xiếc, âm nhạc.
Ông Cao Anh Minh - Tổng Giám đốc HTV TP HCM - đã tặng hoa và kỷ niệm chương của quỹ "Chung một tấm lòng" cho NSND Kim Cương.
Qua những đóng góp tích cực cho cộng đồng xã hội của NSND Kim Cương, Viện Kỷ lục Việt Nam, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam - VietKings đã xác lập Kỷ lục Việt Nam về bà với nội dung: Người sáng lập, duy trì chương trình "Nghệ sĩ Tri âm" và Quỹ học bổng "Bảy Nam" hỗ trợ cho các nghệ sĩ neo đơn và con em nghệ sĩ có hoàn cảnh khó khăn trong nhiều năm (10 năm).
Dưới đây là một số hình ảnh của chương trình nghệ thuật vinh danh NSND Kim Cương:
Bình luận (0)