Phía sau nỗi đau thường là sự hận thù, căm tức nhưng trong phiên xử bị cáo Tiến sát hại nữ giám thị, những ai có mặt tại phiên tòa đều lặng đi và hiểu thêm rằng phía sau nỗi đau, mất mát còn là cả sự bao dung, tha thứ đầy tình người.
Nguyễn Văn Tiến (SN 1990, trú tại tổ dân phố Tân Tiến, phường Thạch Linh, TP. Hà Tĩnh) đứng trước vành móng ngựa với các tội danh Giết người, cướp tài sản và dâm ô trẻ em. Chắc rằng, Tiến cũng đã chuẩn bị tâm lý cho mình để nhận lấy một mức án tương xứng với tội lỗi đã gây ra.
Trước tòa, Tiến khai nhận tội ác của mình bằng những câu nói đứt quãng nhưng cũng đủ để khiến cho người nghe phải giật mình, chép miệng vì sợ hãi.
Ông Nguyễn Văn Hoan (Bố bị cáo Tiến) cố giấu những giọt nước mắt, mệt mỏi nhìn đứa con tội lỗi qua khe ghế
Hôm đó (ngày 3/7/2016), bị cáo đón khách là chị Oanh (nạn nhân) đi lễ tại một nhà thờ rồi qua nhà một người bạn ở Thạch Hà, TP. Hà Tĩnh chơi. Trên đường chở chị Oanh về vì bị cáo đang thiếu tiền nộp lệnh nên đã cố tình chở chị Oanh đi lòng vòng với mục đích xin thêm ít tiền. Tuy nhiên, chị Oanh không đồng ý, khóc và yêu cầu cho xuống xe nếu không sẽ hét lên.
"Vì sợ mất uy tín của công ty nên bị cáo đã quay lại ấn chị Oanh vào thành ghế và bóp cổ cho đến khi nạn nhân bất tỉnh", Tiến khai tại phiên tòa và cho rằng mình không có chủ đích giết chết nạn nhân.
Ở dãy ghế dành cho gia đình người bị hại, có những ánh mắt chứa đầy nỗi thất vọng. Có lẽ, họ muốn nghe một lời thú nhận thật lòng để thấy được sự hối lỗi chứ không phải những lời “thanh minh” cho tội ác của Tiến.
“Bị cáo nói mình không có ý định giết người? Vậy tại sao khi biết nạn nhân vẫn đang còn sống lại điều khiển xe tới chân cầu Sú rồi nhẫn tâm vứt chị Oanh xuống sông?”, Chủ tọa phiên tòa đặt câu hỏi.
Đại diện gia đình bị hại tại phiên xử
Tiến ngập ngừng trả lời: "Thưa tòa, lúc đó bị cáo hoảng loạn quá nên không nghĩ được gì”.
“Bị cáo hoảng loạn? Hoảng loạn mà thản nhiên, lạnh lùng, không chút tình người khi thấy nạn nhân còn cựa quậy vẫn bế người ta ra khỏi xe rồi ném xuống sông? Bị cáo hoảng loạn đến mức nhìn nạn nhân vùng vẫy dưới nước nhưng bỏ mặc rồi lái xe đi như không có chuyện gì ư? Bị cáo không thành khẩn, những gì bị cáo trình bày không thể che giấu được dã tâm muốn thực hiện tội ác đến cùng của bị cáo”, Chủ tọa phiên tòa nói. Lúc này Tiến cúi gằm mặt xuống đất.
Hội trường xét xử càng lúc càng đông, có những ánh mắt đầy giận dữ và cũng có những ánh mắt cảm thông, ái ngại dành cho cha mẹ Tiến. Hai con người với dáng hình nhỏ thó, khắc khổ, ngồi nép mình dựa dẫm vào nhau. Ngày con trai ông bà gây ra tội ác, gia đình khó khăn nhưng cũng chạy vạy khắp nơi vay được 70 triệu đồng rồi lặn lội ra Hà Nam để xin lỗi gia đình bị hại.
“Bậc làm cha, làm mẹ chúng tôi biết tội lỗi con mình gây ra là quá lớn, tội nó gây ra cũng do chúng tôi không biết dạy dỗ. Tôi xin lỗi gia đình bị hại, xin tòa, xin các vị cho con tôi một cơ hội để sữa chữa…”, ông Nguyễn Văn Hoan (cha Tiến) vừa nói vừa khóc nghẹn.
Lúc này Tiến khóc, có lẽ đó là những giọt nước mắt của sự sợ hãi, hối hận. Tội ác Tiến gây ra đang đưa Tiến đến với ga cuối của cuộc đời.
“Bản thân tôi đã có 40 năm trong nghề nhưng đây là lần đầu tiên đọc quyết định đề nghị truy tố một bị cáo ở khung hình phạt tử hình. Tất cả các tình tiết giảm nhẹ chúng tôi đều cân nhắc kĩ nhưng với Tiến – kẻ có dã tâm độc ác, mưu đồ, thực hiện đến cùng việc sát hại người khác nên không thể cải tạo, hoàn lương quay trở lại xã hội được”, người giữ quyền công tố tại phiên tòa cất lời.
Không ít phiên xử, người viết bài chứng kiến cảnh gia đình bị hại và bị cáo trút lên nhau những lời xúc phạm, căm phẫn, nhưng tại phiên tòa này, ngoài sự tôn nghiêm của pháp luật còn có tình người chan chứa.
Tiến bật khóc, những giọt nước mắt của sự sợ hãi, hối hận…
“Thưa tòa, tôi có thể nói đôi lời với Tiến được không?”, anh Phạm Quốc Triệu – đại diện gia đình bị hại đứng dậy nói. Tiến quay người lại phía gia đình bị hại sau khi tòa đồng ý. “Anh có biết cái chết là gì không?". "Dạ, chết là qua đời…”, Tiến lí nhí trả lời anh Triệu.
“Cái chết chính là nỗi đau đang hiện hữu trong những người đang sống. Gia đình chúng tôi đã đau trước nỗi đau mất con, nỗi đau đó không có gì có thể bù đắp được. Nhưng hôm nay đây, tại phiên tòa này, chúng tôi cảm thấy nỗi đau đó đang hiện dần lên trên khuôn mặt của hai đấng sinh thành ra bị cáo, họ không có tội gì để phải nhận lấy một nỗi đau như vậy. Cuộc sống, đánh kẻ chạy đi chứ không ai đánh người chạy lại, nên mong HĐXX xem xét cho Tiến có cơ hội để sửa chữa”, anh Triệu nói và nhấn mạnh cũng không đề nghị bị cáo phải bồi thường về tổn thất tinh thần.
Những lời nói chứa đầy sự bao dung của gia đình bị hại khiến Tiến như đứa trẻ bị đòn đau, Tiến khóc to, người dự tòa cũng đưa tay gạt nhẹ nước mắt trên mặt mình.
Được nói lời sau cùng trước khi HĐXX vào phòng nghị án, Tiến lại khóc, xin lỗi gia đình người bị hại và cầu mong được hưởng sự khoan hồng của pháp luật, có cơ hội để sửa chữa lỗi lầm.
Liên quan đến Nguyễn Văn Tiến, ngoài bị truy tố về tội Giết người và Cướp tài sản trong vụ án giết nữ giám thị vứt xác xuống sông phi tang, Tiến còn bị truy tố thêm tội Dâm ô trẻ em trong một vụ án khác. Theo cơ quan điều tra, trong quá trình chở khách từ TP Hà Tĩnh tới xã Thạch Khê (Thạch Hà) vào ngày 2/6/2016, Tiến đã thực hiện hành vi dâm ô với một bé gái 11 tuổi.
Nhận định hành vi của bị cáo có tính chất đặc biệt nghiêm trọng, vì động cơ thấp hèn mà ra tay tước đoạt mạng sống người khác một cách dã man, gây bất bình và phẫn nộ trong nhân dân. Xét thấy bị cáo không có khả năng để cải tạo hoàn lương nên cần phải cách ly vĩnh viễn ra khỏi đời sống xã hội, TAND tỉnh Hà Tĩnh tại phiên sơ thẩm ngày 26/4 đã tuyên phạt bị cáo Nguyễn Văn Tiến tử hình về tội giết người, 4 năm tù về tội cướp tài sản, 18 tháng tù về tội dâm ô trẻ em. Tổng hình phạt mà Nguyễn Văn Tiến phải chịu là tử hình.
Phiên tòa sơ thẩm khép lại, chiếc xe thùng chở Tiến lao vút đi bỏ lại phía sau ánh nhìn đau đớn của đôi vợ chồng già với tia hy vọng mong manh nào đó.
Bình luận (0)