Sau 3 ngày xét xử sơ thẩm vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản, trưa 12-10, HĐXX TAND tỉnh Đắk Lắk đã kết thúc phần tranh luận và chuyển sang nghị án. Dự kiến HĐXX sẽ tuyên án vào sáng 13-10.
Chiếc thẻ nhớ bí ẩn
Theo cáo trạng, ngày 28-10-2011, bà Nguyễn Thị Lán (SN 1960; ngụ huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk) bị bắt quả tang về hành vi chứa mại dâm khi đang cho L.T.H (SN 1976) và H.T.G (SN 1967) bán dâm tại nhà nghỉ do bà và chồng là ông Triệu Đức Nhật (SN 1960) làm chủ. Biết tin, bà Hoàng Thị Phụng (chị bà G.) gặp ông Nhật bàn cách lo cho bà Lán được tại ngoại, hưởng án treo; còn H. và G. được giảm thời hạn giáo dục.
Thông qua bà Phụng, ông Nhật đã làm quen và đưa tổng cộng 200 triệu đồng cho bà Nguyễn Thị Hằng (SN 1961; ngụ huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông) để chạy án. Tuy nhiên sau đó, bà Lán vẫn bị xử phạt 5 năm tù nên ông Nhật đã làm đơn tố cáo hành vi đưa, nhận hối lộ. Sau thời gian khởi tố vụ án đưa nhận hối lộ để điều tra, Cơ quan Điều tra VKSND Tối cao kết luận chỉ có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản và bà Hằng bị khởi tố về tội danh này.
Tại phiên tòa, bị cáo Hằng khai nhận đã đưa phần lớn số tiền cho ông L.Q.L (nguyên cán bộ VKSND tỉnh Đắk Nông) để ông này chung chi cho một số cán bộ công an, VKSND huyện Ea Kar (Đắk Lắk) nhằm chạy án. Trong đó, bị cáo có chuyển số tiền 9 triệu đồng vào tài khoản của ông N.V.Đ (thời điểm đó là phó viện trưởng VKSND huyện Ea Kar). Đặc biệt, bị cáo Hằng khẳng định mình còn lưu giữ 1 thẻ nhớ chứa rất nhiều nội dung liên quan đến việc cùng ông L.Q.L chạy án nhiều vụ, trong đó có vụ này. Do trong thẻ nhớ có đoạn clip quay lại “cảnh nóng” giữa mình và ông L.Q.L nên trước giờ bị cáo Hằng không muốn cung cấp. Đồng thời, do không tin tưởng nên bị cáo xác định chỉ cung cấp cho luật sư bào chữa cho mình. Bị cáo Hằng cũng xin HĐXX áp giải về trại giam để lấy thẻ nhớ và nhờ luật sư bào chữa cho mình tại tòa nhưng không được đồng ý.
Tuy nhiên, đại diện VKSND tại tòa cho rằng số tiền chuyển vào tài khoản của ông N.V.Đ là do ông L.Q.L nhờ bị cáo Hằng chuyển vào cho ông Đ. mượn. Riêng chiếc thẻ nhớ mà bị cáo Hằng nói, không liên quan đến vụ án nên không cần phải xem xét.
Bị hại cho rằng bị cáo không lừa đảo
Trình bày với HĐXX, ông Nhật nhiều lần khẳng định bị cáo Hằng không lừa đảo chiếm đoạt tài sản như cáo trạng truy tố. Theo ông Nhật, mỗi lần bà Hằng cùng ông L.Q.L đi gặp những người có thẩm quyền đều báo cho mình biết để tới chứng kiến. Do đó, đề nghị HĐXX trả hồ sơ điều tra lại theo hướng đưa, nhận, môi giới hối lộ.
Trong vụ án này, có một điều lạ nữa là ngoài 5 luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp miễn phí cho bị hại thì còn nhiều luật sư khác ở tỉnh Đắk Lắk cũng ngồi sẵn trong phòng xử án với tờ đơn trên tay chờ được bào chữa miễn phí cho bị cáo Hằng nhưng HĐXX không chấp thuận.
Luật sư Nguyễn Văn Quynh (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho rằng vụ án còn nhiều khuất tất; kiểm sát viên, HĐXX ngay khi mở phiên tòa thì phần thủ tục đã không khách quan, không cho bị cáo mời luật sư bào chữa ngay tại phiên tòa trong khi luật đã quy định rất rõ. Theo đó, bị cáo có quyền nhờ luật sư bào chữa cho mình trong bất kỳ giai đoạn tố tụng nào. “HĐXX không cho bà Hằng nhờ người khác bào chữa là tước quyền được bào chữa của bị cáo. Trong khi bị cáo kêu oan cần mời luật sư bào chữa và yêu cầu dẫn giải để cung cấp chứng cứ cũng không được chấp nhận là vi phạm thủ tục tố tụng” - luật sư Quynh nhận định.
Cũng theo luật sư Quynh, đây là vụ án còn nhiều vấn đề cần làm rõ vì liên quan đến nhiều người chạy án. Có dấu hiệu bao che, gây oan sai, hành vi và tội danh không đúng bản chất chứng cứ có trong hồ sơ cũng như diễn biến tại phiên tòa. “Sau phiên tòa này, chúng tôi sẽ kiến nghị các cơ quan tư pháp trung ương vào cuộc. Đặc biệt, kiến nghị Quốc hội đưa vụ án này vào chương trình giám sát” - luật sư Quynh nói.
Trong lời nói sau cùng, bị cáo Hằng đề nghị HĐXX cho phép ký đơn yêu cầu luật sư bào chữa cho mình ở những phiên tòa sau. Lúc này, HĐXX mới đồng ý.
Trước đó, như Báo Người Lao Động phản ánh, ngày 15-7-2015, TAND tỉnh Đắk Lắk đã mở phiên tòa phúc thẩm vụ án này nhưng đã trả hồ sơ điều tra lại vì cấp sơ thẩm vi phạm thủ tục tố tụng. Sau đó, TAND tỉnh Đắk Lắk rút hồ sơ vụ án lên xử sơ thẩm
Nghi ngờ ngụy tạo chứng cứ
Tại phiên tòa, luật sư Phạm Công Út (Đoàn Luật sư TP HCM) cho rằng đại diện VKSND luôn nhắc đi nhắc lại tình tiết “ngoại phạm” của ông N.V.Đ dựa vào bản họp phân công công việc của VKSND huyện Ea Kar. Biên bản này cho thấy ông Đ. thời điểm đó được phân công phụ trách án dân sự. “Tuy nhiên, chúng tôi phát hiện chữ viết ở phần trên và phần chữ ký của thư ký không giống nhau; chữ ký bà Nguyễn Thị Lâm (Viện trưởng VKSND huyện Ea Kar) cũng không giống với chữ ký trong biên bản mà bà làm việc với Cơ quan Điều tra VKSND Tối cao. Đây là có dấu hiệu ngụy tạo chứng cứ nhưng cơ quan chức năng không làm rõ việc này” - luật sư Út nói.
Bình luận (0)