Năm 1963, do là bạn bè thâm giao gia đình ông N. cho nhà bà Q. thuê một căn nhà ở quận Tân Bình, TP HCM. Là chỗ thân tình, hai gia đình không xác lập hợp đồng thuê nhà mà chỉ giao kèo miệng. Cũng từ đó giao tình giữa hai gia đình ngày một bền chặt.
Bẵng đến 5 năm sau, một trận hỏa hoạn bỗng chốc thiêu rụi căn nhà.
Tình đi kiện lý
Sau sự cố, bà Q. bỏ tiền xây nhà mới trên nền đất cũ và tiếp tục sinh sống ở đây. Cũng từ đấy, không ai trong gia đình ông N. đến thu tiền thuê nhà nữa. Thấm thoát mấy chục năm trôi qua, thế hệ ông N. và bà Q. đều khuất bóng. Cuộc sống cứ thế tiếp diễn cho đến ngày con cháu ông N. tìm đến và yêu cầu con cháu bà Q. giao lại căn nhà. Không chấp thuận, con cháu bà Q. nhất quyết không dọn ra khỏi nhà. Quyết làm cho tới, con cháu ông N. khởi kiện ra tòa. Không phục tòa sơ thẩm tuyên chủ sở hữu căn nhà là gia đình bà Q, họ kiên trì kháng cáo. Rồi mối giao hảo từ mấy thế hệ cũng bị cắt đứt. Họ chỉ chạm mặt nhau khi đến tòa.
Trong bản án sơ thẩm, HĐXX nhận định nguyên đơn khởi kiện đòi nhà nhưng không có chứng cứ về quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất; không chứng minh được việc bị đơn ở nhờ hoặc thuê. Trong khi đó, gia đình bà Q. cư trú tại đây từ năm 1963 và kê khai đăng ký nhà, đất. Chưa kể, gia đình thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế cho đến nay.
Bài học đắt giá
Tại phiên xử phúc thẩm, hai bên gia đình đến theo dõi rất đông. Không ai nhường nhịn ai. Ai cũng đưa ra lí lẽ riêng với mục đích chứng tỏ phía mình mới đúng là sở hữu căn nhà. "Vì tin tưởng vào mối thân tình nên cha mẹ chúng tôi cho thuê nhà mà không mảy may nghĩ đến những rắc rối pháp lý sau này. Thiết nghĩ phía bị đơn phải trả cho gia đình tôi 600 triệu đồng nếu muốn sở hữu vĩnh viễn căn nhà. Trong trường hợp bị đơn đồng ý dọn đi, gia đình chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ 100 triệu đồng" - đại diện nguyên đơn trình bày.
Đáp trả, đại diện phía bị đơn khẳng định gia đình họ cư trú tại căn nhà trên từ năm 1963. Đến năm 1999, gia đình kê khai quyền sở hữu và đóng thuế nhà đất đầy đủ. Phía bị đơn dõng dạc tuyên bố: "Gia đình tôi thống nhất không chuyển đi vì họ (phía nguyên đơn - PV) chẳng có bất kì bằng chứng nào thuyết phục rằng mình là chủ sở hữu căn nhà. Mong HĐXX xem kỹ tài liệu, ý kiến từ chính quyền địa phương".
Những câu khẳng định được lặp đi lặp lại. Sự phủ định dành cho những gì không có trong giấy tờ. Bất kể thời gian hay tình thân.
Giờ nghị án, bầu không khí căng thẳng gia tăng thể hiện trên nét mặt mỗi người bên 2 phe. Dù họ không la mắng hay xô xát.
Cấp phúc thẩm quyết định y án sơ thẩm. Con cháu bà Q. vẫn là chủ sở hữu tài sản trên. Phiên tòa kết thúc. Một bên mừng rỡ. Một bên dù không hài lòng nhưng vẫn kiềm chế. Họ ra về trong hòa bình nhưng lòng có sóng.
Ôm xấp hồ sơ ra khỏi phòng xử, vị thẩm phán ái ngại: "Vì lợi ích, người chung máu mủ không ngần ngại đưa nhau đến đây huống chi sợi dây gắn kết giữa hai gia đình trong vụ kiện này chỉ được cột bởi những người đã khuất. Dù sao, bất kể chiến thắng thuộc về bên nào thì dưới suối vàng, ông N. và bà Q. chắc hẳn tiếc nuối và đau lòng lắm".
Đặt sang một bên bài học tình người, vị thẩm phán chia sẻ vụ việc cũng là bài học đắt giá đối với những ai tránh né hay không kịp thời thực hiện mọi thủ tục pháp lý, nghĩa vụ công dân.
Xác minh từ chính quyền
Phòng Quản lý đô thị quận Tân Bình xác minh căn nhà trên do ông N. tự ý xây cất và sử dụng không phép trên nền đất công từ năm 1961, đăng ký kê khai một lần duy nhất vào năm 1977. Sau đó, ông N. cũng như người nhà không kê khai đăng ký về quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất, không đóng thuế đất. Việc cho thuê nhà chỉ thỏa thuận miệng giữa hai bên chứ không có giấy tờ chứng minh. Ngoài bản kê khai năm 1977 (của gia đình ông N.) và 1999 (của gia đình bà Q.) thì căn nhà chưa có giấy tờ sở hữu hợp pháp.
Đây là bằng chứng mấu chốt giúp HĐXX phán quyết theo luật định.
Bình luận (0)