Tôi không thể căm phẫn cậu thanh niên đó khi nhìn vào mặt cậu ấy cho dù đó là một kẻ đã giết người. Đó là một bức họa xấu xí, thảm hại với khuôn mặt biến dạng hoàn toàn, đôi môi cong vều, mắt hõm sâu, thịt da nhão nhoẹt chồng chất những lớp sẹo non trắng dã.
Mười ngón tay của cậu đã co rút và cụt hoàn toàn, không thể nhìn thấy những dấu hiệu của đốt tay đã từng. Phía sau đầu hõm một khoảng da trống. Những di chứng thảm hại sau vụ đốt chết người yêu đã từng rùm beng báo giới một thời.
Người mẹ của cậu oằn mình khóc ngất tại phiên tòa. Cậu được đưa ra khỏi phòng xử án vì phiên tòa quyết định hoãn theo luật sư mà cậu yêu cầu. Khi bước đi, không ngừng quay đầu lại trấn an người mẹ :”Mẹ yên tâm! Con làm thì con tự chịu”.
Ngoài lời nói ra, không thể nào đọc được chút xúc cảm trên khuôn mặt trừ đôi mắt ươn ướt. Đã nửa năm trôi qua kể từ phiên tòa sơ thẩm, có lẽ cậu cũng đã ân hận rất nhiều. Nhưng đã nửa năm trôi qua, gia đình bị hại vẫn chưa thôi căm phẫn.
Người phụ nữ lớn tuổi ngồi ngay đầu hàng ghế không ngừng sụt sùi mỗi khi nhắc đến đứa con gái út. Đó là một cô gái tuổi 24 có khuôn mặt xinh xắn với nụ cười rất đẹp nổi bật trên tấm di ảnh tràn ngập hoa cúc vàng nở rộ.
Tôi cầm tấm di ảnh và thoáng chốc bỗng rùng mình khi nghĩ đến cảnh cô gái giãy giụa giữa ngọn lửa bừng cháy do người yêu đốt lên. Họ yêu nhau qua mạng internet và mau chóng sống chung trong khoảng vài tháng ngắn ngủi khi chưa kịp hiểu nhau.
Người mẹ cô gái quả quyết tình cảm chỉ đến từ phía chàng trai. Vì cô gái cự tuyệt nên một kẻ hút chích mới muốn đốt người.
Dĩ nhiên, bà có lý lẽ cho riêng mình khi chối bỏ mối quan hệ đó. Bà nói bà không thể chấp nhận nổi bản án 18 năm tù mà tòa sơ thẩm đã tuyên. Bà phải kháng cáo để cậu phải chịu chung thân.
Rồi bà trách móc gia đình cậu vô lương tâm: "Cô không cần tiền nhưng tang lễ cũng không có một ai đến hỏi thăm” khi tôi hỏi về trách nhiệm bồi thường dân sự của phía gia đình bị cáo.
Thời điểm xảy ra vụ án, cậu đã 22 tuổi, dĩ nhiên cậu đã đủ tuổi trưởng thành và phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại để khắc phục hậu quả chứ không phải là gia đình cậu. Tuy nhiên, phận làm cha làm mẹ thương con thì phải tìm mọi cách để xin giảm nhẹ hình phạt cho con mình. Lời nói của bà khiến tôi thật sự tò mò vì nguyên cớ gì mà cha mẹ cậu ấy lại cư xử lạ lùng vô tâm như vậy?
Vị luật sư tầm ba mươi tuổi được tòa chỉ định bảo vệ bị cáo còn buông câu “Gia đình nó còn mong nó bị tử hình mà em. Chứ giờ sống người không ra người như vậy để làm gì? Ăn phải có người đút, tắm phải có người xịt”. Tôi nhìn về phía gia đình bị cáo và không thể hiểu nổi.
Cho đến khi phiên tòa quyết định hoãn vì bị cáo yêu cầu luật sư mà gia đình mời chứ không chấp thuận luật sư do tòa chỉ định, nhìn thân thể gầy guộc oằn mình khóc ngất của mẹ bị cáo, tôi không tin cha mẹ nào mà lại muốn con mình bị tử hình cho dù có là nghịch tử.
Mọi người trong phòng xử lục tục kéo xuống sân. Tôi thoáng nghe phía bị hại nói “Nó thuê luật sư thì mình cũng thuê luật sư”. Người mẹ của bị hại đã nộp đơn kháng cáo bổ sung đến lần thứ ba khi yêu cầu “tăng mức án, bồi thường trách nhiệm dân sự, truy tố tội cướp vì bị mất một số trang sức của bị hại”.
Cả đại gia đình của bị cáo từ cha mẹ, bà ngoại, các cô đều tụ tập ngay ở một khoảng sân. Họ khóc lóc đủ kiểu. Cha của bị cáo có vẻ trực tính. Anh nói chính anh là người phát ngôn câu nói đó “Để nó tử hình cho họ hả dạ. Nó bị vậy, người không ra người mà họ còn không chịu”.
Chị vợ lúc này mới chìa cho tôi xem tờ giấy nhận tiền giữa chị và cha cô gái. Ở phiên tòa sơ thẩm, tòa tuyên bị cáo có trách nhiệm bồi thường số tiền hơn 300 triệu cho phía bị hại nhưng vợ chồng anh đều là những người làm nông, con trai mình cũng đã thương tật lên đến 77%, cũng đã phải bán nhà để lo chữa chạy cho nó nên chỉ có thể đưa cho cha cô gái 50 triệu đồng.
Đưa trước 30 triệu, hẹn không lâu sẽ giao nốt phần còn lại. Lúc giao chị có hỏi “Đưa cho chú vậy có được không? Còn ý cô thì sao?”. Đưa tiền không lâu thì vợ ông vẫn tiếp tục viết đơn kháng cáo đến lần thứ ba mới thỏa tâm nguyện.
Bà ngoại của bị cáo vừa nói vừa lấy tay lau nước mắt “Lúc đám tang, vợ chồng nó bận phải lo cho thằng nhỏ nên chỉ mình bà tới đó, cũng vẫn thắp nhang, nói câu xin lỗi. Giờ thì nói không có ai tới”.
Rồi họ nhắc về người chủ xóm trọ nơi xảy ra cái chết oan nghiệt của cô gái. Cả bị cáo và bị hại đều là đồng hương Gia Lai nhưng gặp, quen nhau và sống chung ở Sài Gòn chỉ vài tháng nên gia đình hai bên đều không biết gì về đối phương. Cớ sự xảy ra nông nỗi này, lỗi tại ai có còn là điều quan trọng khi ai nấy đều phải đau?
Người mẹ bị hại bước ra khỏi tòa, khuôn mặt không chút cảm xúc. Tôi theo hỏi :”Từ ngày con gái mất, cô có ngủ được không?”. Bà nói bà bị bệnh luôn. Tôi hạ giọng “Sao cô không tha thứ đi? Tha thứ sẽ làm mình nhẹ lòng hơn. Giờ nó sống người không ra người cũng đã đau khổ lắm rồi. Có ra tù thì cũng chẳng thể làm lại cuộc đời được nữa”. Người đàn bà lầm lũi bước tiếp không trả lời câu hỏi của tôi.
Tôi đã chẳng thể đưa máy ảnh lên để tạc một nỗi đau nào.
Bình luận (0)