Trong phiên tòa xét xử nhóm trộm cắp xe máy liên tỉnh tại Tòa án nhân dân huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai) mới đây, khi thẩm vấn lý lịch bị cáo Hoàng Trọng Chương (23 tuổi, quê tỉnh Thừa Thiên - Huế), vị chủ tọa phải hỏi nhiều lần để xác minh nhân thân và hoàn cảnh gia đình bị cáo. Đã có lúc vị chủ tọa phải dừng phiên tòa để Hội đồng xét xử hội ý do những lời khai mới của bị cáo.
Chưa biết mặt con
Theo vị chủ tọa, trong hồ sơ của cơ quan điều tra, phần lý lịch của bị cáo Chương không có thông tin về vợ con. Nhưng tại tòa, bị cáo Chương khai đã có vợ (gia đình có tổ chức đám cưới nhưng chưa đăng ký kết hôn), vợ Chương mới sinh con gái được vài tháng. Khi vị chủ tọa hỏi ngày tháng năm sinh và tên của con thì bị cáo lắc đầu và ngoái lại phía sau nhìn khắp phòng tìm vợ - một cô gái mặt còn non nớt nhưng mang dáng phụ nữ sau sinh như muốn “cầu cứu” câu trả lời.
Theo bị cáo Chương, 2 người đến với nhau khi chị H.T.N. (vợ Chương) chưa đủ tuổi thành niên nên không thể đăng ký kết hôn. Thời điểm Chương bị bắt, chị N. đang mang thai nên ngày vợ sinh con Chương không hề biết. Đến hôm nay, con được hơn 2 tháng nhưng Chương vẫn chưa biết con đã được đặt tên hay chưa.
Ngồi ôm đứa con nhỏ bên hàng ghế đặt ngoài phòng xử án, chị N. kể: “Chỉ còn mấy ngày nữa là em đủ tuổi đăng ký kết hôn. Vợ chồng đang định đưa nhau về quê chồng đăng ký kết hôn thì anh ấy bị bắt. Lúc đó em quẫn quá nên phải khăn gói về ở với mẹ”.
Hai người đàn bà cùng một nỗi đau!
Hai người đàn bà chung một nỗi đau
Trong phiên tòa hôm đó, không chỉ có chị N. vừa ôm con vừa ngóng chồng đang đứng trước vành móng ngựa. Một người phụ nữ trung niên trong bộ dạng thất thểu cũng liên tục ra vào phòng xử án để nghe ngóng diễn biến phiên tòa. Thỉnh thoảng, bà lại thay chị N. bồng đứa trẻ 2 tháng tuổi mỗi lúc bé tỉnh giấc và cất tiếng khóc thét.
Khi đứa trẻ trên tay say giấc ngủ, người phụ nữ ấy mới cho chúng tôi biết bà đến đây vừa để gặp chồng vừa gặp con rể, đều là bị cáo trong vụ án. Bà (tên H.T.A., 42 tuổi) cho biết chồng bà là bị cáo Nguyễn Thanh Tùng, còn bị cáo Hoàng Trọng Chương là con rể (Chương lấy chị N., con gái đầu với người chồng trước của bà A.).
Đôi mắt thâm quầng, bà A. nhìn đứa bé đang ngủ rồi kể tiếp: “Tôi đến với anh Tùng khi đã có 3 con. Tôi hơn anh 5 tuổi nên gia đình anh không cho qua lại. Nhưng vì mến nhau, chúng tôi quyết định chung sống mà không cần hôn thú…”.
Hiện nay ngoài 3 đứa con riêng, bà A. có với bị cáo Tùng 2 đứa con (9 tuổi và 4 tuổi). Đến dự phiên tòa, bà dắt theo 2 đứa con nhỏ để chúng được nhìn mặt cha sau những ngày xa cách.
Nói về hoàn cảnh của mình, bà A. cho biết cuộc sống khó khăn nên vợ chồng bà từ tỉnh Bình Phước đến quận 7 (TP.Hồ Chí Minh) thuê phòng trọ để đi làm công nhân. Những lúc thất nghiệp, bà đi bán vé số, còn chồng đi phụ hồ. Thời gian này, chị N. theo mẹ đi làm ăn rồi gặp Chương…
Cuộc sống trôi qua trong khó khăn, rồi bị cáo Tùng có những chuyến đi nhiều ngày mới về. Mỗi lần về nhà, bị cáo Tùng lại đưa tiền cho vợ trang trải cuộc sống. “Cứ nghĩ anh ấy đi làm thuê rồi mang tiền về cho vợ con. Nếu biết chồng làm chuyện phạm pháp, tôi đã can ngăn rồi” - bà A. nói.
Cùng tâm trạng như mẹ, chị N. kể: “Sau khi đến với nhau, vợ chồng em làm đủ thứ nghề để sống. Nhiều lần thấy chồng đi xa, nhưng em đâu ngờ anh ấy tham gia băng nhóm trộm cắp. Nếu anh ấy phải đi tù lâu, chắc em sẽ khai sinh cho con theo họ mẹ để nó có tên như mọi người”.
Chứng kiến hoàn cảnh của những người vợ, người mẹ như bà A., chị N. và những đứa trẻ còn chưa hiểu chuyện, chúng tôi lại nghĩ đến lời một vị hội thẩm ngồi ghế Hội đồng xét xử hôm đó nói: “Cuộc sống có khó khăn, nhưng nếu các bị cáo biết chọn công việc lương thiện thì đâu phải chịu cảnh như hôm nay. Các bị cáo chịu cảnh tù đày đã đành, nhưng đằng sau đó là người vợ, người mẹ và những đứa con thơ thiếu vắng sự chăm sóc của người chồng, người cha. Họ phải chịu cay đắng và khổ cực để vượt qua hoàn cảnh, các bị cáo có nghĩ đến không?”.
Lời của vị hội thẩm như nhắc nhở mọi người đừng để người thân phải chịu đựng nỗi đau từ những việc làm sai trái của mình.
Bình luận (0)