Nhìn hai bàn tay "hoa khôi" xứ Cẩm Định dài xoắn xuýt vào nhau, thật khó để tưởng tượng rằng đôi tay ấy đã từng cầm guốc để đoạt mạng một nữ sinh, cũng xinh xắn như cô...
Án mạng từ “ân oán học đường”
Bùi Thị Thu Hoài (SN 1997) là con út trong một gia đình thuần nông ở xã Cẩm Định, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương. Dù gia cảnh chả có gì sang cả, nhưng Hoài sớm nhiễm thói đua đòi, lêu lổng. Học hết lớp 9, Hoài bỏ. Bỏ là bỏ thẳng, hàng ngày cô “đánh đu” với đám bạn nhầng nhầng tóc xanh, tóc đỏ, trong đó có nhiều thành phần bất hảo. Nhờ có nhan sắc, Hoài chả khác gì thỏi nam châm “hút” đàn ông. Vây quanh “hoa khôi phố huyện” này lúc nào cũng có cả đám thanh niên sẵn sàng chiều chuộng. Thế nên tuy chữ nghĩa chả biết là bao, nhưng mấy chiêu trò ăn chơi trác táng thì Hoài rành rẽ lắm.
Đến ngay cả thầy cô, bè bạn hay chính quyền khi được hỏi, phần lớn đều thừa nhận Hoài thuộc diện có “máu mặt” ở địa phương. Dù còn ít tuổi nhưng những thành tích “bất hảo” của Hoài đã khá nhiều. Do có “số má” nên Hoài thỉnh thoảng được đàn em, hoặc người quen nhờ đứng ra dàn xếp, hoặc dằn mặt những đối tượng mà họ vô tình va chạm. Cũng chính vì một lần “nổi máu yêng hùng” ấy mà Hoài gây án.
Đó là vào ngày 14/10/2013. Mọi chuyện bắt đầu từ mâu thuẫn giữa 2 nhóm học sinh, nhóm của Vũ Thị Yến và nhóm của Đào Thị Linh (SN 1999, học sinh lớp 9, trường THCS Cẩm Vũ, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương). Đầu giờ chiều ngày 14/10/2013, nhóm của Yến đã rủ nhóm của Đào Thị Linh ra cổng đền Bia (xã Cẩm Văn, huyện Cẩm Giàng) nói chuyện. Tất thảy có khoảng hơn 20 người. Để dằn mặt đối phương nên Yến cùng với bạn mình là Dịu có nhờ Hoài tham gia can thiệp. Khi đó, Hoài không biết Linh là ai.
Nhìn thấy Hoài, nhóm của Linh kinh hãi. Khi đó, Hoài bảo: “Đứa nào là con Linh?”. Linh ra trả lời: “Em đây”. Hoài hỏi: “Sao mày đánh em tao?”. Linh bảo: “Em có đánh đâu”. Hoài xông vào tát Linh hai cái vào đầu và mặt, rồi túm tóc đá Linh. Trong quá trình đuổi theo Linh, Hoài đi guốc nên guốc bị tuột ra. Hoài túm cổ áo Linh giúi xuống trước mặt. Linh không dám chống cự, chỉ ôm mặt khóc. Yến nhặt 2 chiếc guốc của Hoài lên cầm. Sau đó, Hoài bảo Yến đưa cho Hoài một cái, rồi cô cầm guốc đập vào lưng sau đó đập vào gáy Linh.
Khi thấy Linh gục xuống, Hoài bảo: “Nó bị trúng gió rồi”. Sau đó Hoài có làm động tác sơ cứu cho Linh. Thấy Linh không tỉnh, Hoài cùng một số bạn của Linh đưa Linh đến Bệnh viện Đa khoa huyện Cẩm Giàng, rồi chuyển lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hải Dương cấp cứu. Nhưng do vết thương nặng, nạn nhân Đào Thị Linh đã tử vong vào lúc 17 giờ cùng ngày.
Ngay sau đó, Hoài bị bắt. Trước cơ quan công an, Hoài vẫn cố tình vòng vo, không chịu khai nhận hành vi phạm tội. Cô ta nại ra rằng chỉ vô tình đi ngang qua, thấy nạn nhân bị ngất nên đưa đi cấp cứu. Phải đến khi các cán bộ điều tra dùng đến nhiều biện pháp nghiệp vụ cùng với việc lấy lời khai của nhóm học sinh chứng kiến vụ việc, Hoài mới cúi đầu nhận tội.
Nhìn tuổi trẻ trôi qua sau song sắt
Hoài bảo, những ngày đầu mới bị bắt là quãng thời gian cô bị suy sụp nhiều nhất. Đêm nào cô cũng khóc, khóc vì lo sợ, vì ân hận. Có những lúc, Hoài tưởng chừng như mình không thể vượt qua. Thậm chí, mấy lần cô còn định tìm đến cái chết để quên đi tất cả. Nhưng chợt nghĩ đến mẹ, Hoài lại cố gắng sống. Bởi cô biết, dù có chết đi, cô cũng chỉ để giải thoát cho mình, nhưng còn mẹ, còn bố, còn anh trai, còn tương lai phía trước? Những suy nghĩ ấy hành hạ suốt nhiều đêm liền khiến cô không tài nào chợp mắt, vừa day dứt, vừa lo lắng. Cô lo không biết bản án dành cho mình sẽ như thế nào, tương lai rồi sẽ ra sao. Và trong những “đêm trắng” ở trại tạm giam ấy, Hoài cũng tự “ước lượng” được cái giá mà mình phải trả.
Dù đã có sự chuẩn bị về tâm lý như thế nhưng ngày bị đưa ra xét xử, khi nghe HĐXX tuyên phạt 9 năm tù, Hoài vẫn không thể nào đứng vững. Hai bàn tay cô run rẩy bám vào vành móng ngựa. Có lẽ, chính Hoài cũng không ngờ rằng, chỉ vì những phút giây bồng bột của mình mà dẫn đến bi kịch. Một nữ sinh vô tội phải chết, còn Hoài phải nhìn tuổi trẻ của mình trôi qua sau song sắt. Tội ác đã phải trả giá bằng một bản án nghiêm minh, nhưng với những người thân của Hoài và gia đình nạn nhân lại là một nỗi đau dai dẳng.
Bố mẹ Hoài, những người nông dân thuần túy, chân chất hạt bột, cả đời lành lẽ sau lũy tre làng, kể từ khi đứa con mình dứt ruột đẻ ra gây thảm án, ông bà như người chết đi sống lại. Suốt nhiều ngày nhiều tháng, hai vợ chồng cơm cũng chẳng buồn ăn, đến có công việc gì phải bước ra đường cũng ngại. Bởi gia đình ông cũng như gia đình nạn nhân, tất thảy đều là những người dân thật thà, chất phác, sống cách nhau chỉ mấy quãng đồng. Người quê xem trọng chữ tình, ấy vậy mà con gái ông, chỉ vì cạn nghĩ mà lỡ tay gây án, đẩy cả gia đình người ta vào bể khổ.
Nỗi đau của những bậc sinh thành là vậy, nhưng còn đối với gia đình, bố mẹ nữ sinh Đào Thị Linh, nỗi đau còn lớn gấp bội phần. Chỉ tiếc rằng, trước khi xuống tay hành động, Hoài đã không chịu dừng lại một giây để soi xét, nghĩ suy về trách nhiệm của người con, thì có lẽ vụ án đau lòng đã không xảy ra, một nữ sinh vô tội không bị biến thành người thiên cổ.
Khi theo dõi từ đầu đến cuối vụ án này, rất nhiều người đã không cầm được nước mắt. Họ tiếc xót cho những cô gái mới vừa bước vào lứa tuổi đẹp nhất đời người. Chỉ vì những mâu thuẫn nhỏ nhoi cộng với sự bồng bột mà những con người ấy tự đẩy mình và người thân vào bi kịch. Và cũng có rất nhiều câu nói giá như đằng sau vụ án đẫm nước mắt này. Giá như các bậc phụ huynh quan tâm, chăm chút đến con cái mình hơn; giá như nhà trường với chính quyền địa phương có hành động, biện pháp kịp thời trong việc ngăn chặn, giải quyết triệt để những “ân oán” học đường, thì sự việc đâu đến nỗi? Âu rằng, đây sẽ là bài học cho tất cả mọi người.
Tình mẫu tử khơi khát vọng hoàn lương
Giờ đây, khi đã yên vị ở trại giam, đối diện với bản án của pháp luật cũng như bản án lương tâm, Hoài thấy thấm thía cái giá phải trả cho tội ác của mình đã gây ra. Nhiều đêm cô tỉnh giấc, toàn thân vã mồ hôi khi hình ảnh nạn nhân khóc lóc, van xin, kêu gào cứ hiện về ám ảnh. Trong giai đoạn khó khăn đó, Hoài đã nhận được sự quan tâm, gần gũi, an ủi động viên của các cán bộ trại giam. Chính họ đã dạy cô lẽ sống, tình yêu thương và nhân cách làm người, giúp cô đủ vững tin để rũ bỏ quá khứ tội lỗi, quyết tâm đứng dậy làm lại cuộc đời.
Những lá thư của gia đình là nguồn động viên rất lớn đối với Hoài
“Thời gian đầu mới vào trại, vẫn có nhiều lúc em muốn tự chấm dứt cuộc đời mình, để giải thoát. Thế nhưng cũng may nhờ nhận được rất nhiều lời động viên, chia sẻ của cán bộ trại giam cũng như sự cảm thông từ các anh chị và bạn cùng phòng, cùng tổ lao động, em đã dần bình tâm lại, bớt hoảng loạn, hẫng hụt, trầm cảm, yên tâm cải tạo. Dần dần em cũng đã học được cách chấp nhận số phận mình”, Hoài tâm sự.
Đồng thời, Ban giám thị Trại giam cũng tạo điều kiện cho Hoài cũng như những phạm nhân khác thường xuyên tham gia các phong trào văn hóa, văn nghệ. Điều đó đã khích lệ tinh thần, tạo sự hứng khởi, hăng say trong lao động, giúp những con người một thời lầm lỗi như Hoài xóa bỏ đi mặc cảm rất nhiều, giúp họ nhận thấy rằng, cuộc đời không hề khép lại.
Hoài bảo, cô đang tập đếm ngược thời gian. Dù rằng, cái án 9 năm là một khoảng mênh mông của chuỗi ngày dài vô định, nhưng cô biết, chỉ có cách giữ lòng yên bình, cải tạo thật tốt, những quyển lịch tháng năm dày cộp mới mau chóng được lật qua, cô mới sớm trở về với mẹ. Nhắc đến mẹ, Hoài khóc rất nhiều. Cô lo sợ, mẹ cô tuổi mỗi ngày mỗi cao, lại cộng thêm hay ốm đau bệnh tật, không gắng gượng được để chờ ngày con gái trở về. Sức lực của người đàn bà khổ đau ấy đã gặn chắt từng giọt để nuôi lớn cô, rồi lại phải đau đớn nhìn cô phạm tội. Bà đã cùng kiệt lắm rồi, lay lắt như ngọn đèn trước gió.
Hoài bảo, tòa tuyên mức án 9 năm tù là đã giúp cô có cơ hội làm lại cuộc đời, có cơ hội để sửa chữa những lỗi lầm đã gây ra. Cô sẽ nâng niu, trân quý cơ hội ấy bằng cách cố gắng phấn đấu cải tạo thật tốt. Để một ngày nào đó, cô được trở về bên người mẹ đang mỏi mắt chờ con.
Bình luận (0)