Ngày 27-6, hơn 1 triệu thí sinh trên cả nước đã hoàn thành ngày đầu kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024 với 2 môn ngữ văn (120 phút) và toán (90 phút).
Đề toán khó "nhằn"
Thầy Lâm Vũ Công Chính, giáo viên (GV) toán Trường THPT Nguyễn Du (quận 10, TP HCM), nhận xét đề thi môn toán năm nay có sự phân hóa cao nhưng vẫn phù hợp với mục tiêu đánh giá tốt nghiệp THPT. Trong đó, câu 1 đến 35 ở mức độ nhận biết, thông hiểu nên học sinh (HS) trung bình, khá có thể làm tốt. Các câu từ 36 đến 40 ở mức độ vận dụng nên đòi hỏi các em phải nắm vững kiến thức và có tư duy phân tích, tổng hợp.
Cũng theo thầy Chính, đề thi chỉ có 2 câu liên quan hình nón và hình trụ ở mức độ nhận biết, thông hiểu bởi có thể do kiến thức này không nằm trong Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 áp dụng vào năm học tới. Nhìn chung, đề thi môn toán tốt nghiệp THPT năm nay khó hơn đề minh họa. Dự đoán phổ điểm môn toán năm nay dao động ở 6,5 - 7 điểm.
Thầy Lê Minh Huy, GV Trường THPT Nguyễn Hiền (quận 11, TP HCM), cho hay đề thi có 5 câu ở mức độ vận dụng cao, trải đều ở các chương. Đề thi năm nay nhỉnh hơn năm ngoái về độ khó nên chỉ những em thật sự giỏi mới làm được nhóm câu ở mức độ vận dụng cao. "Với mức độ phân hóa cao, đa số điểm sẽ tập trung ở mức 6-7 và ít bài thi trên 9 điểm hơn năm ngoái" - thầy Huy dự đoán.
Phân tích cụ thể mã đề 121, thầy Nguyễn Công Chính, GV trang học trực tuyến tuyensinh247.com, nhận định dù đề có cấu trúc tương đồng đề thi năm 2023 song từ câu 40 trở đi, các dạng câu hỏi có nhiều sự mới lạ và phức tạp. "Đề thi năm nay đáp ứng được cả 2 mục tiêu là xét tuyển tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH. Độ khó và tính phân loại gần "ngang ngửa" so với đề thi "mang tính lịch sử" năm 2018. Để được điểm cao, thí sinh cần có tư duy linh hoạt, nắm chắc kiến thức, thành thạo nhiều dạng bài, luyện đề nhiều và không thể ôn tủ, ôn lệch" - thầy Chính nói.
Thầy Chính chỉ rõ ngoài 38 câu đầu có thể giải nhanh chóng, dễ dàng, các câu 39, 40, 41, 42, 44 và 46 là mức độ khá và quen thuộc; các câu 43, 45, 47, 48, 49 và 50 chưa gặp nhiều trong các đề thi thử. Với hầu hết câu đều chống bấm máy tính Casio và khó có thể khoanh "lụi" cầu may, HS khá có thể đạt 7-8 điểm, HS thực sự xuất sắc mới có thể đạt 9-10 điểm và dự kiến số điểm 10 không nhiều.
Nhiều thí sinh cũng nhận xét đề thi môn toán năm nay khó, đặc biệt là 10 câu cuối. "Những câu cuối mang tính phân loại thí sinh, khá khó so với em nên em không chắc mình có làm đúng" - em Nguyễn Phương Lan, điểm thi Trường THPT Yên Hòa (TP Hà Nội), cho biết.
Đề văn dễ kiếm điểm
Trong khi đề thi môn toán được đánh giá là khó với nhiều câu hay, mới lạ thì đề thi môn văn không khó và không đột phá.
Thầy Đỗ Đức Anh, GV Trường THPT Bùi Thị Xuân (quận 1, TP HCM), nhận xét phần đọc - hiểu sử dụng ngữ liệu từ bài viết "Dòng sông và những thế hệ của nước" của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều có độ dài vừa phải; diễn đạt dễ hiểu; nội dung đặt ra hay, có tính khơi gợi và có giá trị thẩm mỹ, giá trị giáo dục. Các câu hỏi của phần này tương đối dễ, HS dễ đạt điểm tuyệt đối nếu làm bài kỹ lưỡng. Trong đó, câu 1 và câu 2 là câu "chống liệt", rất dễ có điểm. Với câu 3 và 4, thí sinh phải hiểu vấn đề thì mới nêu được tác dụng của việc liên tưởng so sánh dòng chảy của con sông với lịch sử của sự sáng tạo nghệ thuật và rút ra bài học về lối sống cho bản thân. "Các câu hỏi không bị cũ kỹ, không thiên về kiểm tra kiến thức tiếng Việt và ngữ pháp như mọi năm. Câu số 4 có độ mở, cho thí sinh có cơ hội được nói lên suy nghĩ riêng" - thầy Anh nhận định.
Về câu nghị luận xã hội với yêu cầu viết đoạn văn bàn về ý nghĩa của việc tôn trọng cá tính, thầy Đức Anh cho rằng vấn đề đặt ra thú vị, vừa phải với thí sinh, phù hợp tâm lý lứa tuổi mới lớn đang muốn khẳng định mình. Vấn đề cũng có tính giáo dục cao, khá gần gũi và dễ hiểu. Những thí sinh có kỹ năng viết đoạn văn nghị luận xã hội sẽ dễ dàng xử lý tốt câu này trong thời gian ngắn vì vấn đề đặt ra không khó, dễ tìm ý.
Câu làm văn "gọi tên" tác phẩm "Đất nước" của Nguyễn Khoa Điềm - tác phẩm có tần suất xuất hiện nhiều nhất trong vòng 10 năm qua (4 lần). Đoạn thơ không quá dài nhưng gợi mở nhiều vấn đề, luận điểm, nhiều ý cần phân tích nên đòi hỏi thí sinh phải biết xử lý đề, có kỹ năng làm bài mới kịp thời gian. Ngoài yêu cầu chính là phân tích đoạn thơ, đề còn một yêu cầu phụ để phân loại thí sinh là nhận xét về sự kết hợp giữa cảm xúc và suy tư của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm. Đây là phong cách thơ rất đặc trưng của Nguyễn Khoa Điềm nhưng có lẽ sẽ khiến nhiều thí sinh lúng túng.
Thầy Lê Duy Tân, GV ngữ văn Trường THPT Gia Định (quận Bình Thạnh, TP HCM), nhận xét ngữ liệu phần đọc - hiểu giàu hình ảnh, nhiều sức khơi gợi; câu hỏi vừa sức, có tính phân hóa. Câu nghị luận xã hội nêu vấn đề gần gũi với HS, có khả năng tạo nhiều hứng thú cho người viết. Còn ở phần làm văn, đề bài hay và giàu ý nghĩa song hơi dài; với các em khá, giỏi để có thể phân tích hết nội dung và gây khó khăn cho những bạn có kỹ năng chưa tốt. "Đây là đề thi thú vị và nếu nhìn kỹ sẽ thấy có một mạch ngầm xuyên suốt đề thi" - thầy Tân nhìn nhận.
Cô Nguyễn Thị Quỳnh Anh, GV ngữ văn tại tuyensinh247.com, dự đoán HS trung bình có thể đạt 5-6 điểm môn văn, HS khá có khả năng đạt 7 điểm và mức 8,5 dành cho HS giỏi.
Quan tâm phần nghị luận xã hội với yêu cầu viết một đoạn văn trình bày suy nghĩ của HS về ý nghĩa của sự tôn trọng cá tính, TS Trịnh Thu Tuyết, GV ngữ văn hệ thống giáo dục Hocmai.vn, cho rằng câu hỏi không mới nhưng khá thiết thực đối với lứa tuổi chuẩn bị bước vào ngưỡng cửa mới mẻ của cuộc sống, nơi các em phải thể hiện năng lực và bản lĩnh cá nhân, thể hiện cá tính trong hành trình tới thành công.
10 thí sinh vi phạm quy chế
Theo báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), tổng số thí sinh đăng ký dự thi môn toán năm nay là 1.050.224, tổng số thí sinh dự thi là 1.046.156 em. Có 3 thí sinh vi phạm quy chế trong buổi thi môn toán, trong đó 2 em bị đình chỉ, 1 em bị kỷ luật khiển trách.
Ở môn thi ngữ văn, tổng số thí sinh đăng ký dự thi là 1.054.601 em, tổng số thí sinh dự thi là 1.050.622 em. Có 7 thí sinh vi phạm quy chế, trong đó 3 thí sinh mang tài liệu và 4 thí sinh sử dụng điện thoại di động.
Liên quan đến thông tin thí sinh "trúng tủ" đề ngữ văn, Bộ GD-ĐT khẳng định đề thi được ra đúng với cấu trúc, định dạng đã công bố, có sự phân phối hợp lý giữa phần thơ và phần văn. Do số lượng tác phẩm văn học trong chương trình hiện hành và phạm vi ra đề là có giới hạn nên việc suy đoán đúng tên tác phẩm, tác giả được đề cập trong đề thi là ngẫu nhiên và có thể xảy ra.
Ban chỉ đạo cấp quốc gia Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024 cũng khẳng định đề thi môn ngữ văn đã được bảo mật tuyệt đối.
Y.Anh
Che dù, cõng thí sinh vào phòng thi
Trong buổi thi chiều 27-6, tại điểm thi Trường THPT Nguyễn Trãi (quận 4, TP HCM) có một thí sinh bị gãy chân. Em Phạm Văn Phước, sinh viên Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, đã cõng thí sinh này từ cổng trường vào bên trong khu vực thi...
Tại điểm thi Trường THPT Lê Quý Đôn (quận 3, TP HCM), em Mộng Quỳnh, sinh viên Trường ĐH Ngoại ngữ - Tin học TP HCM, cho biết đây là năm thứ 2 tham gia chương trình Tiếp sức mùa thi. Ngoài tặng quà, bánh, bút, nước suối..., các tình nguyện viên còn chuẩn bị sẵn dù và áo mưa phòng trường hợp thời tiết xấu, túc trực tại điểm thi để hỗ trợ thí sinh và phụ huynh khi có sự cố bất ngờ xảy ra.
Cũng tại điểm thi này, một phụ huynh hớt hải chạy vào điểm thi trước khi trường đóng cổng để tìm con. Bà cho biết sau khi kết thúc môn thi ngữ văn vào buổi sáng, bà đưa con đến nghỉ ngơi ở một thư viện gần điểm thi rồi quay về nhà. Tuy nhiên, đến gần giờ thi môn thứ 2 vẫn không liên lạc được con gái trong khi trời đổ mưa to khiến bà rất lo lắng. Ngay lập tức, sinh viên tình nguyện có mặt tại điểm thi hỗ trợ bà Lợi kiểm tra danh sách các thí sinh, rất may con gái đã có mặt ở phòng thi đúng giờ.
Nhiều tình nguyện viên ở nhiều điểm thi thay phiên nhau che dù đưa thí sinh vào phòng thi trong buổi thi thứ hai khi TP HCM đổ mưa.
Kết thúc ngày thi đầu tiên, đa số thí sinh đều cảm thấy khá hài lòng với phần làm bài của mình. Em Thanh Ngân, Trường THPT Lê Quý Đôn (quận 3, TP HCM) cho biết đề thi môn ngữ văn "dễ thở", môn toán có 10 câu cuối khá khó. "Đề toán có 1 câu mà nếu giải ra sẽ dài hơn 1 trang A4 nên em chọn không làm, để dành thời gian trả lời và kiểm tra những câu khác. Với đề thi năm nay, em tự tin đạt trên 7 điểm" - Ngân cho biết.
Tại điểm thi Trường THPT Hùng Vương (quận 5, TP HCM), đưa con đi thi tốt nghiệp THPT, bà Nguyễn Thị Hường (quận 8) cho biết rất hồi hộp và lo lắng không khác gì thí sinh. "4 giờ sáng, tôi dậy nấu ăn thì đã thấy con học bài rồi. Nhìn con lo lắng, tôi cũng xót lắm nhưng phải cố gắng động viên con" - bà Hường tâm sự.
Là thí sinh đầu tiên ra khỏi điểm thi Trường THPT Trần Khai Nguyên, em Ngọc Hân nhận nhiều tràng pháo tay chúc mừng từ các phụ huynh đang đứng chờ con làm bài thi. Hân cho biết mình tự tin làm được 90% đề thi môn ngữ văn, hoàn thành bài thi sớm hơn 5 phút. "Phần đọc hiểu em làm trong khoảng 20 phút, thời gian còn lại dành cho phần nghị luận xã hội và làm văn. Với em, đề thi môn ngữ văn không khó, nhờ vậy tâm lý của em cũng thoải mái" - Hân nói.
Huế Xuân
Bình luận (0)