Mùa lấy mật ong rừng ở Tây Bắc kéo dài từ tháng 2 đến tháng 5 (âm lịch) hàng năm. Quãng thời gian này, anh Bùi Duy Nhất (Núa Ngam, Điện Biên) lại lặn lội vào rừng để mưu sinh. Dao nhỏ, hương, xà beng..., là những vật dụng của thợ săn mật ong.
"Tôi đi ong từ năm 1993, nhiều lần gặp nguy hiểm vì leo trèo vách đá, cây cao giữa rừng và bị ong đốt, nhưng vẫn đam mê với nghề. Làm công việc này hơn 20 năm qua, tôi luôn ý thức khai thác mật nhưng không tận diệt đàn ong", anh Nhất chia sẻ.
Khi phát hiện tổ ong nằm trong đá hay trên cây, người thợ phải quan sát kỹ và suy nghĩ tìm cách tiếp cận, khai thác.
Thợ ong đốt hương tạo khói để xua đuổi đàn ong khi lấy mật.
Để tách đàn ong bay ra khỏi sáp, người thợ dùng tay đưa từng mảng ong ra ngoài và gom chúng vào trong chiếc nón. "Đây là công đoạn nguy hiểm nhất bởi lúc này ong mất tổ, người bắt ong có thể bị cả tổ lao vào đốt", anh Nhất nói.
Người thợ nhìn những mảng sáp vàng óng để đánh giá lượng mật; tổ nhiều mật thì khai thác luôn; tổ mới làm, ít mật sẽ để dành khai thác sau.
Những hôm gặp may, lấy được nhiều mật, mỗi người thợ có thể kiếm tiền triệu từ 3-4 kg mật.
Nhiều lần anh Nhất bị ong đốt phải vào viện truyền nước để thải hết chất độc ra ngoài.
"Tôi đã thử đưa cả tổ ong rừng về nhà nuôi nhưng ong không ở mà bỏ đi hết chỉ sau vài ngày", anh Nhất chia sẻ.
Tổ ong ruồi có giá cao hơn những loài ong khác, bởi loại này thơm ngon và khó làm giả.
Bên cạnh trực tiếp đi rừng lấy mật, anh Nhất còn thu mua từ người dân địa phương.
Bình luận (0)