Trong giới chơi sinh vật cảnh, vương điểu chiếm vị trí độc tôn. Nuôi vương điểu không còn là thú vui thuần túy mà trở thành kỹ nghệ, lắm công phu, lắm chuyện ly kỳ, lý thú vô cùng.
Công phu họa mi
Ở miền Bắc bây giờ, thú chơi họa mi đã phủ gần như khắp các tỉnh thành. Từ Phú Thọ, Tuyên Quang, Lào Cai, Lai Châu đến Bắc Ninh, Bắc Giang, Thái Nguyên, Thái Bình, Nam Định… Mỗi tỉnh thành đều có ít nhất một câu lạc bộ chim họa mi - nơi tập hợp thú đam mê bất tận với loài vương điểu.
CLB họa mi Bắc Ninh
Thậm chí, đến từng huyện, từng xã, từng làng cũng có những câu lạc bộ họa mi. Tất nhiên là ở qui mô nhỏ. Mặc dù vậy, những cuộc thi thố, những bí kíp đào tạo họa mi trở thành vương điểu, những cuộc săn lùng dần dà trở thành phong trào rộng khắp miền Bắc.
Tương truyền rằng, xưa vua Lý Thái Tổ từng nuôi họa mi trong hoàng cung, lăng tẩm. Lúc đầu nuôi chỉ với mục đích để nghe tiếng hót, dần dà ngài đã phát hiện ra những miếng võ điệu nghệ của loài chim này và cho tổ chức các cuộc thi họa mi chọi, lưu truyền đến tận ngày nay.
Thời nay, giới chơi sinh vật cảnh sành sỏi đánh giá, trong số các loài chim, họa mi không chỉ được ví là “nghệ sĩ của rừng xanh” bởi giọng hót lanh lảnh, luyến láy, lên bổng xuống trầm như tiếng suối reo, tiếng gió thổi vi vu mà còn là những đấu sĩ không khoan nhượng khi lâm trận.
Chính vì lẽ ấy, chơi họa mi được phân chia thành hai phái: Phái họa mi hót và phái họa mi chọi. Mỗi trường phái có những đặc trưng riêng. Người phái chim hót đề cao sự thanh tao, nho nhã, người phái chim chọi lại thích sự dũng mãnh, quật cường.
CLB chim họa mi Bắc Ninh chỉ mới thành lập một vài năm, nhưng nhiều thành viên ở đây đã “ăn ngủ” với họa mi cả nửa thế kỷ nay rồi.
Chủ tịch CLB, Phạm Đông, một người chưa già nhưng cũng đủ “tuổi chim” để tiết lộ những câu chuyện, những bí kíp mà tôi đã chia sẻ ở trên. Để tường tận, Đông dẫn tôi theo những cao nhân trong CLB cùng tham gia một buổi dãi dượt của những người luyện mi hót.
Những cao nhân luyện họa mi hót trong CLB họa mi Bắc Ninh đủ thành phần, đủ độ tuổi. Trẻ như Chiến, như Sơn, già như cụ Bá, cụ Thành… Cũng có người là công chức, có anh thợ sửa xe máy, có kẻ làm ruộng đơn thuần…
Họ tề tựu vì đam mê và để học hỏi, trao đổi lẫn nhau. Mỗi tuần ba buổi. Khi ở sân đình, lúc ngoài khoảnh ruộng, tấm áo thường nhật được cởi bỏ, chỉ còn duy nhất niềm đam mê với họa mi. Các cụ xưa vẫn bảo “nuôi cá dưỡng tâm, nuôi chim dưỡng chí, nuôi cây dưỡng thần”.
Tôi đã chứng kiến nhiều người say mê nhiều thứ, nhưng với những người chơi họa mi, niềm say mê của họ không chỉ mãnh liệt mà còn nhẫn nại, chung thủy vô cùng.
Khác với những chích chòe, vành khuyên, vương điểu họa mi là loài cực nhát. Những chú chim được tuyển chọn từ khắp những cánh rừng trong nước, thậm chí cả những cánh rừng bên Trung Quốc được gọi là chim bổi, chim mộc.
Khi chủ nhân có được chú bổi ưng ý rồi phải mất hàng năm trời chăm bẵm, thuần hóa riêng biệt rồi mới đến công đoạn luyện tiếng hót. Trong tuần lễ đầu tiên, chim phải nhốt trong lồng tối, tuyệt đối không được cho nhìn thấy mặt người, cũng không được đặt cạnh những loài chim khác.
Thức ăn cũng phải lùng những thứ tự nhiên như dế, cào cào. Qua từng ngày, từng tháng, lồng được hé dần ra để vương điểu làm quen với môi trường xung quanh, một năm sau có thể tham gia các buổi dãi dượt để luyện thanh. Tại những buổi dãi dượt như thế này, những chú chim họa mi tiếp tục được bọc kín, chỉ đến lúc nào tụ họp đầy đủ mới tháo từng lớp vải cho nhìn mặt nhau.
Dãi dượt cho vương điểu
Sau những tiếng xùy xùy phát động từ họa mi mái, vương điểu trong các chiếc lồng được xếp san sát nhau chừng 20cm một tạo thành dàn đồng ca thánh thót.
Những người chơi họa mi chỉ cần nghe chim mình mở miệng là đã biết quá trình luyện tập đến giai đoạn nào. Thành tựu để họa mi trở thành độc tôn trong thế giới các loài chi hót chính là khả năng không chỉ hót được tất cả các loại giọng của những loài chim khác mà còn bắt chước y hệt tiếng mèo kêu, chó sủa, tiếng gà mái cục tác hay tiếng gà trống cất tiếng gáy những buổi sớm mai… Chính vì thế, đẳng cấp của người chơi họa mi được thể hiện qua kỹ năng luyện tập cho vương điểu.
Công phu không kém mi hót, kỹ nghệ luyện mi chọi cũng lắm gian nan. Để có được một con chim “máu chiến”, người chơi phải tuyển lựa từ khi chim còn non, phải trông tướng chim, bao gồm cả năm yếu tố là mỏ, mắt, đầu, chân, cánh.
Họa mi có loại mắt màu xanh, màu đỏ, màu vàng nhạt và màu đục như nước vo gạo nhưng loại dữ nhất là loại có con mắt màu xanh, mỏ vàng quặp như búp đa, lông cánh đan thật khít, lông đuôi dây, nặng, chúc xuống như cái thìa.
Rồi đến việc phải luyện cho con chim dù nhốt lồng nào, mang đi đâu cũng vẫn sung thì phải làm sao cho nó coi cái lồng mới, nơi treo mới nào cũng như là ngôi nhà của nó chứ không phải chỗ ở trọ. Chuyện coi thần sắc con chim (kể cả xem kỹ phân chim) để biết lúc nào thì nó sẵn sàng cho thi đấu.
Mê chim hơn mê vợ
Sau hàng chục buổi dãi dượt, những vương điểu xuất sắc nhất được lựa chọn tham dự các hội thi, tranh tài với hàng trăm họa mi khác ở khắp các vùng miền.
Tại những cuộc thi ấy, vương điểu đích thực lên ngôi với khả năng hót hay nhất, hót khỏe nhất và được đánh giá đẳng cấp nhất các tỉnh thành trong cả nước. Thông thường các cuộc thi diễn ra nhiều vòng, tùy vào số lượng lồng tham gia.
Vòng thứ nhất chấm về thái độ thi chim; vòng thứ 2 đến vòng thứ 6 chấm về các tiêu chí hót khỏe, hành dáng, chân, móng long họa mi phải đẹp.
Đặc biệt, vòng thứ 7, chú chim nào hót lâu nhất trong vòng 15 phút sẽ giành chiến thắng. Những vương điểu từ chỗ vô danh, lên ngôi trong các cuộc thi có khi giá trị cả trăm triệu đồng.
Mùa lễ hội đầu năm, những hội thi chim họa mi diễn ra khắp nơi, liên tục. Hàng chục, hàng trăm hội thi, hội nào cũng căng thẳng, kịch tính không kém bất cứ môn thi đấu nào khác. Và nghề luyện họa mi trở thành kỹ nghệ công phu còn người luyện họa mi được phong hẳn lên bậc nghệ nhân.
Mới đây nhất, giữa tháng Tư này, Hội thi Tiếng hót chim họa mi Vác chào mừng Lễ hội truyền thống làng Canh Hoạch (xã Dân Hòa, huyện Thanh Oai, TP Hà Nội) quy tụ 240 lồng họa mi từ khắp các câu lạc bộ họa mi trên toàn quốc.
Khỏi phải nói hết mức độ hoành tráng của lễ hội ở ngôi làng nức tiếng bởi nghề làm lồng chim. Đó đích thực là dịp quần hùng hội tụ.
Những vương điểu nổi tiếng khắp đất nước tập trung, trải qua 7 vòng đấu nẩy lửa chỉ để tìm ra một vương điểu duy nhất mà thôi.
Ông Nguyễn Văn Thành, Chủ nhiệm CLB họa mi Vác nói: Trận nào cũng căng thẳng, vòng nào cũng thót tim, gây cấn cả. Sự thắng bại của chim năm phần là do ở người nuôi, vì vậy nếu không đam mê, không chịu khó thì sự thất bại của chim cũng được xem như sự thất bại của chính người nuôi vậy.
Giới mi chọi vẫn truyền tụng những giai thoại về những cuộc tỉ thí kinh điển khắp miền Bắc, khắp các hội thi họa mi của “vua mi chọi” Triệu Hồng Tắc mạn Lào Cai, của những nghệ nhân mạn Kinh Bắc hay Hà Nội…
Trong những cuộc tỉ thí ấy, chuyện anh hùng nào cũng sẽ kém phần thì vị nếu thiếu mỹ nhân và loài vương điểu không thể là ngoại lệ.
Thi tài tìm vương điểu
Trong những cuộc chiến của loài họa mi, chỉ có hai lí do để giải thích: Một là bảo vệ con mái, hai là bảo vệ lãnh địa. Loài họa mi sống theo từng cặp mà giới chơi sinh vật cảnh gọi là độc thung. Chúng thường dùng tiếng hót hoặc các thế võ để chiến đấu bảo vệ lãnh thổ, bảo vệ con mái của mình.
Tương truyền rằng, sau cuộc chiến, loài họa mi thắng cuộc cất tiếng hót vang, còn bên thua cuộc xé toang cổ họng mà chết, quả hết sức bi hùng. Và cũng chính thế nên khi luyện họa mi trở thành vương điểu, những con họa mi mái chiếm vai trò quan trọng bậc nhất, bài học nhập môn của giới chơi họa mi phải rõ điều này.
Dù không phải là ngày dãi dượt, nhưng để giúp đỡ tôi, nghệ nhân Lê Đức Vinh, Phó Chủ tịch CLB họa mi đền Hai Bà Trưng tổ chức một cuộc thư hùng nho nhỏ. Hai lồng chim để đối diện nhau cách ngăn bởi khoảng không ở giữa. Tất nhiên hai cô chim mái được đặt phía sau cũng đã sẵn sàng.
Khi những tấm vải che được hé mở, hai vương điểu lao vào cuộc chiến. Những cú mổ, cú quắp móng, đá cựa đập cánh, đều là những tuyệt chiêu được thi triển. Cam go, căn thẳng, quyết liệt không khác gì những cuộc chiến sinh tử. Và đó chính là chất gây mê của họa mi của những người như ông Vinh.
Cái sự say mê với họa mi của ông Vinh được đúc kết trong câu nói của bà vợ khi tôi đến tìm: Vợ con đau ốm có khi còn chần chừ, chứ chỉ cần chim hơi xù lông, hoặc phân hơi lỏng tí là ông ấy đã cuống cuồng lên rồi chú ạ. Đáp lời vợ, ông Vinh cười tủm tỉm: Cái thú chơi này, ngoài đầu tư thời gian, công sức, tiền bạc còn phải thuyết phục được người thân. Cũng giống như loài họa mi luôn có hậu phương phía sau ấy. Lắm ông đưa chim đi thi được giải cao, BTC tặng thưởng bộ cóng hàng chục triệu về không dám khai với vợ vì sợ chửi.
Dã sử cũng kể, khi Lý Thường Kiệt đem quân dẹp loạn Nùng Tôn Hức ở Cao Bằng, con trai phiến loạn là Nùng Trí Cao không phục, tiếp tục dấy loạn. Tôn Đản lên đánh bắt được Trí Cao, thấy thần khí bạo liệt dạng Mạnh Hoạch bèn tâu vua dùng đức để trị, gả công chúa, cho trấn ải biên thùy. Ngày ấy, đất Thăng Long mới chỉ biết đến đàn ca, sáo nhị, chọi gà, đá dế, thả bồ câu... mà chưa ai biết đến họa mi chiến. Nhân dịp Tết Nguyên tiêu, Nùng Trí Cao tiến vua một đôi chim và giải trình cặn kẽ thú chơi của người vùng cao khi có hội, lúc đến chợ phiên. Từ cung đình đến phủ huyện phụ cận miền xuôi, họa mi chiến trở thành thú chơi không thể thiếu mỗi hội xuân về.
“Với chim họa mi chọi, tướng quý nhất là ngũ trường. Tức là mình, chân, mỏ, đuôi, cổ chim đều dài. Chim này khi vào trận đấu tạo dáng rất đẹp. Tướng quý thứ hai là ngũ đoản. Tướng này ngược với ngũ trường, cái gì cũng ngắn. Ngoài ra còn có dáng củ đậu. Người tinh nhìn từ móng, mỏ, màu lông, dáng dấp … sẽ đánh giá được con chim hay. Móng chim chọi phải là móng mèo ngắn vừa phải, nhọn, sắc, khi khóa đối thủ vào thế không cựa được. Mỏ chim to, nhọn. Cẳng chân chim lóng đều, to, màu trắng hoặc vàng, rắn rỏi. Lông chim mỏng là chim khỏe. Đầu chim có các kiểu đầu xà, đầu hoa cúc, trái táo. Trong đó, chim họa mi đầu xà, mắt xanh bướng nhất. Đặc biệt, dân chọi rất thích họa mi ở các vùng Yên Bái, Lạng Sơn, Cao Bằng, Lào Cai, Nghệ An. Vì những vùng này thời tiết khắc nghiệt nên chim cũng có nhiều đặc tính quý. Như chim họa mi ở vùng núi tỉnh Nghệ An lông xấu, sẫm màu nhưng có ánh sáng, chân đen, mỏ búp đa, dáng nhỏ, mặt dữ, đầu xà, mắt sắc, mí dày, mũi thông, râu xoăn bám chặt vào lỗ mũi… trông rất dữ tướng nhưng khi vào trận chiến rất lì đòn và ra nhiều thế đòn hóc hiểm khiến đối phương tơi tả”, ông Lê Đức Anh, nghệ nhân họa mi ở Bắc Ninh chia sẻ.
Có 3 thứ thể hiện đẳng cấp của thú chơi họa mi, đó là chiếc lồng, bộ cóng và con mái. Những thứ đó vừa là thứ trang sức cho chàng, vừa thỏa đam mê, thể hiện đẳng cấp của chủ nhưng đồng thời cũng góp phần quan trọng để chàng chiến thắng trên võ đài. Chim quí phải ở lầu son, những năm gần đây, giới chơi họa mi đầu tư rất nhiều tiền của. Chiếc lồng trăm triệu, bộ cóng vài chục triệu là chuyện thường. Người ta cũng đầu tư không tiếc tiền khi gặp chim quí. Ông Vinh kể, vừa rồi có con họa mi bạch tạng chân hồng được định giá 20.000 USD, của một chủ nhân ở Hà Nội. Tất nhiên nó không dám xuất hiện công khai vì sợ cướp.
Bình luận (0)