Động Thủy Liêm (núi Cấm)
Sự kỳ bí núi rừng
Đi theo đường mòn cũ, vừa qua khỏi cổng Trường tiểu học B An Hảo (Tịnh Biên) vài trăm mét là sẽ xuống động Thủy Liêm. Đoạn này là con đường quanh co, uốn khúc, xuyên qua những tán rừng mát rượi. “Cảnh quan bấy nhiêu đó thôi cũng đủ nói lên sự kỳ bí của hang, động, mà tiếng đồn gần xa có một không hai trên núi Cấm này” – anh Nguyễn Thanh Tùng (cư dân Dốc 4.000) hào hứng. Động Thủy Liêm thuộc vồ Thiên Tuế, ấp cùng tên Thiên Tuế.
Động có từ bao giờ và ai là người phát hiện, cư dân núi Cấm không rõ lắm. Đại để, khi có người hành hương và du khách lên đây, rồi đồn đãi lan truyền. “Chắc là những người ẩn cư, mấy tay đi lấy thuốc núi” – ông Đinh Văn Tươi (cư dân vồ Thiên Tuế) phỏng đoán. Bởi hơn 40 năm định cư núi Cấm, ông đã biết động Thủy Liêm này rồi và nơi đây đã có nhiều người tới lui. Không giống như những hang và động khác, cấu trúc động Thủy Liêm rất lạ. Với 2 vồ đá dựng, khoảng giữa như cái cửa nhà, vừa đủ người ta chen vô và bên trong có nước đổ quanh năm như thác chảy.
Chiều sâu động Thủy Liêm bao nhiêu, chưa ai khám phá thử, du khách chỉ vào chừng hơn chục mét. Từ ánh sáng tù mù bên ngoài rọi vào và trông những thạch nhũ trên trần, tảng đá nhấp nhô qua ngõ ngách dưới dòng suối, người ta cảm nhận được ngay không gian huyền ảo. “Nước từ trong khe đá chảy ra mát lạnh, khách đi núi thấm mệt ai cũng khoái ghé đây, nghỉ giây lát rồi đi tiếp” – ông Trần Hoàng Anh (cư dân vồ Đầu) nói.
Vương quốc… của loài khỉ
Bên ngoài động Thủy Liêm trông thật hấp dẫn, nước từ trên cao đổ xuống như màn sương, hình thành dòng suối chảy giữa vách núi. Tương truyền, tán cây rừng cổ thụ giao nhau, dây leo giáp hai vách núi, tạo ra vòm che hun hút từ xa, không khí rất âm u. “Nơi đây tập trung nhiều loài động vật hoang dã, nhất là khỉ. Phải nói là bầy bầy, chứ hổng kể con. Vì, chúng ăn trái cây rừng, rồi xuống đây uống nước” – ông Đinh Văn Tươi kể. Chiều cỡ 3 – 4 giờ, ít người xuống động Thủy Liêm, do không khí lạnh và sợ thú dữ.
Nằm ở vị trí hẻo lánh và vực thẳm vài chục mét, động Thủy Liêm không có người định cư xung quanh và thiếu hẳn dịch vụ giải khát. Hồi lúc núi rừng còn hoang sơ, cư dân núi Cấm gọi nơi đây là “vương quốc… của loài khỉ”, bởi qua sinh hoạt của chúng, người ta đoán ra được thời tiết để dọn đất, trồng tỉa hoa màu cũng như trật tự khu vực núi rừng. “Con khỉ coi vậy, mà hay lắm. Chúng phá phách thiệt, nhưng dân trên núi hổng ai bắt khỉ bao giờ” – ông Trần Văn Dũng (cư dân vồ Thiên Tuế) cho hay. Điều này gần như trở thành “quy luật” núi rừng, mọi cư dân đều muốn dung hòa thiên nhiên.
Bây giờ, động Thủy Liêm thay đổi nhiều so với xưa kia, do cảnh vật trống trải, còn bể nước dành cho “vương quốc… của loài khỉ” được tích trữ, truyền dẫn sinh hoạt của cư dân phía Ô Tứk Sa. “Ngày nay, động Thủy Liêm ít khách đến, hổng còn sức hấp dẫn như trước”– ông Nguyễn Văn Ba (cư dân vồ Thiên Tuế) cho hay. Du khách, người hành hương có đến chăng cũng ngắm cảnh, còn loài khỉ thì chẳng thấy bóng dáng, chỉ nghe qua câu chuyện truyền miệng của cư dân xứ núi.
“Bao nhiêu năm sống trên núi Cấm này, tui thấy động Thủy Liêm ngộ hơn mấy hang, điện khác. Nơi đây, có nhiều câu chuyện gắn với núi rừng, người nghe hay thêu dệt cho vui vẻ. Đó chỉ là hang đá thiên nhiên, cấu tạo như lò ảng, nhưng rất độc đáo là có nước chảy quanh năm” – cụ Nguyễn Văn Y (cư dân vồ Đầu) nói.
Bình luận (0)