Quần đảo Phú Quốc (Kiên Giang) nằm trong vùng biển Tây Nam của Tổ quốc, có diện tích khoảng 600 km2. Trong đó, đảo Phú Quốc lớn nhất, nằm cách thị xã Hà Tiên 50 km, cách thành phố Rạch Giá 120 km đường biển.
Vùng đất xa xôi này từng một thời nổi tiếng là “địa ngục trần gian”, giờ đây đang trên đường phát triển du lịch với cái tên Đảo Ngọc cũng nổi tiếng không kém. Xung quanh nó còn biết bao câu chuyện kỳ bí mà con người chưa thể khám phá hết. Nhiều du khách trước khi đặt chân đến đây đều sẵn ý muốn khám phá, thưởng thức nên càng khiến cho một số tài nguyên đặc hữu ở đây dần cạn kiệt.
Một trong số những tài nguyên đặc hữu ở đây là loài san hô đen - dân đi biển gọi là cây dương biển, vì có hình thù giống với cây dương trên cạn, hiện thời gần như đã biến mất.
Cảng cá trên biển Hàm Ninh, Phú Quốc.
Đi mỏi gối không bằng gặp may
Trong vai một hướng dẫn viên du lịch đưa nhóm khách từ TP HCM ra Đảo Ngọc nghỉ dưỡng và tìm mua cây dương biển để về chế tác đồ trang sức và chữa bệnh nan y, chúng tôi được một người tên Tâm, ở gần khách sạn Thăng Long, thị trấn Dương Đông (Phú Quốc, Kiên Giang) khuyên chúng tôi nên đến cảng cá Hàm Ninh, cách đó non 15 cây số. Nói đến Hàm Ninh là người ta nói đến một cái gì đó lâu đời nhất trên Đảo Ngọc.
Những người sống lâu năm ở đây kể rằng, dưới thời Pháp thuộc, xã Hàm Ninh còn có tên là An Phú, một xã làm nghề chài lưới đầu tiên trên đảo. Dân cư trong làng khi đó còn sinh sống tập trung ven biển. Dưới thời Mạc Cửu, vùng đất này được đặt vào trấn Hà Tiên.
Những sản vật quý giá hơn vàng như ngọc trai, hải sâm (đồn đột), san hô đỏ, san hô đen... đã thu hút cư dân tứ xứ đến đây khai hoang lập nghiệp. Họ lấy nghề lặn bắt ngọc trai, hải sâm, san hô, giăng lưới để mưu sinh và vẫn duy trì cho đến ngày nay. Anh Tâm còn cho biết vùng biển Hàm Ninh ngư dân khai thác hải sản vô tội vạ cả trăm năm nay, đến nay tài nguyên biển của vùng này gần như cạn kiệt.
Gần đây nhiều người đã bỏ vùng biển Hàm Ninh sang vùng biển Campuchia để lặn bắt con đồn đột, ngọc trai, sò điệp, san hô... mỗi tháng kiếm 40-50 triệu đồng nhưng, gian nan và rủi ro luôn ập đến bất ngờ.
Được sự “chỉ điểm” của anh Tâm, chúng tôi lên đường đến cảng cá Hàm Ninh. Sau khi mua 6 con sao biển của một người bán hàng ở cảng cá, qua vài câu dò hỏi có ý định tìm mua san hô đen thì được người bán hàng giới thiệu đến nhà anh Tú ở gần đó. Theo lời của người bán hàng, anh Tú được coi là nhân chứng của những chuyến ghe đi về ở cảng cá Hàm Ninh. Anh biết rỏ từng ngư dân ở đây còn hơn bất cứ nhân viên quản lý thị trường nào ở chợ.
Sau vài câu chào hỏi xã giao, anh Tú có vẻ bớt đi vẻ nghi ngại ban đầu nhưng trước khi dẫn chúng tôi đến nhà anh D - một người được cho là đang sở hữu gần một chục gốc cây dương biển (san hô đen), anh ta cảnh báo: “Tui không biết mấy anh có mua san hô thật không, nhưng khi tui dẫn đến chỗ này nếu người ta cho xem hàng thì mấy anh phải cho tui 300 ngàn đồng à nghen, chịu thì tui dẫn đi”.
Được, nhưng ông đừng dẫn tụi tui đến mấy cái sạp bán cây dương biển ở chợ thuốc đông dược ngay cầu cảng, hay các mẹt hàng ở thị trấn Dương Đông là được.
Anh ta không những đồng ý mà còn khẳng định, ba cái thứ tào lao đó mua về làm gì cho phí của. Tui đưa mấy anh đến những người sở hữu những gốc dương to đùng, chỉ sợ mấy anh không đủ tiền mua thôi, trước khi bước đi anh ta nói.
Nghe anh ta nói chúng tôi chợt nghĩ đến cái câu của ông bà ngày xưa hay nói “nhất phá sơn lâm, nhì đâm hà bá”, được ông bà hiểu theo cái nghĩa vất vả và cực nhọc nhất nhưng đôi khi có phần bạc bẽo. Đó là cách nghĩ mà có lẽ giờ đây “xưa rồi diễm”! Bây giờ rừng già đã cạn kiệt, rừng non cho cũng không thèm, nên chuyện rừng rú xin tạm gác chưa bàn tới.
Còn cái chuyện “đâm hà bá” tuy cực nhọc nhưng đang tạo ra cơn sốt trong giới ngư dân trên vùng biển này bởi giá trị kinh tế của nó mang lại. Đó là việc lén lút ra biển khai thác san hô đen, giới ngư dân gọi là cây dương biển - vì nó có hình dáng rất giống với cây dương trên cạn. Thật ra cây dương biển chính là những khối san hô già cỗi khi chết đi sẽ hóa đá, trên đó mọc lên những rạn san hô mới. Và, câu chuyện khai thác loài cây quý hiếm này được phát hiện, lan truyền trong giới ngư dân do một thợ lặn có tên là D., ở làng chài cổ Hàm Ninh, người mà chúng tôi đang trên đường tìm đến.
Một cây dương biển hay còn gọi san hô đen tại nhà của anh D. mà chúng tôi có dịp diện kiến.
Càng cấm càng săn lùng
Sau khi biết chúng tôi có ý định mua cây dương biển và có người tiến cử, anh D. không chút dè dặt cho biết thành tích gần 20 năm đi biển của mình. Anh kể trong một lần đánh lưới quàng ngoài khơi, gần đảo Thổ Chu, lưới bị vướng không cách nào kéo lên được. Điều gì sẽ xảy đến với tấm lưới cả trăm triệu bạc, nếu cố sức kéo lên. Lúc ấy anh vừa là tài công kiêm luôn thợ lặn, cùng với một thợ lặn khác nhảy xuống biển kiểm tra.
Ở độ sâu khoảng 50 mét, anh phát hiện một cụm cây rộng chừng bằng 2 chiếc chiếu, cao khoảng 5 tấc, hình thù của nó giống như cây dương trên cạn, nhưng có màu đen như than củi. Vì thế nên dân đi biển gọi là cây dương biển. Chứ thật ra nó là một loại san hô đen vốn được dùng để chế tác đồ trang sức rất có giá trị.
Anh cùng với người bạn vừa ra sức gỡ lưới, vừa cố tìm cách đưa loài cây này lên tàu. Tuy chưa biết giá trị của nó, nhưng thấy cũng đẹp, lạ, sau đó đem về đất liền chia nhau mang về bày trong nhà. Tình cờ khoảng 1 năm sau đó có một du khách trong lúc tham quan cảng cá Hàm Ninh, ghé qua và hỏi mua với giá 2 triệu đồng.
Linh cảm của một người từng trải đi biển, anh mường tượng ra giá trị của nó. Ngay sau đó anh âm thầm cùng mấy người bạn lặn quay tàu ra biển “trục” hết cụm dương biển đem về. Phải nói lúc ấy chỉ có nhóm ngư dân của anh ở làng chài cổ Hàm Ninh là biết giá trị của cây dương biển, nên nhóm của anh tha hồ khai thác.
Mỗi chuyến đi 25-30 ngày, mang về từ 500-700 kg (mỗi gốc nặng khoảng 2-6 kg), có chuyến mang về cả tấn. Lúc ấy cây dương biển chưa bị cấm khai thác, nên đồn biên phòng không kiểm soát. Chỉ sau vài ba chuyến, khách hàng của anh bỗng dưng từ Sài Gòn cũng ra tìm mua. Các thương lái Trung Quốc lấy danh nghĩa đi thu mua hải sản cũng tìm cách tiếp xúc với anh để gom cây dương biển, có bao nhiêu họ mua hết.
Có chuyến đi về chưa tới cầu cảng đã có người cho tàu ra đón để thu mua. Cho đến khi đã có mối hàng, họ không ra Phú Quốc mà giao cho người đại diện của họ ở Rạch Giá, Hà Tiên ra thu gom đem về và nghe đâu sau đó họ chở tuốt về bản xứ.
Sau nhiều chuyến mua bán ngon lành, nhóm anh D. mới phân biệt được giá trị của từng loại cây dương biển. Anh cho biết, cây dương biển có 3 loại: Cây dương liễu, hay còn gọi cây dương thiệt, có giá trị nhất; kế đến là cây dương đen (cây dương giả) và cây roi điện (nhỏ bằng chiếc đũa, thẳng giống roi điện). Anh nói vào thời điểm năm 2006, cây dương biển có giá 3.000.000/kg.
Khoảng 5 năm trở lại đây, ngư dân ở Phú Quốc hầu như ai cũng biết giá trị kinh tế của loài cây này. Nhà nước cũng đã cấm khai thác, biên phòng kiểm tra gắt gao. Nhưng cũng không thể ngăn được một số thợ lặn, những tay “săn” hàng từ đất liền ra ngày đêm âm thầm mua bán, thu gom quyết liệt, nhất là các tay buôn chuyến từ TP HCM xuống, Rạch Giá, Hà Tiên ra. Họ đủ khôn ngoan để đưa chúng vào đất liền một cách trót lọt. Vào thời điểm này, cây dương biển có giá lên đến 6.000.000 đồng/kg, nhưng không phải muốn là có để mua.
Mặc dù bán có giá nhưng giới ngư dân cũng chỉ biết người mua về làm vật trang trí, hoặc chế tác đồ trang sức như xâu chuỗi, nhẫn, ống điếu... Nhiều gốc dương lớn cỡ 5-6 kg trở lên họ để nguyên, đánh bóng rồi đem chưng trong nhà giống như đại gia chơi đồ cổ. Giới kinh doanh đồ trang sức cho rằng san hô đen dùng chế tác đồ nữ trang rất đẹp và có giá trị mà ngày xưa giới vương giả rất ưa dùng.
Hiện ở Phú Quốc cây dương đen không bán công khai, nhưng nếu có nhu cầu thì cũng có thể tìm đến những nơi bán hàng lưu niệm cho du khách đều được đáp ứng. Còn với cây roi điện, bất cứ ai có nhu cầu đều có thể tìm thấy tại chợ đêm Dinh Cậu, hoặc bến cảng cửa biển Hàm Ninh... chúng được bày bán công khai. Người bán còn tận tình giới thiệu cách sử dụng “cây roi điện” trong việc chữa trị bệnh viêm xoang và một vài chứng bệnh thông thường khác. Tác dụng của các dược tính trên, hiện giới y học còn đang kiểm chứng.
Nhất phá sơn lâm, nhì đâm hà bá
Một thợ lặn kỳ cựu ở Hàm Ninh cho biết hiện nay cây dương biển ở vùng biển Phú Quốc vẫn còn, nhưng không nhiều. Chúng mọc thành từng cụm trên những triền đá, hòn, rạn san hô dưới đáy biển. Chủ yếu tập trung quanh đảo Thổ Chu, Hòn Thơm và vùng đá ngầm ngoài khơi giáp Campuchia. Thợ lặn cho rằng chúng nằm rời rạc, lặn không có hiệu quả, mỗi chuyến đi lặn “đỏ con mắt” cũng chỉ mang về vài ba kg được coi là may mắn, nhưng chủ yếu là cây dương giả, cây roi điện, giá trị không cao.
Thế nên giờ đây những ngư dân chuyên đi lặn tìm loài cây quý hiếm này hầu hết đã giải nghệ. Một số ít thợ lặn còn lại chuyển sang hành nghề ở vùng biển Campuchia, Malaysia và Thái Lan. Có chuyến họ mang về những cây dương khủng, lên đến cả chục kg. Lặn ở những vùng biển này, không dùng kinh nghiệm hay suy đoán như lặn biển trong nước mà dùng máy tầm ngư để dò, phát hiện mới lặn xuống.
Những chuyến đi lặn “xuyên quốc gia” thường phải 1-2 tháng mới trở về, mang theo 500-700 kg là chuyện nhỏ. Ở những vùng biển này, thợ lặn phải lặn ở độ sâu ít nhất cũng phải 50 mét trở lên, nhưng thời gian gần đây thu về ngày càng ít! Trong khi với độ sâu này, không ít thợ lặn chuyên nghiệp đã phải bỏ mạng. Một số thợ lặn sâu do sức ép của nước bị chết lâm sàng, để lại di chứng về sau bại liệt, nhức mỏi xương khớp, ù tai... và rất ít ai sống thọ.
Anh D., nói những người bạn lặn mà anh quen biết trên biển những năm 2006-2010, có đến vài chục người, tất cả đều trong độ tuổi 20-25, đến nay còn sống 6 người. Nhưng cũng trôi dạt sang Campuchia sắm ghe tàu làm chủ chứ không trực tiếp lặn nữa. Còn lại anh nói họ đã chết vì lặn biển tìm dương ở nhiều vùng biển khác nhau. Những tay thợ lặn “xuyên quốc gia” này, tất nhiên là “lặn lén”, nên không may bị nhà chức trách phát hiện, bắt giữ thường bị tịch thu đồ nghề và đôi khi phải tự “chuộc mạng” mới mong về được quê hương.
Với kinh nghiệm gần 20 năm lặn biển tìm cây dương anh D. nói không có ai lặn biển mưu sinh mà giàu có. Mặc dù anh là chủ, tài công và kiêm luôn thợ lặn, tức một mình lãnh đến 3 đầu lương. Đi lặn tìm cây dương mà để bị bắt là coi như phá sản, thậm chí còn phải ở tù. Đó là lý do mà anh đã giải nghệ cách đây nhiều năm. Những cây dương mà anh có được trước đây, giờ cũng đã bán lần mòn để lấy tiền chữa bệnh xương khớp, dẫu rằng anh chưa đầy 60 tuổi.
Bình luận (0)