xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Mê mẩn với dàn xe cổ của 'dân chơi" Sài thành

Theo Hà Tiên (Công An Nhân Dân)

Xe cổ đang là mốt của dân chơi tại TP HCM. Nhiều người sẵn sàng bỏ ra hơn trăm triệu đi tìm lại thời quá vãng.

Định luật hấp dẫn

Giới chơi Vespa cổ từng làm thơ rằng “Một ngày được cưỡi Vespa, còn hơn một kiếp lê la “đai-lần” (Dylan)”. Nói vậy đủ để thấy sức hấp dẫn của loại xe này. Vespa xuất hiện khoảng năm 40 của thế kỉ trước, du nhập vào nước ta khoảng năm 1953.

Nó mang kiểu dáng thanh lịch, nhẹ nhàng, với tiếng nổ không “đụng hàng” với bất kì loại xe máy nào: “Tằng... tằng... tằng”. Các đời xe như Acma, Standard, Super và Sprint từng là niềm mơ ước của rất nhiều người. Nếu may mắn sở hữu những chiếc Standard đời 25, 26; Super đời VPC 44, 45, 46; Sprin đời 08 thì còn gì bằng.


Chơi Vespa cổ như một cách khơi gợi tiềm thức.

Chơi Vespa cổ như một cách khơi gợi tiềm thức.

Ông Trần Tiến Dũng (60 tuổi, ngụ quận 3, một tay chơi xe cổ) chia sẻ: “Mua một chiếc xe Vespa ở giữa thế kỉ trước đắt lắm. Nó đúng bằng giá mua một ngôi nhà (khoảng 4 cây vàng), vì thế chỉ có những gia đình quý tộc mới chơi loại xe này”. Xe Vespa thời bấy giờ không những rất có giá trị về mặt vật chất mà còn có sức hấp dẫn, mê hoặc giới trẻ đến lạ thường. Thế nên người ta mới có câu: “Một trăm lời nói không bằng tí khói Sprint” là như vậy.

Đến những thập niên tiếp theo, các dòng Vespa sản xuất có mặt tại thị trường nước ta. Dòng xe này mau chóng trở thành đích ngắm của nam giới và kể cả giới nữ vốn được mệnh danh là “chân yếu, tay mềm”. Nhìn những đôi trai tài, gái sắc chở nhau trên những chiếc xe cổ này, ai cũng thấy bùi ngùi và hoài niệm về một thời đã qua. Đường phố khi đó vắng người hơn giờ, không bụi bặm, ồn ào và tất nhiên là người đi xe máy không đội mũ bảo hiểm như bây giờ.

Bẵng đi một thời gian, loại xe này hầu như mất hút vì uống xăng như uống nước lã, lại hay bị “bệnh” đau lặt vặt khi thì bugi, bánh lốp... Từ chỗ là loại xe yêu thích của bao người, nhiều dòng Vespa xếp xó vì tuy đẹp, lịch lãm nhưng quá tốn xăng. Chủ sở hữu của nó chọn một chiếc cúp của hãng Honda đi lại cho tiết kiệm xăng. Có người kể chuyện vui là thời bao cấp, được thương nghiệp cấp cho vài lít xăng mỗi tháng.


Ông Kỳ bên xe Vespa cổ yêu quý của mình.

Ông Kỳ bên xe Vespa cổ yêu quý của mình.

Chỉ đến ngày cuối tuần, nhiều chàng trai con nhà giàu mới chở cô nàng từ Q3 qua khỏi cầu Sài Gòn thì hết xăng. Nếu không mang theo bình xăng con thì họ chỉ còn cách cho xe Vespa lên xích lô để... chở về nhà. Nhiều chàng trai và cô gái có bao kỉ niệm của một thời như thế.

Tại TP HCM thậm chí còn có một nơi chuyên tân trang loại xe này mà ông chủ vốn là một người Anh chính hiệu. Riêng hàng độc của Vespa thì có vài chiếc Piaggio LX150 (màu đen, vàng) chạy bằng ga, giá mỗi chiếc không dưới 90 triệu đồng.

Anh Nguyễn Văn Hùng (50 tuổi, ngụ quận Phú Nhuận, một tín đồ của xe cổ) tự hào: “Tôi chơi có đến 6 đời xe Vespa rồi. Nói thật, từ năm 1964 đến nay tôi không chơi bất cứ một loại xe nào khác ngoài xe Vespa. Bởi lẽ, nó hấp dẫn đến nỗi khi đã đi loại xe này rồi thì không thích đi xe khác nữa”.

Anh Hùng hiện sở hữu một chiếc Vespa PX150 sản xuất năm 1985, theo lời anh là còn “zin” đến trên 90%, trị giá khoảng 55 triệu đồng. Sở dĩ anh thích chơi loại xe này vì nó đẹp, sang trọng và trông rất lịch lãm. Hơn nữa, loại xe này chạy bằng láp chứ không phải chạy bằng nhông xích nên rất an toàn cho người sử dụng. Có điều là người chơi phải biết cách đi, biết cách chăm sóc, bảo quản thì xe mới bền.

Anh Trương Vĩnh Thắng (44 tuổi) - một người chuyên chơi Vespa cổ, chủ một tiệm tân trang tại Q11 cho biết, giá khởi điểm loại xe này cỡ 2.500 đô-la Mỹ, “tút” lại chừng vài chục triệu. Sau khi “mông má”, một chiếc xe còn máy tốt có giá cả vài trăm triệu đồng là bình thường.

Người chơi xe này thường là giỏi về máy móc vì chuyện hỏng hóc hay xảy ra. Khi qua cầu Trần Khánh Dư (nối Q1 và Q. Bình Thạnh), hay leo cầu Sài Gòn, Thủ Thiêm..., xe chết máy thì phải biết sửa. Thường thì trong cốp đều có nhiều loại đồ nghề mang theo. Hư ở đâu thì sửa ở đó. Dòng xe này không có kim báo xăng như xe máy thời nay nên hay hết xăng bất ngờ, đòi hỏi người lái thường xuyên kiểm tra nhiên liệu. Lắm lúc xe xịt khói mù mịt, làm khó chịu người đi đường vì lượng xăng pha nhớt có vấn đề.


Anh Thắng bên xe cổ.

Anh Thắng bên xe cổ.

Hội của anh Thắng tại TP HCM hiện có cả trăm người. Mỗi chiếc xe cổ đều có màu sắc khác nhau, hay đậu trước sân Tao Đàn. Hội của anh đều mặc đồ đồng phục trong các hoạt động thiện nguyện, chở khách du lịch nước ngoài... và họp thường xuyên tại một quán cà phê trên đường Nguyễn Du, Q1.

Trong khi đó, “diễn đàn” CLB Vespa cổ trên cả nước mỗi ngày đều có thành viên mới gia nhập. Những vùng xa xôi nhất như Cà Mau, Quảng Ninh cũng xuất hiện những CLB Vespa mới. Mạnh mẽ nhất trong các hoạt động và sưu tầm phải kể đến hai CLB Vespa Sài Gòn và Hà Nội.

Chỉ tính riêng ở TP HCM, số thành viên tham gia đã lên đến gần 500 người với đủ giới, đủ lứa tuổi chia thành nhiều nhóm nhỏ: Vespavn, Vespa Sài Gòn, PX, Q6... Mỗi nhóm lại có những hoạt động độc đáo, đặc trưng riêng nhưng có một điểm chung là cùng có niềm đam mê Vespa bất tận. Nhìn những “con xe” Vespa lướt đi dưới nắng nhẹ, nhiều chàng trai, cô gái đã thể hiện rất rõ cá tính của họ. Chỉ biết rằng, mốt chơi loại xe cổ này đang phát triển nhanh chóng.

Vài năm gần đây, khi kinh tế khá giả, trên đường phố Sài thành xuất hiện mốt chơi xe cổ như Lambretta (Lam “già), Super cup, Mobylette,... Không chỉ có quý ông đóng phong cách bụi bặm, phong trần, nhiều cô gái cũng thích đi loại xe này với những bộ cánh “tông xẹt tông”. Nếu xe sơn lại màu đỏ thì bộ váy của các thiếu nữ cũng đi cùng màu.

Nguyễn Thị Vân Khanh (29 tuổi, ngụ đường Lê Văn Lương, Q7) chia sẻ: “Thấy bạn bè chơi loại xe này nên sau khi gom góp tiền bạc, em cũng nhờ bạn trai lùng mua cho bằng được. Đi xe cổ như thế này thì em rất thích. Nó mang nét gì đó rất đặc biệt”. Là phận nữ nhi nên Vân Khanh chỉ biết dắt bộ nếu “con ngựa sắt” trở chứng vì quá già nua, hầu như máy móc đều phải làm lại hết.

Bộ sưu tập quý giá

Một trong những người nổi tiếng thích chơi xe cổ là ông Kỳ - tổng giám đốc một công ty du lịch ở TP HCM. Ông có cả một bãi xe gồm 15 chiếc xe cổ bao gồm cúp Honda, xe 67 cổ... còn “zin”. “Thấy mọi người ai cũng có thú vui như sưu tầm tem, cardvisit, xe đạp, bóng đèn... để tiêu khiển; thế là cách đây khoảng chục năm, tôi nảy ra ý định sưu tầm xe cổ vì tôi vốn yêu xe từ nhỏ” - ông Kỳ tâm sự.

Nói là làm, ông Kỳ lao vào lục tìm tại các lò xe cổ hay tại CLB xe cổ tại TP HCM để tìm mua lại những chiếc độc nhất vô nhị khi cổ nhưng chưa phải làm lại máy. Các “thợ săn” tỏa quân đi lùng sục hết miền Tây dạt sang miền Đông để tìm ra những chiếc xe cổ nhất. Cuối cùng, đem về Sài Gòn những chiếc xe cổ y như “những đống sắt vụn”. Biết tin là tới liền, ông Kỳ lại đem những con xe cũ kĩ cách đây gần thế kỉ ra tiệm chuyên mông má xe cổ nằm trên đường Lý Thái Tổ để “tút” lại.

Thời gian dần trôi, mới đầu chỉ vài chiếc, đến nay là chiếc thứ 15 với “con” Vespa Standard cổ đời 1960 thuộc dạng hiếm hoi ở đất Sài thành. Hiện tại, bộ sưu tập này chưa được tăng “quân số” vì nguồn xe cổ bị bán ra ngoài, với lại khó có chiếc cổ mà còn “zin” - ông Kỳ tâm sự. Mỗi chiếc xe của ông tổng giám đốc giá hơn 2.000 đô la, có người trả cao hơn nhưng ông không hề màng tới.

Dẫn chúng tôi ra bãi xe, ông Kỳ nâng niu từng chiếc một. Trong 6 chiếc Mobylette thì có 3 “con” chưa sơn sửa, nước sơn còn y nguyên như cách đây 70 năm; 3 “con” còn lại được tuốt lại, làm xi, xăm niềng, sơn đỏ, vàng xanh và bên hông không thể thiếu những chiếc túi da cực đẹp. Ông Kỳ cho biết qua bao năm tháng, những chiếc túi da này khi ông mua bị rách tơi tả nên ông phải làm lại. Ngoài ra, là 4 “em” Velo Solex màu đỏ nguyên gốc, đôi pê đan (bàn đạp) cũng “zin” nốt.

Giọng ông tổng giám đốc giải thích say sưa về bình xăng của những chiếc xe cổ, mà chỉ cần mất một cái nắp là tiêu luôn... 200 đô la, mà không dễ tìm đâu ra nhé. Đạp thử chiếc Vespa Standard biển số 52T2... tiếng nổ “grưm... grưm... grưm...” vang vọng. Đây là chiếc xe ông đã “tút” lại nước sơn xanh đen rất nổi bật.

“Tôi phải giữ cho được những chiếc xe cổ này để mai mốt con cháu có thể nhớ về một thời quá khứ, thời bị Pháp và Mĩ đô hộ mà người Việt bị xiềng xích. Đó là cả một quá khứ phải nhìn bằng lịch sử để lại. Đó có thể là những chiếc xe cổ để chúng yêu thêm đất nước mình giàu đẹp hôm nay” - ông Kỳ tâm sự.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo