Đứng trước mẹ biển thiên nhiên xanh một màu sâu thẳm, con người ta vẫn luôn cảm thấy bản thân mình nhẹ nhàng an yên hơn bao giờ hết, hình ảnh ngọn sóng rì rào cùng những đợt gió mang vị mằn mặn của biển dường như cuốn trôi đi mọi muộn phiền của đời sống thường nhật.
1. NGỌN HẢI ĐĂNG KÊ GÀ CỔ NHẤT ĐÔNG NAM Á
Ngoài những điểm đến đã “quen mặt” như: Mũi Né, bãi đá bảy màu, ruộng muối Tuy Phong,... khách du lịch đến với mảnh đất duyên hải miền Trung dung dị này chắc hẳn không thể bỏ lỡ địa danh mũi Kê Gà cách trung tâm thành phố biển Phan Thiết khoảng hơn 1 giờ chạy xe máy.
Toàn cảnh mũi Kê Gà từ trên cao - Ảnh: Anh Hai Hoang
Địa hình mũi Kê Gà được bao bọc bởi những tảng đá cùng các phiến đá muôn hình vạn trạng quanh năm rì rào tiếng sóng vỗ cùng tiếng reo xào xạc của những hàng cây xung quanh nhờ gió biển. Ngắm cảnh biển ở Kê Gà, tuyệt nhất là được bao trọn tầm mắt biển vào lòng từ trên cao.
Cận cảnh ngọn hải đăng ở mũi Kê Gà - Ảnh: Steven Lam
Được Pháp xây dựng để thuận tiện cho việc xác định phương hướng dễ dàng vận chuyển hàng hóa ở đoạn đường Phan Rang - Vũng Tàu, mũi Kê Gà nhanh chóng được tiến hành xây dựng vào năm 1897. Đây đồng thời cũng là ngọn hải đăng cổ nhất Việt Nam và vùng Đông Nam Á.
Cận cảnh ngọn hải đăng ở mũi Kê Gà - Ảnh: Steven Lam
Hoàng hôn buông màu ảo diệu ở Kê Gà - Ảnh: Minh Le
Hiện giờ, hải đăng Kê Gà không còn hoạt động vì sự phát triển của các thiết bị chỉ dẫn trên biển khác, vì vậy, đây trở thành điểm tham quan du lịch khi đến thăm địa danh này.
Hải đăng Kê Gà là hải đăng cổ nhất Đông Nam Á - Ảnh: Hoang Long Tran
2. VỀ XỨ “HOA VÀNG CỎ XANH” NGẮM HẢI ĐĂNG ĐẠI LÃNH
Nếu muốn một lần được trải nghiệm cảm giác được đón ánh bình minh sớm nhất trên đất Việt Nam thì ngọn hải đăng (mũi) Đại Lãnh hay mũi Điện chính là câu trả lời hoàn hảo cho bạn. Là cực Đông của Tổ quốc, mũi Đại Lãnh là điểm đến được nhiều bạn trẻ lựa chọn chinh phục cũng như du lịch vào dịp cuối năm cận kề. Từ chân ngọn hải đăng Đại Lãnh, du khách phải đi bộ thêm tầm 1 cây số nữa để đến có thể đặt chân đến hải đăng này.
Hoàng hôn buông ở mũi Đại Lãnh - Ảnh: Trung Vo Tuan
Hải đăng ở mũi Đại Lãnh án ngữ trên những mỏm đá đủ hình dạng - Ảnh: Nga Dang
Từ thời điểm sau khi bộ phim Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh nhận được nhiều phản hồi tích cực từ phía người xem, mảnh đất Phú Yên càng trở thành điểm dừng chân thu hút được nhiều khách du lịch lựa chọn, trong đó có cả mũi Đại Lãnh và bãi Môn - bãi tắm thiên nhiên nằm dưới chân mũi Điện. Đường dẫn lên ngọn hải đăng ở mũi Điện không dốc lắm và có các hàng rào trắng bao quanh, du khách vừa tản bộ trên hành trình chinh phục đường đến hải đăng vừa được nghe tiếng rì rào của sóng biển vỗ về dưới chân mũi Điện là trải nghiệm thú vị khó có thể bỏ qua.
Đường dẫn lên hải đăng Đại Lãnh - Ảnh: Hung Dang
Ngọn hải đăng Đại Lãnh với góc chụp lạ - Ảnh: Quang Nguyen Vinh
3. HẢI ĐĂNG GÀNH ĐÈN - HẢI ĐĂNG THỨ 2 CỦA ĐẤT PHÚ YÊN
Một ngọn hải đăng hút khách du lịch không kém ở mảnh đất Phú Yên đó là hải đăng Gành Đèn cách Gành Đá Dĩa chừng 15 phút leo bộ. So với nhiều ngọn hải đăng khác, hải đăng Gành Đèn chưa được nhiều khách du lịch khám phá hết. Vì vậy, nếu đã có dịp đặt chân đến thiên đường đá Gành Đá Dĩa của Phú Yên, du khách hãy thử một lần chinh phục hải đăng Gành Đèn gần đó.
Hải đăng Gành Đèn ở gần Gành Đá Dĩa - Ảnh: Yen Nguyen
Hoàng hôn ở Gành Đèn - Ảnh: Jackie Tran
Gành Đèn với độ cao tầm 10m, lối lên không quá dốc với những mấu đi được san bằng bởi các phiến đá vững chãi, hoàn toàn không khó để du khách chinh phục và ngắm trọn cảnh biển thiên nhiên nơi đây. Dưới chân hải đăng Gành Đèn còn có một khoảng đất trống tương đối rộng phục vụ cho hoạt động cắm trại.
Cận cảnh hải đăng Gành Đèn - Ảnh: Yen Nguyen
4. LUNG LINH VỀ ĐÊM HẢI ĐĂNG DINH CẬU (PHÚ QUỐC)
Hải đăng Dinh Cậu trước kia còn có tên gọi là hải đăng Dương Đông là một trong những điểm đến không nên bỏ lỡ nếu đã đặt chân đến huyện đảo Phú Quốc trong chuyến du lịch của mình. Đến với thị trấn Đông Dương, ngoài thăm thú ngọn hải đăng Dinh Cậu, du khách còn có cơ hội thả mình chiêm ngưỡng những điểm đến nổi tiếng và thú vị khác như ngôi miếu Long Vương, chợ đêm Dinh Cậu cùng thưởng thức các loại hải sản phong phú và tươi sống nơi đây.
Hải đăng Phú Quốc lung linh về đêm - Ảnh: Mithun Kumar
Để chinh phục hải đăng Dinh Cậu, du khách không quá tốn sức khi chỉ cần leo 29 bậc thang bộ. Ở trên đỉnh của hải đăng, cảnh tượng thú vị nhất là được ngắm hoàng hôn buông màu sắc hững hờ nhưng đầy quyến rũ ma mị của biển trời Phú Quốc.
Cảnh hải đăng Dinh Cậu Phú Quốc nhìn từ xa - Ảnh: Duong Dao Hai
5. DỪNG CHÂN Ở HẢI ĐĂNG VŨNG TÀU NGẮM CẢNH BIỂN
Phố biển Vũng Tàu không còn là một điểm đến quá xa lạ đối với nhiều khách du lịch yêu biển và thiên nhiên. Tuy vậy, đường chinh phục hải đăng Vũng Tàu còn khá mới lạ và ẩn chứa nhiều trải nghiệm thú vị khi được đứng trên độ cao gần 20m để ôm trọn tầm mắt ngắm biển Vũng Tàu xanh thăm thẳm bình yên.
Hoàng hôn trên ngọn hải đăng Vũng Tàu - Ảnh: Sweet Heart
Xây dựng trên núi Nhỏ còn gọi là núi Tao Phùng, hải đăng Vũng Tàu được người Pháp khởi công vào năm 1862 nhằm mục đích báo đường đi trên biển cho tàu thuyền vận chuyển hàng hóa. Đường đến với hải đăng Vũng Tàu tương đối dốc, dọc lối đi là những bụi hoa giấy mọc tươi tốt tỏa lan những tán rộng che mát cả một quãng đường.
Hải đăng Vũng Tàu giữa trời xanh - Ảnh: Tri Nguyen
Khóa tình yêu trên lan can ngọn hải đăng Vũng Tàu - Ảnh: Sweet Heart
Buông đêm lung linh ánh đèn ở hải đăng Vũng Tàu - Ảnh: Hnica
Những ngày cuối năm được đắm trọn trong cảnh biển thanh bình trên những ngọn hải đăng cao chót vót quả là một trải nghiệm đầy thú vị.
Bình luận (0)