Chỉ khoảng 20 km nhưng sẽ là khởi đầu cho một hệ thống giao thông hiệu quả đang được xây dựng ở thành phố này.
Nói kỳ vọng là bởi với một thành phố đông dân có vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước thì câu chuyện trước tiên vẫn là lưu thông cả về mặt xã hội lẫn kinh tế. Lưu thông nhanh chóng thì dòng chảy hàng hóa nhanh chóng, sự vận hành của xã hội nhanh chóng. Những phương tiện vận tải công cộng hiện nay như xe dịch vụ, xe buýt… đã không đảm đương nổi trách nhiệm về giao thông nặng nề của thành phố hơn 10 triệu dân. Metro là bài toán đã được chọn và những kế hoạch to lớn đang được vạch ra.
Cùng với sự vận hành của tuyến metro số 1, tuyến metro số 2 đã được khởi công từ giữa năm 2023, nối Bến Thành - Tham Lương dài 11,2 km. Tuyến này sau khi nối tuyến đến Bến xe An Sương (9,4 km) rồi Tây Bắc Củ Chi (gần 29 km) sẽ hình thành tuyến metro xuyên tâm dài nhất TP HCM với tổng chiều dài 48 km.
Tiếp đó là tuyến 3A Bến Thành - Tân Kiên khoảng 20 km; tuyến 3B ngã sáu Cộng Hòa - Hiệp Bình Phước dài 12,2 km; tuyến số 4 Thạnh Xuân - khu đô thị Hiệp Phước 35 km… Tổng cộng 8 tuyến metro được xây dựng đến năm 2035 sẽ tạo thành mạng lưới giao thông khép kín nhưng đồng thời cũng kết nối với các đầu mối giao thông đi các tỉnh, thành khác. Kế hoạch này không hề ảo tưởng mà được nghiên cứu kỹ lưỡng, đúc kết kinh nghiệm từ các quốc gia có hệ thống metro hiện đại được vận hành từ vài chục năm qua.
Khi phác thảo các kế hoạch này, kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn góp ý: Thành phố nên thí điểm tuyến metro số 1 với quy hoạch giao thông công cộng đi đôi với quy hoạch đô thị, kết hợp quy hoạch kinh tế - xã hội. Khi xây xong tuyến metro số 1 thì phải khai thác được quỹ đất hai bên, hình thành các TOD (mô hình phát triển đô thị gắn với giao thông công cộng) để kết nối, thu hút người dân. Tập trung theo mô hình này sẽ mở ra không gian đô thị rộng rãi và thoát được cái bẫy mà các đô thị lớn gặp phải: giao thông phát triển không theo kịp dân cư.
Mô hình đường sắt đô thị đã dần định hình. Chúng ta đang tất bật với hệ thống đường bộ cao tốc và cố gắng trong thời gian gần sẽ phục vụ đắc lực cho nền kinh tế. Tương lai xa hơn, hệ thống đường cao tốc sẽ đảm nhiệm chính vai trò vận chuyển hàng hóa. Còn muốn phục vụ nhu cầu vận chuyển con người thì phải xây dựng hệ thống đường sắt cao tốc liên vùng.
Chúng ta có lợi thế về địa lý là đất nước trải dài theo chiều dọc, một bên hoàn toàn giáp biển. Hệ thống đường sắt cao tốc theo trục dọc này sẽ kết nối hầu hết các vùng kinh tế, đô thị tập trung dân cư. Việc quy hoạch giao thông gắn với quy hoạch đô thị sẽ đơn giản hơn và phát huy tác dụng nhanh chóng, hiệu quả hơn, đồng thời kéo gần khoảng cách phát triển của các địa phương.
Vạn sự khởi đầu nan. Những khó khăn ban đầu của tuyến metro số 1 đã được giải và chúng ta bắt nhịp với những kế hoạch to lớn kế tiếp cho hệ thống giao thông hiện đại từ Nam đến Bắc.
Bình luận (0)