TP Hà Nội đang xây dựng dự thảo nghị quyết quy định tiêu chí, điều kiện, trình tự, thủ tục xác định vùng phát thải thấp (LEZ). Theo đó, các phương tiện giao thông hoạt động ở khu vực này phải đáp ứng tiêu chuẩn phát thải nghiêm ngặt, nếu không đạt sẽ bị hạn chế hoặc phải trả phí.
Thí điểm ở quận Hoàn Kiếm
Nếu được thông qua tại kỳ họp HĐND vào cuối năm 2024, TP Hà Nội sẽ thí điểm mô hình vùng LEZ từ đầu năm 2025. Quận Hoàn Kiếm được chọn thí điểm do có những điều kiện, tiền đề cần thiết và đã tổ chức thành công phố đi bộ - có thể được coi là khu vực phát thải thấp.
"Việc triển khai ở quận Hoàn Kiếm sẽ giúp có thêm bài học để điều chỉnh quy định, từ đó nhân rộng ra các địa phương khác" - đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) TP Hà Nội nhận định.
Trên thế giới, việc triển khai, mở rộng vùng LEZ đã được thực hiện ở nhiều thành phố lớn và được xem là giải pháp hiệu quả nhằm giảm ô nhiễm không khí. Tại Anh, vùng LEZ ở London (ULEZ) được triển khai lần đầu năm 2019 và mở rộng vào tháng 8-2023 với mức độ bao phủ tất cả quận của thủ đô. Mục đích là thúc đẩy chuyển đổi sang xe điện, sử dụng phương tiện công cộng, xe đạp và đi bộ để giảm lượng khí thải.
Lượng khí thải oxit nitơ từ ô tô giảm 13%, lượng phát thải bụi mịn từ ô tô và xe tải giảm khoảng 20% ở vùng ngoại ô London kể từ khi mở rộng ULEZ. Theo tờ Guardian, tác động tổng thể của việc mở rộng ULEZ giúp giảm lượng khí thải tương đương loại bỏ khoảng 200.000 ô tô khỏi đường phố.
Thị trưởng Sadiq Khan cho biết với 96% phương tiện tuân thủ quy định, chất lượng không khí của London đang cải thiện với tốc độ nhanh hơn so với phần còn lại của Anh. "Nhờ các chính sách táo bạo, bao gồm ULEZ, chúng tôi đang đưa chất lượng không khí của London vào giới hạn pháp lý năm 2025, sớm hơn 184 năm so với dự báo trước đây" - Thị trưởng Sadiq Khan thông tin.
Trên toàn châu Âu, khoảng 320 thành phố đã áp dụng các chương trình LEZ, tăng 40% kể từ năm 2019. Các thành phố lớn như Paris - Pháp, Brussels - Bỉ... đang lên kế hoạch áp đặt các quy định nghiêm ngặt hơn trong 3 năm tới.
Đất nước thực hiện LEZ đầu tiên trên thế giới là Thụy Điển. Sau khi LEZ được triển khai ở Stockholm vào năm 1996, các tiêu chuẩn khí thải từ xe cộ vào trung tâm thành phố đã liên tục được nâng cao. Một nghiên cứu vào năm 2014 kết luận các chất gây ô nhiễm trong không khí đã giảm 10%-14% ở nội thành Stockholm trong khi lượng khí thải oxit nitơ giảm khoảng 8,5%.
Thủ đô Berlin - Đức cũng sớm triển khai LEZ từ năm 2008 với quy định phương tiện cũ gây ô nhiễm nhiều không được phép vào các khu vực trung tâm thành phố.
Phát triển đồng bộ hạ tầng, điện
Tuy nhiên, việc triển khai LEZ tại Việt Nam sẽ gặp nhiều thách thức bởi chưa có tiền lệ thực hiện, chưa có quy chuẩn kiểm định xe máy, chưa có chính sách cụ thể về thu phí vào vùng phát thải thấp...
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, TS Hoàng Dương Tùng - Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ TN-MT) - ủng hộ việc hình thành vùng LEZ theo xu hướng mà nhiều quốc gia đã thực hiện. Nếu mô hình này được thực hiện thành công ở Hà Nội, hoàn toàn có thể nhân rộng ra các đô thị cũng có mật độ dân cư đông và số lượng phương tiện cá nhân lớn như TP HCM, TP Vinh (Nghệ An)...
"Khi thực hiện, cần làm rõ phạm vi triển khai LEZ là ở một tuyến đường hay liên thông, đồng thời phải có chỉ số đo lường cụ thể. Cần nghiên cứu kỹ, tránh đưa ra phương án không khả thi và không có biện pháp giám sát. Quan trọng hơn, việc hạn chế phương tiện cá nhân sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới cuộc sống của rất nhiều người dân nên cần có lộ trình cụ thể" - TS Hoàng Dương Tùng góp ý.
Cũng theo ông Tùng, để triển khai vùng LEZ thành công, rất cần thực hiện đồng bộ các chính sách phát triển hạ tầng giao thông công cộng, hỗ trợ phát triển và chuyển đổi phương tiện giao thông xanh cho người dân.
TS Phan Lê Bình - chuyên gia giao thông, Trưởng Đại diện Văn phòng tư vấn OCG Nhật Bản tại Hà Nội - đặt vấn đề cần bảo đảm phụ tải điện đáp ứng nhu cầu chuyển đổi phương tiện giao thông từ chạy xăng sang chạy điện. Bên cạnh đó, nhu cầu vận chuyển hành khách trong khu vực nội đô cần được giải quyết bằng phương tiện công cộng song song với hỗ trợ tài chính để người dân, doanh nghiệp chuyển đổi sang phương tiện giao thông thân thiện với môi trường.
Ông Đặng Huy Đông - nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Viện trưởng Viện Quy hoạch và Phát triển - nhìn nhận hệ thống đường sắt đô thị sẽ góp phần rất lớn vào việc giảm phát thải khí nhà kính. "Có ý kiến cho rằng chúng ta làm 15 năm không xong một tuyến đường sắt, vậy thì Hà Nội và TP HCM làm thêm vài trăm km trong 10-11 năm nữa là bất khả thi. Nhưng tôi cho rằng thế giới làm được thì mình cũng làm được và cần có cơ chế để 2 thành phố xây dựng đường sắt đô thị" - ông Đông nêu quan điểm.
Theo tính toán, nếu Hà Nội và TP HCM hoàn thành mạng lưới khoảng 500 km đường sắt đô thị (metro) kết hợp với hệ thống giao thông công cộng cấp 2 (tàu điện mặt đất) và cấp 3 (xe buýt, taxi điện) thì sẽ thay thế được hơn 1 triệu ô tô cá nhân và hàng chục triệu xe máy chạy xăng. Nhờ đó, 2 thành phố này có thể giảm hàng triệu tấn khí nhà kính mỗi năm.
Hạn chế phát thải ở 12 quận nội thành
Theo dự thảo nghị quyết quy định tiêu chí, điều kiện, trình tự, thủ tục xác định LEZ trên địa bàn TP Hà Nội, 12 quận nội thành dự kiến nằm trong vùng hạn chế phát thải gồm: Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Thanh Xuân, Cầu Giấy, Hoàng Mai, Tây Hồ, Long Biên, Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm và Hà Đông.
Ngoài ra, 5 quận dự kiến thành lập trong giai đoạn 2020-2025 là Đông Anh, Gia Lâm, Thanh Trì, Hoài Đức và Đan Phượng cũng có khả năng được đưa vào khu vực hạn chế phát thải.
Bình luận (0)