Sau một thời gian dài liên tục giảm, gần đây, lãi suất huy động ở nhiều ngân hàng (NH) đã được điều chỉnh tăng lên. Diễn biến này khiến nhiều người lo ngại lãi suất cho vay của NH cũng tăng theo. Phóng viên Báo Người Lao Động đã trao đổi với TS Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội NH Việt Nam (VNBA), xung quanh vấn đề này.
* Phóng viên: Một số NH vừa tăng lãi suất huy động nhiều kỳ hạn từ 0,1 đến 0,5 điểm %. Diễn biến này có phải là xu hướng chung của thị trường?
- TS NGUYỄN QUỐC HÙNG: Động thái tăng lãi suất tiền gửi của một số NH có thể đặt trong bối cảnh cân nhắc nhiều yếu tố, chẳng hạn cần duy trì sự hấp dẫn của kênh gửi tiết kiệm so với các kênh đầu tư khác như vàng, chứng khoán… Lãi suất tiền gửi cũng được tính toán so với lạm phát trong quý I/2024. Dù vậy, bên cạnh một số NH tăng lãi suất đầu vào, vẫn có các NH thương mại khác tiếp tục giảm, cho thấy diễn biến này chưa phải là xu hướng chung.
Thống kê của NH Nhà nước đến hết quý I/2024 cho thấy lãi suất tiền gửi và cho vay mới của các NH thương mại giảm so với cuối năm ngoái. Theo báo cáo của các NH thương mại, đến ngày 31-3, lãi suất tiền gửi bình quân của các giao dịch phát sinh mới ở mức 3,02%/năm, giảm 0,5 điểm %. Lãi suất cho vay bình quân của các giao dịch phát sinh mới ở mức 6,5%/năm, giảm 0,6 điểm %/năm.
* Sức ép tỉ giá có ảnh hưởng tới lãi suất VNĐ không, thưa ông?
- Vừa qua, NH Nhà nước liên tục tổ chức các phiên đấu thầu qua kênh tín phiếu để hút dòng tiền dư thừa từ hệ thống, kéo lãi suất liên NH lên, từ đó góp phần giảm áp lực tỉ giá. Sức ép tỉ giá tăng cũng ảnh hưởng một phần, khiến lãi suất huy động nhích lên.
Quan trọng là ở chiều ngược lại, lãi suất cho vay vẫn đang tiếp tục giảm, khi một loạt NH thương mại liên tục triển khai các gói tín dụng ưu đãi, cho vay mới với lãi suất cực thấp. Lãi suất các khoản vay hiện hữu cũng liên tục được điều chỉnh giảm để hỗ trợ khách hàng cá nhân và doanh nghiệp (DN).
* Theo công bố của NH Nhà nước, tín dụng của hệ thống tổ chức tín dụng đối với nền kinh tế đến hết quý I/2024 mới tăng khoảng 1,93%. Điều này phản ánh khả năng hấp thụ vốn từ nền kinh tế vẫn thấp?
- Như NH Nhà nước đã thông tin, dù tích cực triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhưng tăng trưởng tín dụng thời điểm đầu năm 2024 khá thấp so với các năm gần đây. Trong đó có nguyên nhân do nhu cầu vốn tín dụng thường tăng cao vào dịp cuối năm và thời điểm trước Tết Nguyên đán; cầu và sức hấp thụ vốn của nền kinh tế ở mức thấp do nhiều DN thu hẹp hoặc ngừng hoạt động…
Tăng trưởng tín dụng hiện tích cực hơn so với 2 tháng đầu năm nhưng vẫn còn khó khăn trong bối cảnh DN các ngành nghề chưa phục hồi mạnh. Ngay cả tín dụng tiêu dùng cũng tiếp tục giảm vì cầu tiêu dùng giảm do kinh tế khó khăn, tác động tới thu nhập của cá nhân và hộ gia đình. Hiện nhu cầu tiết kiệm để dự phòng cho tương lai tăng và nhu cầu vay tín dụng NH để mở rộng chi tiêu giảm.
Câu chuyện của thị trường hiện nay không chỉ là giảm lãi suất vì tôi cho rằng lãi suất huy động rất khó giảm thêm, còn lãi suất cho vay đang được khuyến khích giảm tiếp. Hoạt động cơ cấu lại nợ, giữ nguyên nhóm nợ cũng được ngành NH triển khai thời gian qua để đồng hành với DN.
Hiện tại, để thúc đẩy tín dụng ra nền kinh tế và tăng khả năng hấp thụ vốn của DN, cần nhiều giải pháp hơn từ chính sách tài khóa. Trong đó, cần hỗ trợ DN đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường mới, khách hàng mới, quảng bá sản phẩm hàng hóa ra quốc tế… Nếu chỉ giảm lãi suất cho vay và sự nỗ lực của ngành NH là chưa đủ. Giải pháp của các bộ, ngành trong việc hỗ trợ DN và phục hồi nền kinh tế cần đồng bộ.
Ngay như lĩnh vực bất động sản, đã có rất nhiều cuộc họp bàn về giải pháp tháo gỡ nhưng thị trường vẫn gặp khó. Bản chất khó khăn không nằm ở dòng vốn tín dụng, lãi suất mà ở sức mua của thị trường. Nhu cầu giao dịch không có thì thị trường bất động sản rất khó phục hồi.
* Theo ông, hiện NH không thiếu vốn rẻ, sẵn sàng cho vay nhưng bài toán không nằm ở vấn đề lãi suất?
- Đúng vậy! Lãi suất cho vay sẽ khó tăng trong bối cảnh hiện nay vì tăng trưởng tín dụng vẫn chưa như kỳ vọng, thanh khoản của hệ thống NH vẫn dồi dào. Năm nay, NH Nhà nước đã đổi chính sách cấp hạn mức tăng trưởng tín dụng 15% một lần vào đầu năm.
Vốn ở NH không thiếu, vấn đề quan trọng nhất thời điểm này là thiếu khách hàng đủ điều kiện, tiêu chí vay. Nhiều NH đang tìm mọi cách cho vay để có thể tăng trưởng tín dụng, song không phải cho vay bằng mọi giá vì nếu vậy thì nguy cơ nợ xấu tăng, rủi ro tăng. Nghĩa là NH phải tìm được đúng người, đúng đối tượng, đúng khách hàng để cho vay.
Chưa kể, vấn đề còn nằm ở chỗ DN vay để làm gì và vay vốn tín dụng rồi hoạt động sản xuất - kinh doanh có lãi để trả nợ NH không? Do đó, giải quyết bài toán tín dụng phải làm sao hài hòa các giải pháp của tất cả lĩnh vực - từ chính sách tiền tệ đến chính sách tài khóa về giảm thuế, hỗ trợ xúc tiến thương mại, tìm kiếm đầu ra, kích cầu tiêu dùng…
Sẵn sàng cho vay với lãi suất cực thấp
Hiện nay, một số NH cho vay lãi suất chỉ 4%-6%/năm đối với những DN sản xuất - kinh doanh hiệu quả.
Lãnh đạo một NH khẳng định sẵn sàng cho DN hoạt động tốt vay với lãi suất cực thấp, chỉ 4,5%/năm. Dù vậy, DN hoạt động tốt thì không có nhu cầu vay vốn, mở rộng đầu tư sản xuất. Trong khi đó, với những DN làm ăn không hiệu quả, không đủ tiêu chuẩn vay vốn, dù lãi suất cao đến 10%-15%/năm, NH cũng chưa chắc dám cho vay.
Bình luận (0)