Chiều 28-6, CLB Phóng viên Chính trị - Xã hội (thuộc Hội Nhà báo TP HCM) tổ chức tọa đàm với chủ đề "Đạo đức nhà báo lĩnh vực nội chính". Đến dự tọa đàm có bà Phạm Phương Thảo - nguyên Phó Bí thư Thành ủy, nguyên Chủ tịch HĐND TP HCM.
Theo nhà báo Phạm Thục, Chủ nhiệm CLB Phóng viên Chính trị - Xã hội, lĩnh vực nội chính rất nhạy cảm. Yếu tố nhạy cảm này không chỉ đến từ sự khó khăn mà còn đến từ trong tâm của mỗi nhà báo. Bởi mỗi bài viết ở lĩnh vực này đều liên quan đến sinh mạng chính trị của rất nhiều người, liên quan đến danh dự của nhiều gia đình, nhiều cá nhân.
"Nếu chúng ta viết sai sẽ làm oan cho người khác và rất khó gỡ lại. Bởi vậy, lĩnh vực nội chính đòi hỏi nhà báo phải hết sức cẩn trọng trong từng câu, từng chữ. Viết bài bằng cái tâm của chính mình. Nhà báo hãy đặt mình vào trường hợp của người được nhắc đến trong bài viết. Từ đó, tiết giảm những câu chữ quá sắc bén nhưng lại không cần thiết trong bài" - nhà báo Phạm Thục nói.
Theo nhà báo Lại Văn Long, Chuyên đề Công an TP HCM, khi tác phẩm báo chí được đăng tải trên các phương tiện truyền thông đại chúng sẽ có sức ảnh hưởng rất lớn. Do đó, mỗi nhà báo và cơ quan báo chí đều phải cân nhắc trước mỗi thông tin đưa đến cho cộng đồng. Mỗi tác phẩm báo chí không chỉ đáp ứng được tính thời sự mà đằng sau đó còn phải đáp ứng được nhiều yếu tố. Đó là chính trị, pháp luật, nhân văn và cả trách nhiệm công dân.
"Mỗi tác phẩm báo chí phải được cân nhắc kỹ lưỡng trước khi đăng tải để tránh gây ra những hậu quả đáng tiếc. Điều này cũng giúp nhà báo không phải trả giá với những lỗi lầm của chính mình gây ra bởi sự nóng vội, chủ quan" - nhà báo Lại Văn Long nêu.
Chia sẻ tại tọa đàm, bà Phạm Phương Thảo - nguyên Phó Bí thư Thành ủy, nguyên Chủ tịch HĐND TP HCM - cho rằng mỗi nhà báo cần phải có tính xây dựng. "Khi viết về vấn đề gì, phê phán hay đề cao điều gì thì cũng đều phải trên tinh thần xây dựng. Bằng tinh thần xây dựng đó, nhà báo có thể dễ dàng gửi gắm thông điệp của mình đến xã hội, đến các cơ quan chức năng" - bà Thảo nói.
Theo bà Phạm Phương Thảo, nhà báo rất cần sự nhân văn. "Nếu làm báo với tinh thần nhân văn cao cả sẽ rất thuyết phục. Mỗi bài viết phải vì con người. Có những sự thật không nhất thiết phải công bố trên mặt báo vì sẽ mang lại những hệ lụy không thể lường hết được" - bà Thảo nhấn mạnh.
Cũng theo bà Phạm Phương Thảo, nhà báo cũng rất cần tinh thần trách nhiệm, dũng cảm và tinh thần dấn thân, sự tử tế. "Nếu nhà báo xây dựng mối quan hệ với các cơ quan, ban ngành bằng sự tử tế, chân thành, làm việc với nhau cẩn trọng, kỹ lưỡng, đề cao lòng nhân ái, sự tôn trọng lẫn nhau thì sẽ nhận được sự tin tưởng. Từ sự tin tưởng này, nhà báo sẽ tiếp cận được với nhiều thông tin quan trọng, hiểu vấn đề mà mình đang quan tâm một cách sâu sắc, toàn diện hơn" - bà Thảo nhấn mạnh.
Bình luận (0)