Một nghiên cứu mới vừa công bố trên tạp chí y học Gastric Cancer cho thấy nguy cơ ung thư dạ dày sẽ tăng cao ở những người thường xuyên phải rắc muối hay thêm nước chấm chứa muối vào món ăn mà đối với người khác đã đủ đậm đà.
Nhóm tác giả Đại học Vienna, Đại học Y khoa Vienna (Áo) và Đại học Queen's Belfast (Anh), đã đưa ra kết luận này dựa trên kết quả phân tích dữ liệu hơn 470.000 người được thu thập bởi Ngân hàng dữ liệu Biobank của Anh.
Tất cả những người tham gia nghiên cứu được thu thập dữ liệu chi tiết về tình hình sức khỏe trong nhiều năm, chế độ ăn, bao gồm một câu hỏi chung "Bạn có thường xuyên thêm muối vào thức ăn của mình không?".
Sau 11 năm theo dõi, những người luôn thêm muối vào món ăn đã được nêm nếm tăng tới 41% nguy cơ mắc ung thư dạ dày khi so sánh với những người không bao giờ hoặc hiếm khi cần thêm muối.
Nghiên cứu chưa đi sâu vào phân tích cơ chế liên quan giữa việc tiêu thụ nhiều muối và ung thư dạ dày, tuy nhiên một số nghiên cứu trước đó đã đưa giả thuyết về vai trò của muối trong việc phá vỡ niêm mạc dạ dày và tạo điều kiện cho vi khuẩn HP tấn công.
Nhiễm HP được biết đến là làm tăng nguy cơ ung thư dạ dày.
Muối cũng có thể làm tăng nguy cơ ung thư dạ dày thông qua các cơ chế độc lập với nhiễm HP, ví dụ bằng cách làm tổn thương biểu mô dạ dày khi phối hợp với các hợp chất có thể gây ung thư trong thực phẩm, đồ dùng, khói thuốc lá...
Theo dữ liệu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), ung thư dạ dày là loại ung thư phổ biến hàng thứ 5, với tỉ lệ mắc cao nhất ở châu Á, tiếp theo là Đông Âu và châu Mỹ Latin. Đó cũng là những nơi mà người dân có thói quen ăn mặn.
Gần đây, một nghiên cứu của Nhật Bản, công bố trên tạp chí y học European Journal of Nutrition, cũng chỉ ra thói quen ăn cá khô - vốn được tẩm rất nhiều muối - của một số người dân Nhật cũng có thể làm tăng cao nguy cơ ung thư dạ dày.
Ngoài ra, việc ăn nhiều muối cũng luôn được các chuyên gia y tế cảnh báo là nguyên nhân chính dẫn đến bệnh cao huyết áp - tình trạng mạn tính có thể dẫn đến nhiều biến cố tim mạch chết người.
Bình luận (0)