Nhóm nghiên cứu từ Đại học Y khoa Ninh Hạ và Bệnh viện Đa khoa Đại học Y khoa Ninh Hạ (Trung Quốc) đã nghiên cứu trên dữ liệu của hơn 7.300 người, thu thập bởi một cuộc khảo sát quốc gia.
Trong đó, họ được ghi nhận chi tiết các chỉ số huyết áp, mức độ vitamin C được nạp vào cơ thể cũng như mức độ homocysteine - một axit amin được tạo ra trong quá trình chuyển hóa methionine, một axit amin thiết yếu khác mà chúng ta lấy từ thực phẩm.
Kết quả cho thấy nồng độ homocysteine cao liên quan đến mức huyết áp tâm thu lẫn huyết áp tâm trương cao hơn, đồng thời nồng độ axit amin này cũng tương quan nghịch với vitamin C.
Nồng độ vitamin C cao liên quan đến mức huyết áp tâm thu thấp hơn một chút, trong khi huyết áp tâm trương thấp hơn rõ rệt.
Theo các tác giả, nồng độ homocysteine trong huyết tương tăng cao gây ra stress oxy hóa và rối loạn chức năng nội mô, từ đó dẫn đến co mạch, tăng độ cứng động mạch và suy giảm khả năng giãn mạch của oxit nitric, cuối cùng góp phần làm tăng huyết áp.
Trong khi đó, vitamin C, hoạt động như một chất chống oxy hóa mạnh, có khả năng trung hòa các gốc tự do, làm giảm căng thẳng oxy hóa và tổn thương tế bào.
Vì vậy, tác dụng giảm huyết áp mà một số nghiên cứu dạng quan sát trước đó đã chỉ ra rất có thể là tác dụng thông qua trung gian là homocysteine.
Ngoài vitamin C, các bằng chứng trước đó cho thấy các loại vitamin B là vitamin B9 (axit folic) và vitamin B12 cũng đem lại hiệu ứng tương tự.
Thông qua bằng chứng mới, các tác giả đã góp phần xác nhận giả thuyết việc bổ sung vitamin C hỗ trợ khống chế bệnh cao huyết áp.
Vitamin C dồi dào trong trái cây có múi (cam, chanh, bưởi, quýt...), dâu, kiwi, ổi, ớt chuông, bông cải xanh và một số rau màu xanh lá đậm khác.
Rau màu xanh lá đậm, cam, dâu... cũng là nguồn cung cấp axit folic tốt. Ngoài ra còn có bơ, chuối, ngũ cốc nguyên hạt, các loại đậu...
Vitamin B12 thì chủ yếu dồi dào trong sản phẩm động vật như cá, thịt, trứng, sữa và sản phẩm từ sữa, hải sản. Một số nấm và hạt cũng có vitamin B12 ở mức độ thấp hơn.
Bình luận (0)