Ngày 5-4, thông tin từ Sở Công Thương tỉnh Lâm Đồng, cơ quan này đã đề nghị phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an tỉnh xem xét việc không cho phép tiếp nhận vật liệu nổ công nghiệp (VLNCN) để thực hiện nổ mìn tại mỏ đá xã Lộc Thành, huyện Bảo Lâm của Công ty TNHH Khai thác đá Thái Sơn (Công ty Thái Sơn).
Sở cũng yêu cầu Tổng Công ty Kinh tế kỹ thuật công nghiệp quốc phòng tạm dừng việc sử dụng VLNCN để thực hiện dịch vụ nổ mìn tại mỏ đá xã Lộc Thành của doanh nghiệp này cho đến khi có kết luận về vụ việc của cơ quan chức năng.
Trước đó, chiều 3-4, sau khi nổ mìn khai thác đá, một tảng đá nặng nhiều tấn từ mỏ đá của Công ty Thái Sơn lăn xuống rẫy cà phê của người dân. Lực lăn quá lớn nên tảng đá đâm thủng chòi canh rẫy cà phê, làm hỏng máy tưới, cày nát nhiều cây trồng rồi cuối cùng làm gãy một cầu sắt của người dân mới dừng lại được. Cơ quan chức năng huyện Bảo Lâm sau đó có mặt làm rõ.
Theo tìm hiểu của phóng viên, hoạt động mỏ đá của Công ty Thái Sơn đã không ít lần gây bức xúc cho người dân xung quanh. Trước khi vụ đá lăn ngày 3-4, người dân cho biết đã nhiều lần mỏ đá nổ mìn khai thác khiến đá lăn vào khu vực rẫy, nhà của họ.
Gần đây nhất, tháng 1-2024, hàng chục hộ dân xã Lộc Thành đồng ký tên vào đơn kiến nghị gửi Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân tỉnh, UBND tỉnh, UBND huyện Bảo Lâm cùng nhiều sở ngành liên quan. Họ kiến nghị giải quyết tình trạng xe chở đá từ mỏ đá của Công ty Thái Sơn làm hư hỏng con đường đi lại của người dân trong khu vực.
Theo đơn kiến nghị, trước đây thôn 10, xã Lộc Thành được nhà nước đầu tư con đường nhựa từ ngã ba thôn Tà Ngao đến cuối thôn của bà con H'Mông, giúp người dân đi lại thuận tiện, chở hàng hóa. Tuy nhiên, khoảng 2 năm nay, người dân cho rằng xe vận chuyển đá từ mỏ đá của Công ty Thái Sơn liên tục lưu thông làm đoạn đường từ mỏ đá đến ngã ba Tà Ngao xuống cấp trầm trọng.
Đặc biệt, tại những đoạn có độ dốc cao, nếu người dân di chuyển gặp phải xe chở đá từ mỏ đá của Công ty Thái Sơn, tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ tai nạn. Bên cạnh đó, người dân cũng thông tin, con đường nhựa chỉ cho xe trọng tải 8 tấn nhưng các xe nêu trên có trọng tải từ 30-45 tấn. Đại diện thôn 10 đã đến mỏ đá làm việc với ông Dương Công Sự - người được cho là chủ mỏ đá và người này hứa hẹn sớm tu sửa con đường.
"Khoảng tháng sau, chúng tôi phát hiện ông Sự cho xe chở đá bẩn và đất đổ xuống khỏa lấp những chỗ hư hỏng, lấp luôn mương thoát nước trước đây nhà nước làm đường nhựa. Hiện tại, con đường nhựa đã biến thành con đường đất đỏ, lổn nhổn đất đá. Trời mưa thì sình lầy trơn trượt, trời nắng thì bụi bay mù mịt khiến người dân khổ sở", người dân thông 10 viết trong đơn gửi các cơ quan chức năng.
Đến đầu tháng 2-2024, UBND huyện Bảo Lâm nhận được đơn của các hộ dân và chuyển đến UBND xã Lộc Thành xem xét, xử lý và trả lời công dân theo quy định. Huyện yêu cầu báo cáo kết quả thực hiện về UBND huyện nhưng không nêu thời gian cụ thể phải báo cáo.
Tiếp tục đến đầu tháng 3, Sở Tài nguyên và Môi trường chuyển đơn kiến nghị của người dân xã Lộc Thôn liên quan đến vấn đề trên đến UBND huyện Bảo Lâm xem xét giải quyết. Đề nghị huyện xem xét nội dung kiến nghị để kiểm tra việc thực hiện các quy định theo Luật Khoáng sản 2010 và xử lý nghiêm các vi phạm (nếu có) theo thẩm quyền hoặc báo cáo cơ quan cấp trên xử lý.
Thế nhưng đến nay, theo người dân, con đường mà mọi người kiến nghị vẫn trong tình trạng "nát như tương", mưa thì ngập nước lầy lội, nắng thì bụi bay khắp nơi, xe chở đá trọng tải lớn vẫn ngày đêm gây ảnh hưởng nghiêm trọng cuộc sống của người dân.
Vào tháng 10-2021, UBND xã Lộc Thành có báo cáo UBND huyện Bảo Lâm về việc ông Dương Công Sự - người được cho là chủ mỏ đá nêu trên - có hành vi san gạt, cải tạo mặt bằng để tập kết vật liệu với diện tích 2.506 m2 nhưng chưa được sự cho phép của cơ quan chức năng, khu đất cũng chưa được cấp giấy chứng nhận.
Tại vị trí này cũng đang xảy ra tranh chấp quyền sử dụng đất giữa 2 cá nhân khi ông Dương Công Sự tự ý vào múc đất, san gạt. UBND xã Lộc Thành đã báo cáo UBND huyện Bảo Lâm giải quyết đối với vi phạm của người này.
Bình luận (0)