Tôi có nhiều bạn đồng hương từng ăn nên làm ra với hàng may mặc. Họ nhập nguyên liệu từ Trung Quốc về rồi làm thành phẩm, bỏ mối khắp nơi, kể cả xuất sang vài thị trường nước ngoài; có doanh nghiệp tư nhân chạm mốc doanh thu ngàn tỉ đồng mỗi năm.
Gần đây, quy mô làm ăn giảm dần, công ty thưa vắng nhân công, hoạt động cầm chừng. Ai cũng than: "Chịu không nổi với hàng Trung Quốc. Kể cả khi nhập nguyên liệu giá rẻ bên đó về, cái áo, chiếc quần mình làm ra bây giờ bán với giá thấp hơn vài năm trước mà vẫn không rẻ bằng giá họ bán trên các sàn thương mại điện tử. Thua!".
Dù đến nay chưa có khảo sát và báo cáo chính thức từ cơ quan chức năng về hiện trạng các doanh nghiệp hàng tiêu dùng vừa và nhỏ, siêu nhỏ trong nước trước làn sóng hàng hóa giá rẻ từ Trung Quốc đổ bộ, nhưng có thể xác quyết rằng các nhà sản xuất - kinh doanh Việt Nam đang hết sức khó khăn và lúng túng. Sau Taobao, Shein, bây giờ là Temu đã tạo sức ép liên tục, khiến phần đông doanh nghiệp Việt co cụm và cố thủ ngay trên sân nhà. Rất nhiều trường hợp đã phải thu hẹp sản xuất - kinh doanh hoặc đóng cửa.
Trước tình hình nan giải, doanh nghiệp những ngành hàng chịu tác động mạnh như dệt may, tiêu dùng nhanh, giày da, nhựa, cao su, gốm sứ, đồ điện tử đã lên tiếng kiến nghị Nhà nước có giải pháp hỗ trợ kịp thời.
Đây quả là bài toán hóc búa, cần huy động "chất xám" của nhiều bên mới mong tìm ra lời giải.
Về phía Nhà nước, thể hiện vai trò "bà đỡ" vào lúc này là hết sức quan trọng. Cấm tiệt cực đoan hoặc áp thuế nhập khẩu đến 200% đối với hàng giá rẻ Trung Quốc, như cách Indonesia định làm, có nên? Vì sẽ đối diện nguy cơ bị "trả đũa" thuế quan. Nhưng tăng thuế nhập khẩu ở mức hợp lý, đồng thời cắt giảm lượng hàng giá rẻ nhập từ Trung Quốc, theo cách Thái Lan và Malaysia đã làm, thì cũng nên tính tới, ít ra cũng có tác dụng cảnh báo, răn đe. Và đối với các ứng dụng mua sắm xuyên biên giới, phải mạnh tay thanh - kiểm tra dấu hiệu tránh né nghĩa vụ thuế, khuyến mãi trái quy định, lừa dối khách hàng (không giao hàng, hàng kém chất lượng) để chống thất thu ngân sách Nhà nước, phạt cạnh tranh không lành mạnh và bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng.
Phải hành động ngay, quyết liệt, như vừa rồi Sở Công Thương TP HCM báo cáo, đề xuất Bộ Công Thương xử lý trường hợp Temu giảm giá tới 90% (luật định khuyến mãi không vượt quá 50% giá trị hàng hóa, dịch vụ). Ngoài ra, Nhà nước cần xem xét giảm thêm một số sắc thuế, gỡ bỏ những thủ tục hành chính không cần thiết để doanh nghiệp trong nước đỡ hao tốn chi phí…
Hơn ai hết, bản thân doanh nghiệp biết mình phải làm gì. Chạy đua sản xuất số lượng lớn với đối thủ cùng ngành - được ví là "công xưởng thế giới" - nhằm hạ giá thành, là không thể. Do vậy, căn cơ vẫn là phương pháp quản trị để làm sao tối ưu hóa chi phí, có hàng hóa chất lượng tốt hơn nhưng giá cả cạnh tranh hơn, thì mới giải quyết được vấn đề.
Chúng ta kêu gọi người Việt ưu tiên dùng hàng Việt thì yếu tố tiên quyết là hàng Việt phải tốt, giá hợp lý và khâu thực hành sản xuất phải gắn trách nhiệm với môi trường, với cộng đồng.
Bình luận (0)