Tháng 1-2024, Tổ chức Y tế Thế giới cảnh báo số ca mắc và tử vong vì sốt xuất huyết đã tăng 189% so với cùng kỳ năm ngoái. Tại Việt Nam, tuy mùa dịch thường niên chưa đến nhưng trong dịp Tết Nguyên đán, cả nước đã phát hiện 37 ổ dịch, 357 ca mắc. Trong năm 2023, dịch sốt xuất huyết đã cướp đi sinh mạng của 43 người với hơn 172.000 ca mắc. Trước đó, 2022 được ghi nhận là năm Việt Nam có số ca nhiễm cao kỷ lục trong vòng 25 năm qua.
Điều trị bệnh nhân sốt xuất huyết tại Bệnh viện Bạch Mai
Sốt xuất huyết: Ngưỡng cửa sinh tử
Bệnh có diễn biến lâm sàng gồm 3 giai đoạn: sốt, nguy hiểm và phục hồi. Trong đó, đáng lo nhất là hội chứng sốc Dengue xảy ra trong giai đoạn 2. Nếu bệnh nhân không điều trị kịp thời hoặc có bệnh nền, bệnh sẽ dễ trở nặng đột ngột, đe dọa tính mạng. Thời gian điều trị tích cực của nhiều ca có khi kéo dài hơn cả tháng, để lại nhiều di chứng về sức khỏe cho bệnh nhân. Hơn nữa, đây cũng là gánh nặng lớn đối với ngành y tế bởi tốn hao nhiều thời gian, nhân lực và chi phí có thể lên đến hàng trăm triệu đồng để điều trị cho những ca sốt xuất huyết nặng.
Theo nghiên cứu của Bộ Y tế, tại một số bệnh viện thuộc khu vực miền Nam, trung bình mỗi người mắc sốt xuất huyết phải nghỉ từ 7-14 ngày để điều trị, người thân phải nghỉ việc từ 7-9 ngày để chăm sóc. Chi phí điều trị trung bình cho một người bệnh từ 900.000 đến 2.700.000 đồng tùy theo độ nặng và tuổi của người bệnh, chưa kể các chi phí có liên quan khác. Trong giai đoạn 2010 - 2012, chi phí điều trị cho 95.000 bệnh nhân nhập viện điều trị sốt xuất huyết tại Việt Nam đã tiêu tốn 140 - 160 tỉ đồng. Đó là chưa kể đến một lượng lớn người bệnh tự điều trị tại nhà không đến cơ sở y tế nên chưa được thống kê.
Tháng 10-2022, một sản phụ 28 tuổi tại TP HCM mắc sốt xuất huyết ở tuần 25 của thai kỳ, nhập viện với nhiều dấu hiệu cảnh báo sốc Dengue. Sau 5 ngày nỗ lực vừa điều trị sốt xuất huyết vừa giữ thai, bệnh viện phải mổ chủ động chấm dứt thai kỳ dù việc sinh non dưới 28 tuần rất rủi ro cho thai nhi. Các chuyên gia khẳng định, mắc sốt xuất huyết giai đoạn đầu và cuối thai kỳ cực nguy hiểm, để lại nhiều hệ lụy, đe dọa đến tính mạng của cả mẹ và bé.
Năm 2023, Bệnh viện Nhi đồng TP HCM tiếp nhận hàng loạt ca sốt xuất huyết nặng. Các bệnh nhi tuổi đời rất nhỏ, thậm chí chỉ mới 5 tháng tuổi đã phải chịu phác đồ điều trị tích cực trong nhiều ngày liền với những phương pháp không chỉ tốn kém mà còn gây đau đớn như lọc máu, đặt nội khí quản, bộc lộ tĩnh mạch để luồn catheter... Thậm chí, có nữ bệnh nhi 15 tuổi tuy đã vượt qua giai đoạn nguy kịch nhưng cân nặng giảm từ 54 kg còn 37 kg chỉ sau thời gian điều trị sốt xuất huyết. Tuy đã thành công cứu sống các bé nhưng di chứng là không thể tránh khỏi.
Nguy cơ nhiễm sốt xuất huyết, trở nặng và bị đe dọa đến tính mạng có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi và thể trạng. Như trường hợp nữ bệnh nhân 45 tuổi tại Hà Nội được ghi nhận đã nhập viện ở ngày 4 nhiễm bệnh nhưng sau 3 ngày điều trị tích cực, bệnh nhân vẫn không qua khỏi vào ngày 30-8-2023. Cuối năm 2023, một nam bệnh nhân 21 tuổi đã nhập viện Bệnh viện Nhiệt đới TP HCM trong tình trạng thiếu máu tán huyết và suy đa cơ quan do sốt xuất huyết nặng sau 3 ngày tự điều trị tại nhà. Phải trải qua 32 ngày điều trị tích cực, người bệnh mới có thể xuất viện.
Kỳ vọng vào giải pháp mới trong phòng và điều trị
Theo giới chuyên gia, trong khi chờ đợi biện pháp phòng ngừa chủ động, người dân cần thực hiện các biện pháp kiểm soát véc-tơ như diệt lăng quăng; phát quang bụi rậm; không để nước tồn đọng trong lu, chai, lọ quanh nhà; ngủ màn để tránh muỗi đốt...
Bên cạnh đó, các nhà khoa học vẫn không ngừng nỗ lực nghiên cứu vắc-xin phòng sốt xuất huyết suốt 75 năm qua. Sau nhiều khó khăn, quả ngọt cũng đến khi hiện đã có một số loại vắc-xin thành công vượt qua các bước thử nghiệm và được phê duyệt sử dụng cũng như đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng tại nhiều quốc gia trên thế giới với khả năng phòng ngừa tốt cả 4 chủng virus, giảm nguy cơ trở nặng của bệnh.
Vắc-xin phòng sốt xuất huyết từng là khát vọng của nhân loại giờ đây đã được sử dụng tại nhiều nước trên thế giới
Nhìn nhận vai trò của vắc-xin, trong buổi tư vấn sức khỏe diễn ra vào tháng 9-2023, ThS-BS Đinh Thị Hải Yến, Trưởng Khoa Truyền thông, giáo dục, sức khỏe, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP HCM (HCDC) nhận định: "Vắc-xin là giải pháp hiệu quả nhất để phòng các bệnh truyền nhiễm. Hiện nay, một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm đã có vắc xin như: COVID-19, sởi, quai bị, Rubella, bạch hầu...".
Các chuyên gia cũng kỳ vọng, bên cạnh những biện pháp phòng tránh truyền thống, vắc-xin sẽ trở thành lá chắn mới giúp đẩy lùi dịch sốt xuất huyết, giảm tải gánh nặng cho ngành y tế cũng như tác hại nặng nề của bệnh đến sức khỏe, tính mạng con người.
Bình luận (0)