Quyết tâm chuyển đổi xanh, Việt Nam không chỉ chứng minh "nói và làm" sau những cam kết với quốc tế, mà còn để giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường, hiện thực hóa mục tiêu phát triển bền vững.
Chỉ thị số 20/CT-TTg về một số nhiệm vụ cấp bách trong công tác bảo vệ môi trường, do Thủ tướng Chính phủ ký ban hành hôm 12-7, cho thấy quyết tâm này. Chỉ thị 20 đề ra các nhóm giải pháp toàn diện, như: Kiểm soát khí thải giao thông đô thị, cải thiện năng lực xử lý chất thải rắn, đặc biệt nhấn mạnh vai trò của cơ chế chính sách thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh trong đó có khuyến khích phương tiện giao thông sạch, công nghệ thân thiện môi trường. Cụ thể hơn, đối với thủ đô Hà Nội, từ ngày 1-7-2026 sẽ cấm xe máy xăng lưu thông trên đường Vành đai 1. Đến năm 2028, phạm vi cấm mở rộng ra đường Vành đai 2 và từ năm 2030 là Vành đai 3, đồng thời hạn chế cả với ô tô chạy xăng dầu.
Ô nhiễm không khí tại Hà Nội ngày càng nghiêm trọng, ảnh hưởng nặng nề đến chất lượng sống, sức khỏe người dân và phát triển kinh tế - xã hội, nên việc khẩn trương, kịp thời áp dụng các giải pháp ứng phó là cần thiết. Sở Xây dựng TP Hà Nội đang trình và lấy ý kiến các giới, ngành cho dự thảo Nghị quyết triển khai thực hiện Chỉ thị 20, trong đó có nhiều giải pháp mang tính hệ thống, lâu dài, phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý, doanh nghiệp và cộng đồng. Chẳng hạn, đề xuất hỗ trợ từ 3 đến 5 triệu đồng cho người dân có xe máy chạy xăng/diesel tại các vùng phát thải thấp, khi chuyển đổi sang phương tiện xanh có giá trị từ 15 triệu đồng trở lên. Mỗi hộ nghèo được hỗ trợ tối đa 1 xe đến hết năm 2030.
Cần nhớ là từ 8 năm trước, HĐND TP Hà Nội từng ban hành Nghị quyết 04 (ngày 4-7-2017) đặt ra lộ trình: từng bước hạn chế hoạt động của xe máy ở một số khu vực và dừng hoạt động xe máy ở các quận cũ vào năm 2030. Đến nay, xem như nội dung này không thành hiện thực. Do vậy, cho dù chính sách đã thuận lòng dân rồi, song lần này cách làm phải bài bản, đồng bộ và quyết tâm rất cao thì mới đạt được thành công.
Nêu thêm một chính sách khác để củng cố lập luận nêu trên: Quyết định số 1129/QĐ-TTg được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành ngày 27-7-2020 phê duyệt "Đề án phát triển kinh tế ban đêm ở Việt Nam". Thành công của mô hình kinh tế đêm tại nhiều nước trên thế giới đã quá rõ ràng, Việt Nam cũng có nhiều tiềm năng, lợi thế - nếu triển khai thực hiện tốt Đề án thì kinh tế đêm sẽ đóng góp rất lớn vào GDP quốc gia, thúc đẩy du lịch phát triển mạnh.
Ngay sau đó, các thành phố lớn, nhiều tỉnh đã năng động, linh hoạt triển khai, quy hoạch các mô hình, hoạt động kinh tế đêm trong 5 năm qua, nhưng trên thực tế còn khá manh mún, thiếu vắng những lễ hội hấp dẫn và hoạt động giải trí đủ sức hút, thực phẩm chưa bảo đảm vệ sinh…, dẫn tới nhiều nơi đã sớm chết yểu các phố ẩm thực, chợ đêm…
Vậy nên, với những quyết sách lớn, cần phải hạ quyết tâm rất cao, làm tới nơi tới chốn, có địa chỉ trách nhiệm rõ ràng, tuyệt đối tránh tình trạng "đánh trống bỏ dùi".
Bình luận (0)