Sẽ có một cuộc cách mạng công nghệ trong tương lai, doanh nghiệp (DN) phải thay đổi trong sản xuất và sử dụng người lao động (NLĐ). Phóng viên Báo Người Lao Động đã có cuộc trao đổi với ông EMIN TURAN, Tổng Giám đốc Sanofi Việt Nam (DN ngành dược phẩm), về vấn đề này.
Phóng viên: Ông đánh giá thế nào về việc chăm sóc sức khỏe trong thời gian tới?
- Ông EMIN TURAN: Tôi dự đoán trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ là công cụ hỗ trợ đắc lực cho DN. Sự phát triển của công nghệ (AI, Big Data, phân tích dữ liệu...) không chỉ thay đổi cơ bản cách y học vận hành, nghiên cứu ra các loại thuốc và phương pháp điều trị mới mà còn tác động đến cách các công ty ngành dược, thiết bị y tế, chăm sóc sức khỏe đang tiến hành kinh doanh. Do đó, khả năng khai thác và ứng dụng công nghệ vào thực tiễn kinh doanh và văn hóa làm việc là yếu tố quan trọng quyết định thành công của DN. Và Sanofi cũng đặt ra một mục tiêu trở thành DN dược đầu tiên thúc đẩy vai trò của AI ở quy mô rộng rãi trong mọi khía cạnh hoạt động của công ty.
Bên cạnh đó, xu hướng "y tế từ xa" đã xuất hiện và trong tương lai sẽ còn phổ biến hơn nữa. Với sự tiến triển vượt bậc trong chẩn đoán và công nghệ AI, con người sẽ chú trọng nhiều hơn về sức khỏe và tiếp cận dễ dàng với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe từ xa, nâng cao hiệu quả trong giao tiếp giữa các chuyên gia y tế và bệnh nhân.
Ở khía cạnh phát triển bền vững, suy thoái môi trường và biến đổi khí hậu là những vấn đề đang ngày càng nghiêm trọng, đòi hỏi DN mọi lĩnh vực phải thay đổi cách thức hoạt động… để chống lại những tác hại của nó và bảo vệ sức khỏe chúng ta. Vì vậy, công nghệ sẽ là yếu tố tạo nên sự khác biệt cho DN, ngay cả khi DN đó không thuộc lĩnh vực công nghệ.
Tác động của công nghệ đối với lực lượng lao động như thế nào?
- Trong những năm qua, công ty chúng tôi đã ứng dụng công nghệ sâu rộng vào quy trình làm việc và tương tác với khách hàng, đối tác và nhân viên. Điều này sẽ còn được thúc đẩy nhiều hơn nữa trong những năm tới. DN cũng chuyển đổi mô hình truyền thống từ trên xuống theo hướng hợp tác và vi mô hơn, kết hợp yếu tố công nghệ, đã tạo ra văn hóa trao quyền, mang đến nhiều thay đổi tích cực. Mô hình làm việc từ xa của công ty cũng trở thành một nét văn hóa quan trọng, kết hợp hài hòa giữa hình thức làm việc trực tiếp truyền thống và công nghệ. Môi trường làm việc tại công ty rất linh hoạt, ví dụ như nhân viên có thể làm việc tại nhà 2 ngày/tuần, tùy chọn khung giờ làm việc trong ngày, hạn chế tổ chức họp vào chiều thứ sáu để dành thời gian phát triển bản thân…
Liên quan đến chiến lược nhân tài, Sanofi Việt Nam ưu tiên tìm kiếm những tài năng có khả năng thích nghi nhanh với công nghệ và đón đầu xu hướng mới. Nhìn chung, đây sẽ là những ứng viên được săn đón, ở bất kỳ vai trò nào trong mọi công ty. Tất cả chiến lược này giúp DN nâng cao hiệu suất, khả năng thích ứng linh hoạt, cân bằng trong công việc - cuộc sống và sức khỏe cho NLĐ.
Để duy trì sự cạnh tranh và phát triển, công ty có những chiến lược gì?
- Hiện công ty tập trung vào tuyển dụng, giữ chân và phát triển tài năng phù hợp với những xu hướng dự đoán và phát triển công nghệ. Đặc biệt, chú trọng xây dựng môi trường làm việc đa thế hệ, đề cao tính đa dạng, bình đẳng và hòa nhập. Bên cạnh đó, áp dụng công nghệ vào đào tạo, trang bị cho nhân viên những công cụ, kiến thức và kỹ năng cần thiết để ứng phó với tình hình cạnh tranh và biến động cũng sẽ là ưu tiên chiến lược của Sanofi Việt Nam trong thời gian tới.
Ngoài ra, chúng tôi còn đẩy mạnh khai thác tối đa sức mạnh của AI, chuyển đổi số quy trình làm việc và văn hóa công ty. Qua đó, sẽ là những yếu tố quan trọng quyết định thành công của DN.
Bình luận (0)