Ở vùng núi Quảng Trị, chưa ai ghi lại được hình ảnh của vượn Siki, kể cả những người đang giữ rừng ở Khu Bảo tồn thiên nhiên (BTTN) Bắc Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị. Dù thế, những người giữ rừng vẫn có cách để nhận biết có bao nhiêu đàn vượn Siki đang sinh sống trong rừng.
Thâm nhập Tiểu khu 635
Lần lữa mãi, cuối cùng tôi cũng được theo chân nhóm cán bộ của Khu BTTN Bắc Hướng Hóa đi điều tra, khảo sát vượn Siki.
Đó là một ngày cuối tháng 4. Gió Lào vượt dãy Trường Sơn bỏng rát như quạt lửa vào mặt.
Đoàn gồm 9 người, cứ trực chỉ hướng thôn Trĩa (xã Hướng Sơn, huyện Hướng Hóa) mà đi. Đây là địa bàn cách trở nhất của huyện Hướng Hóa với gần 3 giờ di chuyển bằng xe máy. Đó là thời gian tối ưu đối với người có tay lái cứng, quen đường. Chứ những người lần đầu đến đây thì phải trầy trật mãi mới tìm được tới nơi.
Đến thôn Trĩa thôi vẫn chưa đủ. Phải cuốc bộ dọc suối Cát lắm ghềnh đá cheo leo thêm 3 giờ nữa, chúng tôi mới đến được khu vực nhiều khả năng có vượn Siki sinh sống. Hai bên suối này là các ngọn núi cao, khá hiểm trở nên có rất ít sự tác động của con người.
Dọc hành trình, từng đàn khỉ, voọc vô tư chuyền cành, kêu chí chóe, vẻ như không quan tâm đến việc có mặt của đoàn chúng tôi. Nhiều đàn chim đủ màu sắc đua nhau hót vang. Thi thoảng còn bắt gặp từng cụm lan kim tuyến quý hiếm thả mình trên các mỏm đá lớn. Các cổ thụ cao hàng chục mét, trên đó vắt vẻo những tổ ong rừng to lớn…
Sau nhiều lần nghỉ chân rồi đi, chúng tôi cũng đã đến được nơi cần đến. Khu vực được chọn đóng lán nằm ngay dưới chân của khu rừng thường xanh núi đất, thuộc Tiểu khu 635.
Sáu nhân viên, cán bộ của Khu BTTN Bắc Hướng Hóa chia thành 3 nhóm, vạch rừng tìm lên các đỉnh núi. Họ khảo sát trước đường đi và chọn vị trí lắp đặt máy ghi âm để ghi tiếng vượn Siki hú. Những người còn lại thì tìm cây dựng lán, buộc võng làm chỗ nghỉ qua đêm.
Anh Trần Văn Hùng - Trưởng Trạm Quản lý, bảo vệ rừng Trĩa, Khu BTTN Bắc Hướng Hóa - cho biết những chuyến khảo sát trước đó cho thấy tại khu vực Tiểu khu 635 có nhiều đàn vượn Siki sinh sống. Loài linh trưởng này có thân hình thon nhẹ, tay chân dài, không có đuôi. Con đực có màu đen toàn thân, hai má lông màu trắng nối nhau bằng vệt trắng dưới cằm. Con cái và con non có lông màu vàng. Chúng sống theo gia đình từ 2-4 con, mỗi năm đẻ một lứa.
Vượn Siki rất tinh khôn. Chúng ăn, ngủ ngay trên cây, rất ít khi xuống mặt đất. Vì thế, quá trình điều tra, rất khó để ghi lại được hình ảnh của vượn Siki.
"Chúng tôi phải sử dụng thiết bị ghi âm SM4 ghi lại tiếng hú, rồi phân tích bằng phần mềm RAVEN để tạo phổ âm thanh tiếng hú của các đàn vượn. Từ đó, xác định số lượng các cá thể và số đàn vượn Siki hú. Quá trình điều tra, tại mỗi điểm nghe sẽ được bố trí 3 nhóm nghe độc lập trên 3 đỉnh cao. Việc điều tra lặp lại 3 lần/3 ngày" - anh Hùng giải thích trong lúc vẫn lắp đặt máy ghi âm.
Hoàn thành mọi công việc thì cũng là lúc trời bắt đầu sẩm tối. Chúng tôi nhóm lửa, nấu ăn ngay bên dòng suối Cát với thức ăn khô mang theo và một số rau rừng hái dọc đường. Đêm, rừng cứ thế tối rất nhanh. Đom đóm bắt đầu lập lòe bên suối. Ăn uống xong, chúng tôi lên võng tranh thủ nằm ngủ để sáng sớm hôm sau tiếp tục hành trình.
Bản hợp âm tuyệt vời
4 giờ sáng, tiếng ếch nhái dường như khản đi nhiều sau một đêm mải miết gọi bạn tình, nhưng dòng suối Cát vẫn giữ nhịp róc rách miên trường qua kẽ đá. Lúc này, anh Trần Văn Hùng khẽ đánh thức mọi người để lên đường.
Sau khi chuẩn bị tư trang, đoàn khảo sát chia nhau ra 3 hướng, tìm lên các điểm cao đã đặt máy ghi âm trước đó. Nhóm chúng tôi, ngoài anh Hùng, còn có thêm Trần Đăng - viên chức Khu BTTN Bắc Hướng Hóa.
Trời vẫn tối om. Mỗi người phải đội trên đầu một chiếc đèn pin, bám chân nhau bò lên những lèn đá dựng đứng với vô số hiểm nguy chực chờ.
Từ bờ suối lên đến điểm nghe chỉ khoảng 400 m nhưng phải mất hơn nửa giờ chúng tôi mới lên đến nơi. Máy định vị GPS cho thấy đỉnh núi này có độ cao hơn 500 m so với mực nước biển. Sau khi kiểm tra, bật máy ghi âm, mọi người tắt hết đèn pin, ngồi tựa vào gốc cây rừng chờ vượn hót. Muỗi rừng kéo đến vo ve, lao vào hút máu.
Trong lúc chờ đợi, Trần Đăng nói vừa đủ nghe, rằng vượn Siki thường hú vào lúc 5-9 giờ sáng. Tiếng hú của chúng được cho là để bảo vệ lãnh thổ, thức ăn và cũng có thể nhằm thu hút bạn tình. Đối với con đực, tiếng hú của chúng to, khỏe, ngân nga và rõ ràng. Con cái thường hú sau con đực trong đàn, kéo dài và luyến láy nhiều hơn.
Vượn Siki có tên khoa học là Nomascus siki, thuộc nhóm cực kỳ nguy cấp trong Sách Đỏ thế giới. Tại Việt Nam, loài linh trưởng này chỉ được ghi nhận tại vùng núi non 3 tỉnh Quảng Trị, Quảng Bình và Hà Tĩnh với số lượng khá khiêm tốn.
"Việc quan sát được chúng là điều rất khó, vì loài này rất tinh khôn. Chúng chỉ ở những khu rừng cao trên dưới 1.000 m, nơi không có tác động của con người. Vì thế, phương pháp điều tra điểm nghe dựa trên tiếng hú được áp dụng để đánh giá mật độ sinh trưởng của vượn Siki" - Đăng nói.
Câu chuyện chỉ ngắt quãng khi đỉnh núi cao đối diện bắt đầu xuất hiện tiếng hú của vượn Siki sau tiếng hót của chim "côi cà, côi cột". Tiếng hú phát ra từ đỉnh núi này đến đỉnh núi kia. Đàn này dừng hú thì đàn khác tiếp nối. Nào là "hiu…u….u hà…à…à", "hiu…u…u huýt chồ", "chìu huýt, chìu huýt", "quýt…uýt…uýt…uýt…". Cả khu rừng cứ chìm trong bản hợp âm của vượn Siki như thế, nghe thích tai lạ lùng.
Cả anh Hùng và Đăng đều dỏng tai lắng nghe để xác định góc phương vị, khoảng cách từ điểm nghe đến vị trí đàn vượn hú. Họ tỉ mẩn ghi chép lại tọa độ điểm nghe, thời gian, tần suất, âm lượng và số lượng cá thể hú. Ngay cả đặc điểm sinh cảnh, các yếu tố thời tiết cũng được ghi chép lại tỉ mỉ. Đây là những căn cứ để điều tra, xác định khu vực sinh sống, số lượng cá thể, số lượng đàn vượn Siki trong lâm phần đơn vị này quản lý.
Theo anh Hùng, có những thời điểm đoàn điều tra gặp mưa, không thể thu được tiếng hú của vượn Siki nên phải nán lại rừng nhiều ngày để tiếp tục điều tra. Quá trình này, các thành viên trong đoàn đối diện với rất nhiều hiểm nguy như bị rắn độc cắn, sốt rét rừng hay té ngã...
Ghi nhận hàng trăm đàn
Vào năm 2022, qua điều tra, Ban Quản lý Khu BTTN Bắc Hướng Hóa xác định trong lâm phần đơn vị quản lý có khoảng 112 đàn với 336 cá thể vượn Siki sinh sống. Đó là kết quả sau một năm trời cán bộ của đơn vị này phối hợp với đơn vị tư vấn xây dựng đề cương, lên kế hoạch và nằm rừng điều tra.
Ông Hà Văn Hoan, Giám đốc Ban Quản lý Khu BTTN Bắc Hướng Hóa, cho biết khu vực vượn Siki phân bố chủ yếu là những khu rừng kín lá rộng thường xanh nhiệt đới giàu và trung bình. Cụ thể, trong 21 tiểu khu rừng thuộc các xã Hướng Lập, Hướng Việt, Hướng Sơn và Hướng Linh (huyện Hướng Hóa) đều ghi nhận có vượn Siki sinh sống.
Theo ông Hoan, vượn Siki là một trong những loài linh trưởng được quan tâm ở Việt Nam và trên toàn thế giới. Tuy nhiên, nguồn tài trợ bảo tồn loài này còn rất hạn chế, đặc biệt là các nguồn kinh phí từ trong nước.
"Vì tốc độ sinh sản của chúng rất chậm, sự phát triển lại kéo dài, nên chúng rất dễ tuyệt chủng nếu không được quan tâm bảo vệ, bảo tồn" - ông Hà Văn Hoan lo lắng.
Hai mối đe dọa
Theo ông Hà Văn Hoan, ở nhiều nơi, do có tiếng hót to và dài, đồng thời con cái có màu sắc sặc sỡ nên vượn Siki thường là đối tượng của hoạt động săn bắt động vật hoang dã. Bên cạnh đó, việc phá hủy sinh cảnh là mối đe dọa gián tiếp đến môi trường sinh sống của vượn Siki.
"Nắm bắt 2 mối đe dọa đến loài linh trưởng này nên thời gian qua chúng tôi đã không ngừng tuyên truyền, vận động người dân cùng chung tay bảo vệ rừng và bảo tồn loài. Cùng với đó là tăng cường hoạt động tuần tra, giám sát nhằm xác định xu hướng phát triển của quần thể, từ đó có các kế hoạch bảo tồn hữu hiệu" - ông Hoan khẳng định.
Bình luận (0)