Đáng chú ý, lượng kiều hối về TP HCM năm qua cao gấp 2,7 lần tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và bằng khoảng 14% GRDP của thành phố.
Theo ước tính của Ngân hàng Thế giới (WB), năm 2023, Việt Nam ghi nhận khoảng 14 tỉ USD kiều hối. Trong đó, 5 năm trở lại đây, lượng kiều hối về TP HCM tăng trưởng qua từng năm và luôn duy trì tỉ trọng cao so với tổng kiều hối của cả nước. Chẳng hạn, riêng năm 2018, kiều hối chuyển về TP HCM chiếm 44,1% tổng kiều hối cả nước; năm 2019, tỉ lệ này là 48%.
Không chỉ TP HCM mà với cả nước, kiều hối - bản chất là nguồn ngoại tệ từ thu nhập, tích lũy của kiều bào, người lao động ở nước ngoài - có vai trò đặc biệt quan trọng, là nguồn lực bổ sung, góp phần phát triển kinh tế - xã hội cũng như giúp tăng cường hiệu quả điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước.
Kiều hối có đặc điểm nổi bật là không phải hoàn trả, không phải trả chi phí sử dụng vốn, chi phí lãi vay. Nguồn lực này trước hết phục vụ cho nhu cầu của người nhận kiều hối, bao gồm gửi tiết kiệm, tiêu dùng cá nhân, xây dựng và sửa sang nhà cửa để nâng cao chất lượng cuộc sống hay mở rộng các hoạt động sản xuất - kinh doanh. Do đó, giá trị của kiểu hối mang lại là rất lớn, trở thành nguồn lực "vàng" và cần được tiếp tục khuyến khích, thu hút cũng như phát huy hiệu quả hơn nữa.
Số liệu phân tích cho thấy kiều hối từ khu vực châu Á chiếm tỉ trọng cao nhất với 50,5% và đạt mức tăng trưởng 143,8% so với cuối năm 2022. Thị trường lao động, dịch vụ, du lịch mở cửa và phát triển mạnh mẽ sau đại dịch COVID-19 tại các quốc gia châu Á cùng môi trường kinh tế - chính trị ổn định đã tác động tích cực đến kiều hối chuyển về trong năm 2023. Thời gian tới, xu hướng tích cực này dự báo vẫn tiếp diễn.
Với TP HCM, năm 2023, UBND thành phố đã chỉ đạo xây dựng Đề án "Chính sách thu hút và phát huy nguồn lực kiều hối trên địa bàn thành phố" nhằm tiếp tục thu hút và sử dụng hiệu quả nguồn kiều hối chuyển về; tiếp tục phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, lòng yêu nước, niềm tự hào của kiều bào và cộng đồng người Việt đang sinh sống, học tập, lao động ở nước ngoài. Đề án đặt mục tiêu phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng kiều hối chuyển về ít nhất 10%/năm trong giai đoạn năm 2023 - 2025 và duy trì tốc độ này trong giai đoạn 2025 - 2030.
Để tiếp tục thu hút nguồn lực từ kiều hối, lan tỏa tới các ngành kinh tế - xã hội trên địa bàn TP HCM nói riêng và cả nước nói chung, cần tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư; phát triển hệ thống mạng lưới, dịch vụ chi trả kiều hối của ngân hàng thương mại và doanh nghiệp. Những giải pháp này góp phần quan trọng trong thu hút kiều hối chuyển về để đầu tư cho các lĩnh vực then chốt như y tế, giáo dục, văn hóa, công nghệ, kinh tế xanh...
Thái Phương ghi
Bình luận (0)