Phát triển kinh tế xanh không chỉ là lựa chọn tất yếu mà còn là cơ hội để TP HCM bắt kịp xu thế phát triển của thế giới, xứng đáng là đầu tàu kinh tế của cả nước.
TP HCM là đô thị có quy mô kinh tế lớn nhất nước, đóng góp khoảng 1/5 GDP, hơn 1/4 thu ngân sách quốc gia; dẫn đầu các tỉnh, thành về thu hút vốn FDI và xuất nhập khẩu; số doanh nghiệp (DN) đang hoạt động chiếm gần 30% cả nước. Tuy nhiên, TP HCM là địa phương có tổng lượng phát thải khí nhà kính lớn nhất, với gần 60 triệu tấn mỗi năm, chiếm 23,3% cả nước.
Cơ hội và thách thức
TP HCM đã hình thành hệ thống văn bản quy phạm pháp luật cho việc triển khai thực hiện tăng trưởng xanh từ năm 2012. Đến nay, TP HCM đã có quy định cụ thể về đối tượng phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính và giảm nhẹ phát thải khí nhà kính.
Đối với năng lượng tái tạo, TP HCM khuyến khích sử dụng năng lượng sạch, năng lượng mới trong các kế hoạch, chương trình hành động của các ban, ngành. Chính sách về phát triển giao thông thân thiện với môi trường ngày càng cụ thể; khung pháp lý về sản xuất và tiêu dùng xanh đang được hoàn thiện. Người dân TP HCM cũng ngày càng quan tâm hơn đến sản phẩm xanh.
Dù việc chuyển đổi đã có những kết quả nhất định song nhiều vấn đề đang đặt ra cho TP HCM. Về cơ bản, nền kinh tế của thành phố vẫn phát triển theo hướng kinh tế tuyến tính. Một số văn bản hiện chỉ mang tính chất định hướng chính sách; chưa có nội dung cụ thể về chính sách hỗ trợ, nguồn lực tài chính để thực hiện tăng trưởng xanh, trong khi nguồn ngân sách lại hạn hẹp. Phát triển kinh tế xanh cũng đòi hỏi ứng dụng khoa học - công nghệ, trong khi năng lực phát triển công nghệ của nhiều DN và năng suất lao động còn hạn chế.
Thị trường tái sử dụng, tái chế chất thải chưa có tính liên kết và còn nhiều vướng mắc về giấy phép thực hiện. Lượng xe máy tại TP HCM vẫn tiếp tục tăng nhanh. Tỉ lệ người sử dụng các phương tiện thân thiện với môi trường hay phương tiện công cộng còn thấp.
Xu hướng tất yếu
Để thúc đẩy nhanh và hiệu quả quá trình phát triển nền kinh tế xanh, TP HCM cần hành động có trọng tâm, tránh dàn trải, chạy theo phong trào. TP HCM cần xây dựng và ban hành các bộ tiêu chí đầy đủ, đồng bộ, tập trung để hỗ trợ lựa chọn, đánh giá nhà đầu tư, dự án tiềm năng sử dụng công nghệ cao, công nghệ thân thiện môi trường, nhất là trong các ngành, lĩnh vực mà thành phố ưu tiên phát triển, có lợi thế.
TP HCM cần có lộ trình và cơ chế, chính sách cụ thể để chuyển dịch cơ cấu nội ngành công nghiệp sang các ngành mũi nhọn, có hàm lượng công nghệ, giá trị gia tăng cao; chuyển đổi các ngành công nghiệp thâm dụng tài nguyên, năng lượng sang các ngành công nghiệp xanh, công nghiệp phát thải carbon thấp.
TP HCM cần tăng cường đầu tư cho khoa học - công nghệ; khuyến khích, tạo điều kiện cho các viện nghiên cứu, trường đại học... nghiên cứu, tổ chức, chủ trì các hội nghị, hội thảo khoa học quốc tế. TP HCM cần tăng cường tham gia các hội nghị, hội thảo khoa học ở nước ngoài trong lĩnh vực phát triển kinh tế xanh, như giảm thiểu phát thải carbon, phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng thân thiện với môi trường...; tích cực lựa chọn, tiếp nhận, chuyển giao công nghệ tiên tiến phù hợp với điều kiện của thành phố.
TP HCM cũng cần có chính sách đầu tư tài chính mạnh mẽ vào các dự án xanh như năng lượng, vận tải, sản xuất…; có chính sách ưu đãi để khuyến khích DN đang sử dụng công nghệ lạc hậu, không thân thiện với môi trường chuyển đổi sang đầu tư vào công nghệ cao, công nghệ sạch, công nghệ tiên tiến, góp phần nâng cao năng suất sản xuất, tiết kiệm nguyên liệu, đáp ứng tiêu chuẩn của nền kinh tế xanh.
Cơ hội từ Nghị quyết 98
Nghị quyết 98/2023 của Quốc hội cho phép TP HCM ban hành chính sách khuyến khích, hỗ trợ, ưu đãi thực hiện chuyển đổi phương tiện giao thông từ sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng sạch và lộ trình thực hiện. Nghị quyết 98 cũng cho phép UBND TP HCM có thẩm quyền hạn chế hoạt động đối với phương tiện cơ giới đường bộ sử dụng nhiên liệu hóa thạch tham gia giao thông.
Cùng với việc phát triển giao thông xanh, Nghị quyết 98 còn cho phép TP HCM thí điểm mô hình phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông công cộng (TOD). Đây là mô hình đã được thực hiện nhiều nơi trên thế giới nhằm sắp xếp, tổ chức lại đô thị trên cơ sở tối ưu hóa việc sử dụng các phương tiện vận tải công cộng công suất lớn, tận dụng giá trị gia tăng từ đất tại các vị trí đầu mối giao thông.
Cơ chế này cho phép TP HCM được sử dụng ngân sách địa phương để triển khai dự án đầu tư công độc lập. Tức là thành phố được tách rời các công việc liên quan bồi thường với công việc xây dựng, để thu hồi đất, tạo quỹ đất nhằm đấu giá lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư phát triển đô thị, thương mại, dịch vụ.
TP HCM cần tiếp tục triển khai xây dựng đề án trở thành trung tâm tài chính của khu vực và quốc tế; đi đầu trong phát triển, thử nghiệm các sản phẩm mới, sản phẩm xanh và là trung tâm khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo của khu vực. Trong đó, các trung tâm đổi mới sáng tạo phải lấy nòng cốt từ các khu công nghệ cao, phát huy ưu thế từ những trường đại học, trong đó có ĐHQG TP HCM.
TP HCM hoàn toàn có thể xây dựng đề án phát hành trái phiếu xanh của chính quyền địa phương. Ngoài ra, TP HCM cũng có thể khuyến khích DN phát hành trái phiếu DN xanh để phục vụ các mục tiêu, chương trình, dự án xanh, đáp ứng đủ các tiêu chí phát triển xanh.
Bình luận (0)