Đó là bán hàng thông qua sàn thương mại điện tử và mạng xã hội.
Những ngày cận Tết, đến làng rèn trăm tuổi Tiến Lộc ở huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa, chúng tôi cảm nhận không khí rộn ràng qua tiếng đe, tiếng búa, tiếng máy dập, máy mài dao… làm việc hết công suất vang lên khắp nơi. "Bản hợp xướng" đinh tai, nhức óc ấy diễn ra hằng ngày nhưng đã mang đến cho người dân nơi đây một cuộc sống no ấm, đủ đầy suốt bao năm qua.
Bớt vất vả, nặng nhọc
Là người có thâm niên hàng chục năm làm nghề rèn cuốc, xẻng, dao, kéo... cho khách hàng khắp trong Nam ngoài Bắc, ông Trịnh Văn Hạnh (ngụ thôn Sơn, xã Tiến Lộc) cho biết tuổi thơ của ông gắn liền với những âm thanh chát chúa từ chiếc búa đập xuống thanh sắt đỏ rực vừa được lấy ra từ lò lửa. Lớn lên, ông nối gót cha theo cái nghề cơ cực này.
"Ngày nay, do ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật nên các công đoạn nặng nhọc của nghề rèn đã được máy móc hỗ trợ rất nhiều. Nhờ đó, các sản phẩm mà làng nghề làm ra có mẫu mã đa dạng, đẹp mắt, được thị trường nhiều nơi đón nhận. Từ đó, thu nhập của người dân quê tôi được nâng lên, đời sống cũng đổi thay nhiều" - ông Hạnh nhớ lại.
Anh Kiều Văn Lực (ngụ thôn Ngọ, xã Tiến Lộc) cũng gắn bó với nghề rèn từ lúc thiếu thời. Anh cho biết trước đây, việc rèn dao, kéo, cuốc, xẻng chủ yếu bằng phương pháp thủ công, rất vất vả. Những năm gần đây, các hộ dân làng nghề đầu tư thêm máy móc, trang thiết bị nên sản phẩm làm ra nhiều hơn, công việc cũng đỡ cực nhọc hơn.
Cũng chọn nghề rèn truyền thống của quê hương để "khởi nghiệp", đến nay, anh Phạm Văn Tiến (ngụ thôn Tất Đắc, xã Tiến Lộc), Giám đốc Công ty TNHH XR Tấn Lộc Tài, đã có 3 cơ sở sản xuất rộng tới 3.000 m2. Mỗi ngày, cơ sở của ông chủ mới 30 tuổi này cho ra thị trường hàng ngàn sản phẩm, tạo công ăn việc làm cho khoảng 80 lao động với thu nhập 5-7 triệu đồng/người/tháng.
Trước khi gắn bó với nghề rèn, anh Tiến đã mưu sinh ở nhiều nơi, làm đủ thứ nghề. Năm 2014, anh quyết định về quê lập nghiệp với nghề rèn. Ngay từ khi bắt tay vào công việc, anh đã nhận thấy rõ ưu, khuyết điểm của các sản phẩm truyền thống, nhất là dao.
Vì thế, những ngày đầu lập nghiệp, Tiến đã dành thời gian đi khắp các tỉnh, thành cả nước, vừa nắm bắt nhu cầu thị trường vừa đến các làng rèn lớn để tìm hiểu và học hỏi kinh nghiệm. Anh cũng không ngừng tìm kiếm thông tin về việc chế tác dao ở một số nước phát triển, như Nhật Bản, thông qua mạng internet.Để nâng cao hiệu quả của nghề rèn, anh đã đưa máy móc hiện đại vào sản xuất nhằm tăng sản lượng sản phẩm, tạo thu nhập cao cho người lao động.
"Khuyết điểm của sản phẩm làng rèn Tiến Lộc là sau một thời gian sử dụng thường bị ô-xy hóa, gỉ sét nên không thẩm mỹ, mất giá trị. Tôi đã tìm tòi, áp dụng kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất, nhất là học hỏi cách làm dao từ các nước phát triển. Đến năm 2022, tôi đã ứng dụng công nghệ mới, sản xuất dao thép trắng không gỉ; đầu tư trên 1 tỉ đồng mua máy plasma, máy đột dập, lò tôi cao tần, máy cắt tôn. Từ đó, sản phẩm làm ra đẹp mắt, độ chống gỉ đạt 96%, được người tiêu dùng đón nhận" - anh Tiến nhớ lại.
Với những nỗ lực trong việc tạo nên thương hiệu cho làng nghề, năm 2023, dao thép không gỉ XR Tấn Lộc Tài của anh Tiến đã được công nhận là sản phẩm OCOP (Chương trình "Mỗi xã 1 sản phẩm") 3 sao; được vinh danh là Thương hiệu vàng nông nghiệp Việt Nam, top 10 Thương hiệu uy tín quốc gia. Công ty của anh là 1 trong 20 doanh nghiệp tiêu biểu do Tổng hội Nông nghiệp - Phát triển nông thôn bình chọn.
Ổn định, khấm khá
Không chỉ thay đổi phương thức sản xuất, hiện nay, nhiều cơ sở tại làng nghề rèn Tiến Lộc còn thay đổi cả cách bán hàng. Nhiều hộ làng nghề đã đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm qua các kênh bán hàng trên các sàn thương mại điện tử, mạng xã hội như Shopee, Lazada, Facebook, TikTok…
Theo nhiều người dân Tiến Lộc, khi công nghệ phát triển mạnh, thay vì phải mang sản phẩm làng nghề đi bán dạo, mời chào các đại lý, tiệm tạp hóa… như trước thì người dân chỉ cần trao đổi hàng hóa qua sàn thương mại điện tử và mạng xã hội. Người dân làng rèn còn chú trọng livestream để giới thiệu, bán hàng, giúp nhiều cơ sở tiêu thụ sản phẩm gấp nhiều lần so với trước đây.
"Nhờ chuyển đổi số, trong 2 năm qua, mỗi năm các cơ sở của gia đình tôi bán hơn 200.000 con dao các loại ra thị trường, mang lại doanh thu gần 7 tỉ đồng" - anh Tiến hào hứng.
Theo ông Trịnh Văn Hùng, Phó Chủ tịch UBND xã Tiến Lộc, mỗi năm, ngành tiểu thủ công nghiệp của xã có doanh thu khoảng 470-500 tỉ đồng. Trong đó, nghề rèn ở 3 thôn Ngọ, Bùi, Sơn chiếm đến 90% tổng doanh thu của ngành tiểu thủ công nghiệp địa phương.
Ông Hùng thông tin nghề rèn hiện là nghề chủ lực của địa phương với khoảng 1.500 hộ dân tham gia, mang lại thu nhập ổn định cho nhiều gia đình. "Công việc rèn dao, kéo, cuốc, xẻng... diễn ra quanh năm và bận rộn nhất là dịp trước Tết Nguyên đán. Mỗi ngày, người dân làng nghề sản xuất khoảng 200.000 sản phẩm các loại để cung ứng ra thị trường. Dù nghề rèn vẫn còn vất vả nhưng có thị trường và nguồn thu nhập ổn định, giúp nhiều hộ gia đình vươn lên khá giả" - ông Hùng nhấn mạnh.
"Hồn cốt" độc đáo của làng nghề
Giống như nhiều làng nghề truyền thống khác, làng rèn Tiến Lộc có tuổi đời cả trăm năm. Đây là một trong những làng nghề nổi tiếng ở xứ Thanh. Điều đặc biệt tại các làng rèn là dù áp dụng khoa học công nghệ tiên tiến, hiện đại đến đâu thì vẫn không thể thay thế được chiếc lò lửa. Lò rèn vẫn đỏ lửa quanh năm, là "hồn cốt" tạo nên sự độc đáo của làng nghề.
Bình luận (0)